Giá ngô có khả năng sẽ tiếp tục suy yếu trở lại trong tuần này do các số liệu “bullish" đã phản ánh vào đà tăng tuần trước
Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô đã bất ngờ quay đầu với mức giảm khá mạnh. Mức biến động lớn chỉ trong phiên sáng nay cho thấy tâm lí thị trường đang phản ánh và đánh giá lại sự thay đổi về cơ cấu cung – cầu sau báo cáo WASDE tháng 8 mà Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố vào tối thứ 6 tuần trước. Mặc dù các số liệu trong báo cáo này nhìn chung đều thiên về tác động “bullish” nhưng do tác động đã phần nào được phản ánh vào đà tăng tuần trước nên bước sang tuần này, với triển vọng thời tiết tốt hơn, lực bán lại đang chiếm ưu thế hơn.
Báo cáo WASDE tháng 8 thường mang lại tác động lớn kể cả trước hay sau khi công bố do đây là lần đầu tiên có thể xảy ra sự điều chỉnh về mức năng suất cây trồng mỗi niên vụ. Điều này không đồng nghĩa với việc ảnh hưởng từ số liệu sẽ duy trì. Năm ngoái, thị trường ngô đã ghi nhận sự sụt giảm khá mạnh trong khoảng thời gian từ báo cáo tháng 8 tới báo cáo tháng 9 mặc dù các số liệu về nguồn cung năm ngoái cho thấy tình hình kém khả quan hơn so với dự đoán của thị trường. Bối cảnh mùa vụ năm nay cũng đang có sự tương đồng khi hạn hán đã khiến cho mức năng suất ngô bị cắt giảm từ mức 177 giạ/mẫu xuống mức 175.4 giạ/mẫu. Con số này mặc dù thấp hơn 1 chút so với dự đoán trung bình nhưng vẫn nằm trong khoảng dự đoán. Điều này cũng lý giải cho diễn biến tăng mạnh của giá ngô không chỉ trong phiên phát hành báo cáo mà còn trong cả giai đoạn trước đó do những kỳ vọng của thị trường về tác động “bullish” của báo cáo. Tuy nhiên, theo chúng tôi, mức cắt giảm trên không phải là yếu tố gây ra bất ngờ đối với thị trường, và đà tăng vừa qua cũng đã phản ánh hầu hết tác động hỗ trợ. Ngoài ra, thời tiết ở Mỹ cũng đang ổn định hơn khi nhiệt độ được dự báo sẽ mát mẻ hơn trên khắp các khu vực Midwest cùng với độ ẩm thặng dư nhờ lượng mưa xuất hiện cục bộ ở Nebraska, lowa và Wisconsin. Điều này đã khiến thị trường kì vọng vào mức năng suất ngô có thể Mỹ sẽ cải thiện trở lại trong giai đoạn tới và từ đó tạo áp lực lên giá mặt hàng này.

Kỳ vọng lo ngại nguồn cung cà phê tại Brazil tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá trong phiên hôm nay
Kết thúc tuần giao dịch 08/08 – 14/08, cả 2 mặt hàng cà phê đều có sự khởi sắc mạnh, đặc biệt là Robusta khi giá tăng hơn 10%. Nguyên nhân lý giải cho sự tích cực này đến từ lo ngại nguồn cung suy yếu khi tiến độ thu hoạch tại Brazil vẫn chậm hơn so với trung bình lịch sử, kết hợp với tồn kho đạt chuẩn Arabica trên Sở ICE US giảm sâu đã thúc đẩy lực mua áp đảo và thúc đẩy đà tăng của giá.
Các thông tin cơ bản về nguồn cung cà phê, cụ thể là tiến độ thu hoạch tại Brazil được kỳ vọng sẽ tiếp tục tác động phần nào đến diễn biến giá cà phê trong thời gian ngắn tới, trước khi số liệu mới về tiến độ thu hoạch trong tuần này được công bố. Và điều này dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy đà tăng của giá trong phiên hôm nay.
Dù tồn kho đạt chuẩn của Arabica trên Sở ICE US trong tuần vừa qua giảm mạnh so với các tuần gần đây, tín hiệu tích cực đã đến vào cuối tuần khi số liệu này không có sự thay đổi so với phiên trước đó. Và theo một nguồn tin giấu tên, hơn 160 nghìn Arabica (60kg), đang được phân loại và sẽ sớm bổ sung để bù đắp cho số liệu đang ở mức thấp nhất trong 23 năm gần nhất.
Dự báo thời tiết trong 10 ngày tới tại Minas Gerais, vùng trồng Arabica chính tại Brazil, vẫn duy trì sự khô ráo, thuận tiện cho việc thu hoạch cũng như sấy khô.

