NÔNG SẢN
Giá đậu tương giảm gần 1% sau khi tiến tới cận mức kháng cự 1260 và tiếp nối phiên thứ 7 trong chuỗi đi ngang chủ yếu do tác động trái chiều của các thông tin cơ bản. Khô đậu tương tiếp nối đà tăng mạnh và vượt lên mốc 340 USD trong tâm lí lo ngại về nguồn cung của thị trường khi diện tích gieo trồng đậu tương ở Argentina, quốc gia xuất khẩu 2 thành phẩm ép dầu lớn nhất thế giới giảm xuống
Giá ngô giảm mạnh 1.57% và xóa đi hết mức tăng trong phiên đầu tuần. Trong ngày hôm qua, văn phòng phân tích IHS Markit Agribusiness đã dự báo năng suất ngô niên vụ 21/22 của Mỹ ở mức 178.7 giạ/mẫu, cao hơn so với mức 176.5 trong báo cáo Cung – Cầu tháng 10 của USDA.
Lúa mì giảm hơn 1% xuống vùng hỗ trợ 780 cents/giạ. Nối tiếp đà giảm từ phiên hôm qua, giá tiếp tục điều chỉnh trong bối cảnh không có thông tin hỗ trợ mới.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Trong khi giá Arabica tăng nhẹ 0.6% lên 209.3 cents/pound, giá Robusta gần như không thay đổi so với phiên trước đó với mức đóng cửa chỉ thấp hơn 2 USD còn 2232 USD/tấn.
Cả hai mặt hàng đường đều giảm với giá đường 11 đóng cửa thấp hơn 0.8% còn 19.4 cents/pound, giá đường trắng giảm 0.6% còn 506.3 USD/tấn. Giá đường vẫn gặp kháng cự mạnh ở mức 20 cents/pound. Đồng thời, việc giá dầu có phiên điều chỉnh mạnh vào hôm qua cũng khiến cho giá đường chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Giá bông cũng chịu sức ép bán khi các mặt hàng nguyên liệu công nghiệp và nông sản giảm vào tối hôm qua, tuy nhiên tới cuối phiên giá hồi phục tốt nhờ lực mua kỹ thuật và đóng cửa tăng 1.3% lên 118.82 cents/pound.
KIM LOẠI
Hai mặt hàng kim loại quý đều giảm với giá bạc đóng cửa thấp hơn 1.2% còn 23.23 USD/ounce, giá bạch kim giảm 1.6% còn 1022.5 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng giằng co rất mạnh trong phiên rồi đóng cửa giảm 1% còn 4.32 USD/pound. Tâm lý các nhà đầu tư cũng phần nào bị ảnh hưởng khi mà các chính sách hỗ trợ của FED bị cắt bớt. Bên cạnh đó, việc nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc có nguy cơ suy yếu mạnh hơn do tác động của đợt dịch mới nhất cũng là một yếu tố khiến cho lực bán trong phiên hôm qua áp đảo, dù đã có lúc giá quay trở lại mức 4.42 USD/pound.
Trái với diễn biến của các kim loại màu, giá quặng sắt tăng 3.5% lên 97.4 USD/tấn. Tuy nhiên, mức tăng của phiên hôm qua chỉ được coi là một mức hồi phục kỹ thuật khi mà giá đã giảm rất mạnh trước đó.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 3.63% xuống 80.86 USD/thùng, giá Brent giảm 3.22% xuống 81.99 USD/thùng.
Tồn kho tại cụm chứa dầu Cushing, nơi giao nhận các hợp đồng tương lai WTI tiếp tục giảm 0.9 triệu thùng, xuống mức thấp nhất từ tháng 10 năm 2018, do xuất khẩu dầu thô của Mỹ duy trì ở mức tương đối cao.
Việc Iran quay trở lại đàm phán với Mỹ vào cuối tháng 11 cũng khiến tâm lý thị trường suy yếu, bất chấp khả năng các bên nhanh chóng đạt được thoả thuận chung là không lớn: Đây là lần đầu tiên sau 5 tháng trì hoãn các bên thể hiện thiện chí nối lại thoả thuận để đến vòng đàm phán thứ 7.