Mở cửa phiên giao dịch ngày 02/03, giá ngô tiếp nối đà hồi phục và đang là mặt hàng tăng mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên sáng nay. Như chúng tôi đã phân tích trong bản tin trước, nguồn cung từ 3 quốc gia sản xuất lớn bao gồm Argentina, Brazil và Ukraine niên vụ 22/23 dự báo sẽ thắt chặt hơn năm ngoái do sản lượng sụt giảm. Đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô, đặc biệt là sau khi thị trường trải qua đợt giảm mạnh vừa qua.
Theo đánh giá của Công ty tư vấn Agroconsult, vụ ngô thứ 2, chiếm phần lớn sản lượng ngũ cốc của Brazil và đang trong quá trình gieo trồng, dự báo sẽ đạt 99.1 triệu tấn, so với mức 101.3 triệu tấn trong dự đoán hồi tháng 01. Giám đốc Agroconsult, Andre Pessoa, cho biết kỳ vọng tăng trưởng diện tích ngô vụ 2 đã giảm đi do một phần sẽ chuyển giang gieo trồng lúa mạch vì chậm trễ. Theo Ông, Minas Gerais và Parana là hai bang mà công ty nhận thấy sự sụt giảm so với kỳ vọng. Ông cho biết một số bang sẽ trồng ngô ngoài thời gian lý tưởng, chủ yếu ở Parana, khiến cây trồng có nhiều nguy cơ bị sương giá sau này. Tổng sản lượng ngô ở Brazil được Agroconsult dự báo sẽ ở mức 128.5 triệu tấn, thấp hơn so với mức 130.9 triệu tấn trong tháng 01. Mặc dù mùa vụ ở Brazil vẫn chưa phải là mối lo ngại quá lớn nhưng sản lượng có dấu hiệu sụt giảm dưới mức kì vọng ban đầu cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ đối với giá ngô trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, theo số liệu từ Ban thư ký ngoại thương Brazil (Secex), nước này đã xuất khẩu 2.28 triệu tấn ngô trong tháng 2, vượt xa 768,396 tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này lại thấp hơn nhiều so với mức 6.35 triệu tấn trong tháng 01 nhưng. Điều này cho thấy rằng mặc dù tốc độ nhập khẩu của Trung Quốc vẫn duy trì nhưng tồn kho ngô sẵn có của Brazil ở mức thấp sẽ hỗ trợ cho ngô Mỹ có thể nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ thị trường quốc tế và hỗ trợ cho giá.

Bức tranh thông tin cơ bản vẫn chưa rõ xu hướng, khả năng cao giá Arabica giằng co trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 3, hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Trong khi Arabica gapdown ngay khi mở cửa và giá ghi nhận phiên giảm thứ 4 liên tiếp, Robusta kéo dài sự khởi sắc sang phiên thứ 2 liên tiếp do tồn kho Robusta trên Sở ICE London bất ngờ giảm nhẹ 10 tấn về mức 72,120 tấn sau chuỗi tăng liên tiếp trước đó.
Những thông tin cơ bản trên thị trường vẫn đang cho thấy một bức tranh trái chiều. Số liệu xuất khẩu trong tháng 02 tại các nước cung ứng Arabica chính đang có sự bù trừ lẫn nhau. Theo Ban Thư ký Ngoại thương Brazil (SECEX), quốc gia này xuất khẩu được 2.04 triệu bao cà phê trong tháng 02/2023, tiếp tục giảm mạnh 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sự sụt giảm này phần nào được bù đắp bằng việc đẩy mạnh xuất khẩu tại Honduras. Theo số liệu từ Viện cà phê Honduras (IHCAFE), quốc gia sản xuất Arabica lớn thứ 4 thế giới tăng 32% lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 02/2023 lên mức 662,314 bao so với cùng kỳ năm 2022. Tuy vậy, nguồn cung ra thị trường của Honduras vốn đã thấp hơn so với Brazil nên những mở rộng trong xuất khẩu không thể làm lu mờ những lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn. Vấn đề về nguồn cung vẫn là yếu tố hỗ trợ giá.

