Giá lúa mì cũng mở cửa trong sắc xanh ở phiên giao dịch đầu tuần như các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, khác với các mặt hàng trong nhóm như ngô hay đậu tương, triển vọng nguồn cung lúa mì đang khá tích cực khi mùa vụ ở các nước sản xuất lớn như Mỹ, Úc đều đang khá thuận lợi, bên cạnh xuất khẩu đang được đẩy mạnh ở Biển Đen để giải quyết lượng tồn kho trước đó.
Vụ lúa mì mùa đông khô hạn ở vùng đồng bằng nước Mỹ đã nhận được lượng mưa cao hơn mức trung bình trong tháng này và mức độ hạn hán đã được cải thiện kể từ mùa thu năm ngoái, nhưng chất lượng cây trồng vẫn chưa phục hồi đáng kể. Trên toàn quốc, đánh giá điều kiện lúa mì vụ đông của Mỹ lần cuối vào tháng 11 đạt mức kém nhất từ trước đến nay và các báo cáo cập nhật của các bang cũng xác nhận rằng vùng Đồng bằng trồng nhiều lúa mì vẫn còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết trong tương lai để tránh tổn thất về năng suất tương tự như năm ngoái. Tình trạng cây trồng kém tập trung chủ yếu ở khu vực trồng lúa mì HRW không phải là tín hiệu tốt cho xuất khẩu lúa mì nói chung của Mỹ, vốn đã chạm mức thấp nhất trong 51 năm vào niên vụ 2022/23 và chiếm mức thấp kỷ lục 10% thương mại lúa mì toàn cầu. Các dự báo hiện tại cho thấy lượng mưa trong nửa đầu tháng 2 có thể cao hơn mức trung bình đối với Đồng bằng phía Nam, có khả năng hạn chế hạn hán dai dẳng, mặc dù sản lượng lúa mì sẽ phụ thuộc rất nhiều vào độ ẩm của tháng 3 và tháng 4. Ngoài ra, Bộ
Nông nghiệp Mỹ vào đầu tháng này đã chốt diện tích lúa mì mùa đông ở bốn bang hàng đầu đó là 21 triệu mẫu, tăng 11% so với năm và đạt mức cao nhất trong 8 năm. Nhìn chung, triển vọng sắp tới đối với mùa vụ lúa mì Mỹ đang trung lập nhưng kết hợp với nguồn cung toàn cầu đang dần nới lỏng do lượng tồn kho ở Biển Đen được bán ra thị trường quốc tế thì cấu trúc giá nhìn chung vẫn sẽ thiên về bên bán.
Xét về mặt kĩ thuật, giá lúa mì đã vượt lên vùng đỉnh 760 trước đó, cho thấy tín hiệu điều chỉnh tăng trong ngắn hạn. Nếu xác nhận, giá có thể hồi về kháng cự tiếp là vùng tích lũy 775 – 795.

Thông tin cơ bản thiên hướng tác động “bullish”, khả năng cao sẽ giúp giá Robusta đảo chiều trở lại đà tăng trong phiên hôm nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/01, hai mặt hàng cà phê diễn biến trái chiều. Arabica nối dài chuỗi tăng sang phiên thứ 7 liên tiếp dù đà tăng có phần chậm lại khi tồn kho Arabica đạt chuẩn tăng trở lại và vẫn còn động lượng mở rộng trong phiên tới. Trong khi đó, Robusta đảo chiều suy yếu sau khi lực bán gia tăng trước bối cảnh nông dân Việt Nam trở lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ.
Với Robusta, dù kỳ nghỉ lễ Tết nguyên đán đã kết thúc, nông dân Việt Nam đã quay lại thị trường nhưng có vẻ lực bán không mạnh như những gì thị trường đã kỳ vọng, bất chấp cả việc giá giao nội địa đang ở mức khá tốt, giao động quanh mức 42,000 đồng/kg. Giới phân tích nhận định, việc các thương nhân quốc tế áp mức giá trừ lùi khá cao đang là nguyên nhân hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân tại Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam tiếp tục là nước chiếm lĩnh về nguồn cung Robusta ở thời điểm hiện tại khi vừa là nước cung ứng lớn nhất thế giới cũng như vừa qua giai đoạn thu hoạch tập trung nên nguồn cung đang có sẵn. Việc giữ hàng từ phía nông dân nước nàu có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và là yếu tố hỗ trợ giá.
Hơn nữa, mức tồn kho trên Sở ICE vẫn tiếp tục đà giảm khi quay về mức 62,120 tấn, thấp nhất trong vài năm trở lại đây, có thể sẽ khiến giá cà phê khởi sắc trở lại sau sự điều chỉnh kỹ thuật vào phiên hôm qua.
