Giá trị giao dịch toàn Sở vẫn duy trì ổn định ở mức 6.300 tỉ đồng, cho thấy ưu thế của thị trường hàng hóa, khi mà giới đầu tư luôn có thể tìm kiếm được cơ hội ngay cả khi giá lên hay xuống.
Trên nhóm nông sản, giá lúa mì Chicago và ngô giảm lần lượt gần 2% và 1,25%, khi giới đầu tư cho rằng thị trường đã hấp thụ sự gián đoạn nguồn cung từ khu vực Biển Đen vào đà tăng trước đó, dẫn đến việc lực bán giá tăng khi các số liệu bán hàng xuất khẩu thiếu tích cực.
Báo cáo Export Sales trong tuần kết thúc ngày 17/03 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, bán ngô hàng tuần đạt 985.600 tấn, gần mức thấp nhất của ước tính là 900.000 đến 2,2 triệu tấn. Các nhà xuất khẩu dường như đã nhận ra rằng vẫn còn ngô trên thế giới đang được chào bán rẻ hơn so với nguồn cung của Mỹ.
Trong khi đó, bán hàng lúa mì của niên vụ 21/22 chỉ bằng 1 nửa so với con số trung bình cần thiết hàng tuần để đáp ứng được kế hoạch xuất khẩu hiện tại.
Tương tự với thị trường năng lượng, giá dầu giảm điều chỉnh trong phiên hôm qua, sau khi phía Liên minh châu Âu EU thất bại trong việc gia tăng các lệnh cấm vận lên ngành dầu khí của Nga. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 2,25% xuống 112,34 USD/thùng, giá Brent giảm 2,08% xuống 115,3 USD/thùng.
Hoạt động xuất khẩu dầu của Nga gặp gián đoạn kết hợp với dịch bệnh Covid-19 lây lan tại Thượng Hải đã gây áp lực lên thị trường dầu. Trước đấy, chính quyền địa phương đã bác bỏ thông tin Thượng Hải tiến hành phong tỏa. Tuy vậy, một số quận bắt đầu tiến hành đóng cửa để tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, cho thấy Trung Quốc vẫn đang quyết tâm theo đuổi chiến dịch “Zero-Covid”.
Nguồn tin của Reuters cho biết đường ống dẫn dầu CPC qua Biển Đen bắt đầu hoạt động lại một phần từ thứ 5 cũng khiến lực bán gia tăng trong cuối phiên. Thông tin này khả năng cao cũng sẽ gây áp lực lên giá dầu trong phiên cuối tuần.
Trong một diễn biến trái chiều của nhóm kim loại, giá vàng và giá bạc tiếp tục nối dài đà tăng lên lần lượt là 1.958,5 USD và 25,9 USD/ounce. Giá bạch kim cũng lấy lại sắc xanh với mức tăng 1% lên 1.031 USD/ounce. Trong một ngày mà các thị trường đầu tư rủi ro và cả giá trị của đồng USD đều tăng, dòng vốn vẫn đổ về thị trường kim loại quý. Có thể thấy, tâm lý thị trường đã được cải thiện khá nhiều, tuy nhiên, các nhà đầu tư đang có xu hướng đa dạng hoá danh mục đầu tư của mình.
Việc số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu được công bố trong hôm qua giảm về 187.000 người, thấp hơn 14% so với con số 215.000 đơn của tuần trước. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ đầu tháng 9/1969.
Trên nhóm kim loại cơ bản, niken vẫn là tâm điểm với phiên tăng trần 15% thứ hai liên tiếp. Thị trường niken đang cho thấy nhiều sự bất ổn, và công ty gián tiếp gây ra những biến động mạnh trên thị trường là Tsingshan, đã ký thoả thuận với các ngân hàng để tránh các cuộc gọi ký quỹ và cam kết cắt giảm vị thế bán khống bằng cách mua lại các hợp đồng với quy mô lớn trên Sở LME.
Động thái tất toán các vị thế bán để giảm thiểu rủi ro khiến cho sức mua tăng mạnh trong các phiên gần đây. Sở LME đã có nỗ lực điều tiết giá bằng việc đặt ra mức giới hạn 15% cho mỗi phiên để ngăn chặn sự lặp lại của những biến động cực đoan như đầu tháng 3. Tuy nhiên, chênh lệch giá mua bán lớn cùng với tính thanh khoản giảm bớt trong thời gian gần đây cũng là một bài toán rất khó khăn với các nhà đầu tư đang muốn tham gia thị trường niken vào lúc này.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)