Thị trường đồng nhiều khả năng sẽ đón nhận lực bán lớn do triển vọng tiêu thụ kém khả quan
Giá đồng mở cửa phiên giao dịch đầu tuần với lực bán mạnh sau những dữ liệu kinh tế ảm đạm trong tháng 7 của Trung Quốc. Điều này đã làm mờ triển vọng tiêu thụ đồng tại quốc gia chiếm hơn 1 nửa cơ cấu nhu cầu sử dụng kim loại này, và đây có thể là yếu tố trọng tâm gây áp lực cho giá đồng trong vài phiên tới.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc cho thấy, sản lượng công nghiệp tăng 3.8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng 3.9% của tháng 6 và trái ngược với kỳ vọng tăng mạnh hơn ở mức 4.6% của các chuyên gia kinh tế. Doanh số bán lẻ yếu kém hơn và đặc biệt, đầu tư tài sản cố định cũng tăng trưởng chậm hơn, từ mức 6.1% hồi tháng 6 xuống còn 5.7% vào tháng 7.
Những ổ dịch nhỏ lẻ liên tục xuất hiện tại nhiều khu vực trên cả nước tiếp tục làm gián đoạn các hoạt động sản xuất và điều đó kéo theo bức tranh tăng trưởng tiêu cực của Trung Quốc trong tháng 7. Trong khi đó, hiện nay, dịch bệnh vẫn dai dẳng và mới nhất là sự bùng phát tại hòn đảo du lịch Hải Nam đã khiến nhiều du khách mắc kẹt. Số ca nhiễm trên toàn quốc lên đến 2,312 ca, ghi nhận lần đầu tiên sau hơn ba tháng, số ca nhiễm lên tới 2,000 ca trong ba ngày liên tiếp. Bên cạnh đó, ngành bất động sản vẫn đang rơi vào vòng xoáy suy thoái. Giá nhà ở mới giảm 11 tháng liên tiếp vào tháng 7 trong bối cảnh khủng hoảng cho vay thế chấp chưa tìm được lời giải. Những yếu tố này được dự đoán sẽ tạo áp lực cho nhu cầu về đồng do hoạt động sản xuất có thể tiếp tục bị giới hạn trong nửa cuối năm nay.
Mặc dù Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bất ngờ cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn 1 năm vào sáng nay nhằm nỗ lực kích thích kinh tế, nhưng điều này nhiều khả năng sẽ chưa thể hỗ trợ đáng kể tới giá kim loại cơ bản. Thứ nhất, kể cả trong môi trường lãi suất ưu đãi, các nhà sản xuất dường như vẫn khó mở rộng hoạt động nếu như dịch bệnh vẫn gây ra ảnh hưởng nhất định. Thứ hai, việc đi ngược với tiến trình thắt chặt tiền tệ tại nhiều quốc gia khác trên thế giới có thể khiến đồng nhân dân tệ trượt giá và dòng vốn chảy ra, tìm đến những đồng tiền trú ẩn an toàn như đồng USD. Chỉ số Dollar Index đã tăng lên trong phiên sáng nay trước thông tin này và điều đó có thể gây áp lực tới chi phí nắm giữ đồng vật chất.

Giá dầu có thể tiếp tục giảm do các yếu tố vĩ mô tiêu cực từ Trung Quốc và Mỹ
Giá dầu giảm trong sáng nay trước những ảnh hưởng từ số liệu kinh tế tiêu cực của Trung Quốc.
Nếu như việc lạm phát hạ nhiệt và số liệu thương mại tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới thúc đẩy giá dầu trong tuần trước, thì việc sản lượng công nghiệp chỉ tăng trưởng 3.8%, cùng với việc doanh số bán lẻ chỉ tăng 2.7% trong tháng 7 đã khiến cho giá dầu chịu sức ép bán ngay trong phiên sáng.
Cả hai số liệu đều giảm so với tháng trước và thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng của giới phân tích, cho thấy nền kinh tế thứ hai toàn cầu vẫn tăng trưởng thiếu ổn định do ảnh hưởng của các biện pháp chống dịch. Vì thế, đây vẫn là rủi ro đối với triển vọng tiêu thụ của thị trường dầu thô.
Nhà đầu tư hiện đang kỳ vọng sự phục hồi của Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng với giá dầu, nhưng những tin tức kia đã “đập tan” kỳ vọng này trong phiên giao dịch hôm nay, bất chấp việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hạ lãi suất để kích thích kinh tế.
Ngoài ra, giá dầu cũng chịu sức ép khi đồng USD phục hồi trở lại, với chỉ số Dollar Index đã quay lại mức 106 điểm. Chỉ số hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ hiện cũng đang giảm và có thể cho thấy áp lực dòng tiền rời khỏi các thị trường rủi ro trong phiên tối nay.
Bên cạnh các yếu tố vĩ mô, việc nguồn cung dầu ở Châu Âu không bị gián đoạn khi các hoạt động thanh toán đã diễn ra bình thường cũng khiến cho yếu tố hỗ trợ này đối với giá dầu bớt đi, nên sức mua gần như bị áp đảo trên thị trường.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư vẫn có thể kỳ vọng giá dầu phục hồi vào phiên tối, nếu như các tin tức của phương Tây tích cực hơn khu vực Châu Á.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV