Phần lớn các mặt hàng giao dịch trong ngày hôm qua đều biến động với biên độ hẹp, dòng tiền đến thị trường cũng có dấu hiệu chững lại, thể hiện tâm lý rất thận trọng của nhà đầu tư, trong bối cảnh hàng loạt các thông tin trái chiều cùng tác động lên giá hàng hoá.

Dollar Mỹ suy yếu hỗ trợ thị trường kim loại, nhưng rủi ro về nhu cầu vẫn đang tạo sức ép
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/11, thị trường kim loại ghi nhận các biến động tương đối giằng co. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng 0,76% lên mức 21,53 USD/ounce trong khi giá bạch kim gần như không thay đổi so với phiên trước đó, chỉ giảm nhẹ 0,01% xuống 996,7 USD/ounce.

Đồng Dollar Mỹ tiếp tục suy yếu và đang tiến sát mức thấp nhất trong vòng 3 tháng đã hỗ trợ cho nhóm kim loại quý như bạc và bạch kim mở cửa phiên với mức giá cao hơn. Hiện tại, các nhà đầu tư cho rằng lãi suất của Mỹ đạt đỉnh chỉ trên 5% vào tháng 5 năm sau, với mức tăng chậm lại trong các kỳ họp sắp tới. Điều này có thể sẽ giúp thị trường có thêm thời gian thích ứng và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể xem xét các dữ liệu và điều chỉnh linh hoạt chính sách tiền tệ thắt chặt. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group đang cho thấy khoảng 75% khả năng Fed hiện chuyển sang mức tăng 50 điểm cơ bản thay vì 75 điểm cơ bản trong 4 kỳ họp vừa qua.

Tuy nhiên, cả bạc và bạch kim đều gặp áp lực và diễn biến giằng co trong phiên do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khi đánh giá về nguy cơ suy thoái có thể ảnh hưởng tới nhu cầu kim loại quý trong công nghiệp. Fed cũng đã thông báo khả năng suy thoái của Mỹ trong năm tới đã tăng lên gần 50%, mức cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3. Ngân hàng trung ương Thụy Điển đã tăng lãi suất cơ bản thêm 3/4 điểm phần trăm vào hôm qua, lên mức 2.5%, đồng thời báo hiệu các đợt tăng lãi suất tiếp theo vào năm tới để chống lạm phát. Nguy cơ suy thoái tại khu vực châu Âu ngày càng gia tăng tạo áp lực tới nhu cầu tiêu thụ kim loại quý, đặc biệt là trong ngành công nghiệp xanh.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, đồng COMEX kết thúc phiên với mức tăng 0,33% lên mức 3,63 USD/pound. Quặng sắt cũng ghi nhận lực mua tích cực, chốt phiên với mức giá 95,71 USD/tấn sau khi tăng 0,38%. Bất chấp yếu tố dịch bệnh tiêu cực tại Trung Quốc khi số ca nhiễm đã lên tới gần 30.000 người, mức cao nhất trong thời kỳ đại dịch có thể làm trì trệ các hoạt động kinh tế, giá phần lớn kim loại cơ bản đều tăng nhẹ trước kỳ vọng Chính phủ sẽ có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng. Theo Bloomberg, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể xem xét cắt giảm mức dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng thương mại nhằm gia tăng cung tiền cho nền kinh tế vào cuối tuần này. Ngoài ra, lực mua đối với đồng còn được thúc đẩy bởi một số rủi ro từ nguồn cung khi mới đây, công nhân tại mỏ đồng lớn nhất thế giới Escondida tại Chile đã từ chối những lời đề nghị từ phía công ty nhằm giải quyết tranh chấp về lao động trước đó, và đe doạ đình công vào cuối tháng 11.
Giá dầu ít thay đổi khi Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ và các cuộc đàm phán về giá trần của EU bị trì hoãn
Giá dầu gần như không thay đổi khi kỳ nghỉ Lễ tạ ơn ở Mỹ bắt đầu. Kết thúc phiên 24/11, giá dầu thô WTI tăng nhẹ chỉ 0,03% lên 77,96 USD/thùng, giá dầu thô Brent giảm 0,06% về 85,09 USD/thùng.

Diễn biến ít sôi động của phiên hôm qua một phần từ việc khối lượng giao dịch giảm đáng kể trong kỳ nghỉ lễ, còn xuất phát từ việc Liên minh châu Âu (EU) vẫn chưa đạt được sự đồng thuận cao về chính sách áp giá trần với dầu thô của Nga.

Sự chia rẽ trong khối ngày càng rõ ràng khi mà các nhà ngoại giao châu Âu đang bị mắc kẹt trong các cuộc đàm phán về mức trần giá đối với dầu của Nga nên nghiêm ngặt như thế nào, Ba Lan cho rằng mức giá 65 USD/thùng vẫn còn quá mềm mỏng đối với Moscow, và đã bác bỏ đề xuất này. Trong khi đó Hy Lạp, không muốn giá dầu xuống dưới 70 USD.
Các nhà ngoại giao vẫn lạc quan rằng một thỏa thuận có thể giữ không làm gián đoạn nguồn cung dầu từ Nga, đồng thời hạn chế doanh thu của Moscow. Tuy nhiên, không ít nhà phân tích cho rằng mức vì Nga đã bán dầu của mình với giá chiết khấu, nên mức giá trần sẽ không làm ảnh hưởng nhiều tới các hoạt động xuất khẩu nhiên liệu của Nga.
Theo Reuters, Trung Quốc và Ấn Độ, hai đối tác lớn của Nga trong năm nay và cũng là quốc gia nhập khẩu đầu thô lớn nhất và lớn thứ ba thế giới cũng đang tỏ ra thận trọng hơn trong việc nhập khẩu dầu thô của Nga, bởi các hạn chế liên quan tới vận chuyển của Châu Âu sẽ gây ra khá nhiều khó khăn cho các đối tác Châu Á trong việc tiếp cận nguồn hàng.
Về phía Nga, thay vì giữ vững quan điểm không bán cho bất kỳ quốc gia nào áp dụng mức trần giá và có thể sẽ cắt giảm sản lượng, quốc gia này đã tỏ ra mềm mỏng hơn khi ám chỉ rằng lập trường này có thể thay đổi.
Một trong những yếu tố hạn chế sức mua trên thị trường dầu hôm qua là việc số ca nhiễm Covid-19 theo ngày tại Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch nổ ra. Chính quyền địa phương tại nhiều tỉnh như Trịnh Châu, một lần nữa thắt chặt các biện pháp kiểm soát để dập tắt các đợt bùng phát dịch, làm tăng thêm mối lo ngại của các nhà đầu tư đối với nguy cơ suy thoái kinh tế và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
 

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)