Thêm một nhân tố nữa có thể sẽ hỗ trợ giá Robusta quay lại đà tăng trong phiên hôm nay khi chính phủ Indonesia công bố dữ liệu xuất khẩu suy yếu trong tháng 12 về cà phê của quốc gia này. Theo đó, quốc gia xuất khẩu Robusta lớn thứ 3 thế giới đã xuất khẩu 16,153 tấn cà phê Sumatran, giảm mạnh hơn 51% so với cùng kỳ năm 2021 cũng như gần 44% so với tháng trước đó.

Hoạt động kinh tế của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ tạo động lực tăng trong triển vọng tiêu thụ đồng.
Giá đồng giảm trong phiên sáng nay ngày 31/01 do đồng USD mạnh lên trước thềm cuộc họp lãi suất quan trọng vào ngày mai. Tuy nhiên, dự báo giá sẽ dần phục hồi khi thị trường hấp thụ dữ liệu PMI mới của Trung Quốc.
Trong sáng nay, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết hoạt động sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc đã mở rộng lần đầu tiên sau 4 tháng. Chỉ số PMI sản xuất tháng 1 đã tăng lên 50.1 từ mức 47 trong tháng 12, vượt ước tính của các nhà kinh tế ở mức 49.8. Thước đo phi sản xuất, đo lường hoạt động trong cả lĩnh vực dịch vụ và xây dựng, tăng lên 54.4 trong tháng 1 từ mức 41.6 trong tháng trước, vượt qua mức kỳ vọng của thị trường là 52.
Có thể thấy, hoạt động kinh tế của Trung Quốc trong tháng 1 tăng trưởng khá mạnh so với tháng 12, đồng thời, PMI đều vượt ngưỡng 50 cho thấy sự mở rộng trong cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Điều này làm tăng thêm kỳ vọng rằng nhu cầu tiêu thụ đồng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới tại Trung Quốc, nơi tiêu thụ một nửa lượng đồng của thế giới, thúc đẩy giá đồng tăng trong phiên hôm nay. Fitch Solutions cũng đã đưa ra dự báo mức tiêu thụ đồng của Trung Quốc sẽ tăng 4.4% trong năm nay, sau khi chỉ tăng 1.5% vào năm 2022.
Hơn nữa, sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc sẽ là đòn bẩy cho sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu, kéo theo nhu cầu tiêu thụ kim loại công nghiệp hàng đầu là đồng gia tăng, tín hiệu hỗ trợ cho giá đồng tăng trong thời gian tới.
Giá dầu có thể tiếp tục giảm khi các tin tức tích cực đã phản ánh hết vào giá.
Sắc đỏ tiếp tục duy trì ở thị trường dầu sáng nay, bất chấp hàng loạt các tin tức tích cực.
Trung Quốc đã công bố các số liệu kinh tế với chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) sản xuất và phi sản xuất đều tăng tích cực hơn mức dự báo, và vượt mức 50 điểm, kể từ tháng 9/2022. Đây là một tín hiệu khởi sắc đối với nền kinh tế thứ hai toàn cầu, khi mà việc nới lỏng các hạn chế chống dịch đã giúp cho các ngành sản xuất, xây dựng, và dịch vụ hồi phục.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu lần đầu tiên sau một năm. Tăng trưởng GDP thế giới có thể sẽ tăng 2.9% vào năm 2023, cao hơn 0.2% so với dự báo vào tháng 10. Mặc dù vẫn thấp hơn mức tăng trưởng 3.4% vào năm 2022, nhưng IMF dự kiến mức tăng trưởng sẽ chạm đáy trong năm nay, tăng tốc lên 3.1% vào năm 2024.
Mặc dù vậy, diễn biến giảm của giá dầu trong sáng nay cho thấy những lo ngại về việc mất cân bằng cung cầu đang giảm bớt, bởi các nhà giao dịch không kỳ vọng rằng nhu cầu tiêu thụ sẽ tăng mạnh hơn nguồn cung. Việc Saudi Arabia phải giảm giá bán dầu cho khu vực châu Á để cạnh tranh cũng là một chỉ báo cho thấy nhu cầu tiêu thụ dầu đang chưa hồi phục như kỳ vọng.
Bên cạnh các số liệu kinh tế, tâm điểm thị trường trong tuần này hướng về nội dung cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Mặc dù gần như chắc chắn Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản lần thứ hai liên tiếp, nhưng đồng USD vẫn đang gia tăng và gây sức ép lên các loại hàng hoá, trong đó có dầu.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)