Lực bán tháo tập trung chủ yếu ở nhóm nông sản khi tất cả các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở Chicago đều giảm mạnh trên 1%. Cùng với đó, giá cả hai mặt hàng dầu thô tiếp tục đà lao dốc từ đầu tuần bất chấp việc giá khí tự nhiên tăng vọt 7% lên mức 9,3 USD/MMBtu. Trong khi đó, thị trường nguyên liệu công nghiệp và kim loại lại ghi nhận diễn biến trái chiều với sự phân hoá trên bảng giá.
Thời tiết tại Mỹ ổn định hơn khiến các mặt hàng nông sản tiếp tục đà giảm mạnh
Giá đậu tương tiếp tục suy yếu và đóng cửa với mức giảm hơn 2%. Báo cáo Tiến độ Mùa vụ (Crop Progress) cho thấy, tỷ lệ đậu tương đạt chất lượng tốt – tuyệt vời của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 14/08 đạt 58%, bằng với dự đoán của thị trường. Mặc dù giảm 1% so với tuần trước, nhưng con số này vẫn cao hơn mức 57% cùng kỳ năm trước. Điều kiện thời tiết thuận lợi cùng với sự sụt giảm không đáng kể của chất lượng cây trồng đã gây sức ép lớn lên giá ngay khi vừa mở cửa.
Bên cạnh đó, 2 mặt hàng còn lại trong nhóm đậu tương cũng ghi nhận phiên suy yếu thứ 2 liên tiếp. Đối với dầu đậu tương, sự suy yếu của dầu thô tiếp tục là yếu tố gây áp lực lên giá. Trong khi đó, bất chấp việc Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố báo cáo hàng tuần với số liệu tích cực về nhập khẩu khô đậu tương của EU, giá mặt hàng này vẫn giảm về dưới ngưỡng 400. Triển vọng thời tiết tích cực ở Mỹ đã tạo sức ép chung đến 2 mặt hàng thành phẩm này trong phiên hôm qua.
Giá ngô đã nối tiếp đà suy yếu và ghi nhận mức sụt giảm mạnh tới gần 3%. Triển vọng tích cực về nguồn cung tại Mỹ khi thời tiết đang dần trở nên ôn hoà hơn vẫn là yếu tố chính gây sức ép lên giá. Lo ngại về ảnh hưởng của khô hạn giai đoạn trước đó tới năng suất ngô đang dần được xoa dịu. Còn tại Brazil, Ban Thư ký Ngoại thương (Secex) cho biết, trong 2 tuần đầu tháng 08, mỗi ngày nước này đã xuất khẩu tới 323.600 tấn ngô, cao hơn so với mức 197.100 tấn được ghi nhận trong cùng kỳ năm trước. ANEC cũng dự báo Brazil có thể xuất khẩu 8,08 triệu tấn trong tháng này, cao hơn so với mức 7,88 triệu tấn dự báo tuần trước. Hoạt động xuất khẩu của Brazil được đẩy mạnh cho thấy ngô Mỹ gặp phải sức ép cạnh tranh lớn hơn và tạo áp lực lên giá trên Sở Chicago.
Nhu cầu được cải thiện, lực bán áp đảo đối với cà phê
Giá cà phê Arabica giảm mạnh hơn 2%, xuống mức 4.768 USD/tấn do nguồn cung bắt đầu có sự cải thiện. Tồn kho đạt chuẩn của mặt hàng này trên Sở ICE US bất ngờ tăng 5.632 bao (60kg), giúp tổng lượng tồn kho hiện tại đạt mức 577.212 bao, đây là lần tăng đầu tiên kể từ 03/06. Bên cạnh đó, đồng Real suy yếu cũng phần nào thúc đẩy lực bán từ phía nông dân Brazil, từ đó hỗ trợ cho đà giảm của giá.
Giá đường cũng cũng nối dài đà giảm, đóng cửa giá đường thô giảm 1,46% và đường trắng giảm 1,27%. Nguyên nhân chính lý giải cho sự suy yếu này đến từ việc Petrobras, công ty dầu khí đa quốc gia tại Brazil, giảm gần 5% giá xăng dầu tại các nhà máy lọc dầu, càng làm giảm sức cạnh tranh của ethanol so với đường và thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất đường, khiến nguồn cung mặt hàng này tiếp tục được nới lỏng.
Trong khi đó, ở diễn biến ngược lại, bất chấp thị trường dầu thực vật suy yếu trong phiên hôm qua khi giá dầu đậu tương sụt giảm, dầu cọ thô vẫn khởi sắc với mức tăng gần 1% lên 934 USD/tấn. Nhà khảo sát hàng hóa Societe Generale de Surveillance cho biết xuất khẩu các sản phẩm dầu cọ trong 15 ngày đầu tháng 08 tại Malaysia đạt 516.072 tấn, giảm 9,5% so với mức 570.050 của cùng kỳ tháng 07.
Đà tăng của bông đã chậm lại so với 2 ngày tăng vọt trước đó, dù vẫn nhận được sự hỗ trợ từ việc điều chỉnh giảm mạnh sản lượng bông thế giới với 3,1 triệu bao và tại Mỹ giảm 3 triệu bao trong báo cáo Cung cầu tháng này. Dự báo thời tiết cho thấy nắng nóng đang suy yếu và mưa bắt đầu xuất hiện từ thứ 5 tuần này tại bang Texas, vùng sản xuất bông chính của Mỹ, đã đẩy lùi những lo ngại về nguồn cung suy yếu tại đây, từ đó kìm hãm đà tăng của giá trong hôm qua.
Giá dầu thô giảm mạnh khi thị trường đón nhận thông tin tiêu cực từ vĩ mô
Giá dầu tiếp tục giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua 16/08, khi thị trường đón nhận các dữ liệu kinh tế tiêu cực của Mỹ và diễn biến mới của đàm phán EU – Iran. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 3,22% xuống 86,53 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,9% xuống 92,34 USD/thùng. Liên tiếp các thông tin tiêu cực đẩy giá dầu về vùng thấp nhất trong vòng 6 tháng.
Sáng sớm nay ngày 17/08, theo giờ Việt Nam, thống kê độc lập của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu thô và các sản phẩm xăng dầu đồng loạt giảm trong tuần kết thúc ngày 12/08. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ giá dầu ngày hôm nay, dù với mức giảm 448.000 thùng cũng không quá lớn.
Như vậy, diễn biến giá hàng hoá thế giới đang theo sát các yếu tố cung cầu. Trong khi các mặt hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp chịu áp lực từ thông tin về mùa vụ, thời tiết và các dữ liệu tồn kho thì triển vọng tăng trưởng kinh tế kém khả quan tại Mỹ và Trung Quốc dẫn đến nhu cầu tiêu thụ suy yếu đang gây sức ép lớn đến thị trường kim loại và năng lượng. MXV dự báo, nếu giá hàng hoá trên thế giới tiếp tục duy trì xu hướng giảm như giai đoạn vừa qua, tới đây, giá một số mặt hàng trong nước có thể sẽ giảm thêm vì hàng nhập khẩu luôn có độ trễ.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)