Thông tin cơ bản diễn biến trái chiều, giá đồng có thể giằng co trong phiên hôm nay
Sau phiên phục hồi tích cực gần 2% trong phiên hôm qua nhờ dữ liệu sản xuất khởi sắc của Trung Quốc, giá đầu quay đầu suy yếu trong phiên sáng nay ngày 02/03.
Về yếu tố vĩ mô, rủi ro lạm phát tăng cao tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) đang đè nặng lên thị trường. Lo ngại lạm phát tiếp tục dai dẳng tại EU đã gia tăng thêm sau khi dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo lạm phát quan trọng, của Pháp, Đức và Tây Ban Nha bất ngờ tăng trong tháng 02.
Nếu dữ liệu CPI của EU được công bố vào hôm nay tiếp tục nóng hơn dự kiến, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cần tiếp tục mạnh tay tăng lãi suất. Thị trường hiện đang dự báo ECB sẽ tăng 50 điểm cơ bản vào cuộc họp ngày 16/03, thậm chí với cơ hội không hề nhỏ là 75 điểm cơ bản và đang dự kiến một mức tăng 50 điểm cơ bản khác vào tháng 05. Trước lo ngại lạm phát cao và lãi suất tăng, đồng Euro có thể tănh mạnh và gây suy yếu đồng USD, điều này có thể hỗ trợ cho lực mua đồng do chi phí mua định giá bởi đồng USD bớt đắt đỏ hơn.
Về vấn đề nguồn cung, hôm nay công ty khai thác đồng Freeport Indonesia thông báo họ đã khôi phục lại hoạt động khai thác tại mỏ Grasberg, mỏ đồng lớn thứ hai thế giới với sản lượng đứng thứ 09, sau khi mỏ này phải tạm dừng hoạt động từ ngày 12/02 do gặp tình trạng lũ lụt nặng nề.
Thông tin này tiếp tục mang lại tín hiệu tích cực cho nguồn cung đồng toàn cầu khi trước đó tại Peru, công ty khai thác First Quantum thông báo sắp đạt được thỏa thuận với chính phủ Panama về một hợp đồng mới cho mỏ đồng Cobre Panama và vào thứ Ba Chile công bố sản lượng đồng tháng 01 tăng 1.3% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này sẽ làm giảm bớt lo ngại nguồn cung đồng gián đoạn và giảm áp lực tới giá đồng trong phiên hôm nay.

Giá dầu nhiều khả năng sẽ gặp áp lực trở lại khi áp lực vĩ mô vẫn còn đè nặng
Giá dầu mở cửa với lực bán đang có phần chiếm ưu thế sau khi ghi nhận liên tiếp các phiên tăng trước đó bởi các tín hiệu nhu cầu khởi sắc hơn. Tuy nhiên, nguồn cung trong ngắn hạn vẫn đang đảm bảo so với nhu cầu, nhất là dòng chảy dầu thô từ Nga. Xuất khẩu dầu Nga sang các khu vực châu Á tăng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày so với thời điểm trước khi căng thẳng tại Biển Đen diễn ra, đã đủ bù đắp cho khoảng 1.5 triệu thùng mất mát tại khu vực châu Âu. Bên cạnh đó, áp lực lãi suất vẫn còn đang đè nặng sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng của giá dầu.
Hàng loạt các quan chức Fed vào hôm qua đã tiếp tục đưa ra quan điểm cứng rắn về việc kiểm soát lạm phát cố hữu tại Mỹ. Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari cũng cho biết ông "có quan điểm cởi mở" về việc tăng lãi suất 25 hoặc 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo của Fed vào ngày 21-22/3, đồng thời cho biết thêm rằng lãi suất cuối cùng có thể cần phải vượt trên mức 5.4% mà ông đã đề ra. Đồng USD đang tăng trở lại sau các nhịp giảm trước đó, với chỉ số Dollar Index tăng 0.34% lên mức 104.7 điểm.
Tối nay, thị trường nhiều khả năng sẽ quay trở lại với thông tin vĩ mô qua dữ liệu trợ cấp thấp nghiệp lần đầu. Các tuần gần đây, dữ liệu đều tích cực, củng cố lo ngại Fed sẽ còn tăng lãi suấy nhằm hạ nhiệt thị trường này. Công cụ theo dõi lãi suất Fed Watch của CME Group cho thấy mức đỉnh lãi suất đã lên tới 5.5 -5.7% trong năm nay, với xác suất tăng 50 điểm cơ bản trong cuộc họp tháng 3 đã tăng lên 30%. Đây sẽ là thông tin gây sức ép tới giá dầu.

Nguồn: VITIC/Reuter