NÔNG SẢN
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 01 tăng 1.52% lên mức 1249.50 cent/giạ. Sau đợt tăng mạnh gần 25 cents trong đầu tuần, giá đậu tương tiếp tục giằng co quanh mức 1250 trong những phiên sau đó.
Dầu đậu tương lại suy yếu và xoá đi hoàn toàn mức tăng từ tuần trước đó. Tác động “bearish" sau báo cáo của EIA lên giá dầu thô cũng tạo áp lực lên mặt hàng này trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu cọ tại Trung Quốc có nguy cơ bị ảnh hưởng do số ca nhiễm Covid-19 bất ngờ tăng mạnh. Tác động trái chiều với dầu đậu trong khi giá dậu tương tăng lên cũng giúp cho giá khô đậu trải qua mức tăng gần 1.6% trong tuần trước.
Giá ngô kết thúc tuần giao dịch cuối tháng 10 tăng vọt 5.62%, và đây cũng là mức tăng mạnh nhất trong hơn 3 tháng qua. Ngô tăng liên tiếp cả 5 phiên trong tuần và đà tăng được thúc đẩy nhờ nhu cầu tiêu thụ trong ngành công nghiệp ethanol hồi phục trở lại.
Giá lúa mì đóng cửa tuần cũng tăng khá mạnh nhờ lo ngại về nguồn cung cùng với ảnh hưởng tích cực từ mức tăng rất lớn của giá ngô do vai trò thay thế của 2 sản phẩm này trong hoạt động sản xuất TĂCN.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Dòng vốn quay trở lại thị trường cà phê khiến cho giá Arabica tăng 2% lên 204 cents/pound, giá Robusta tăng 3.4% lên 2214 USD/tấn. Sới mức tăng vượt trội, đưa giá Robusta bứt phá khỏi khu vực đi ngang, mức tăng của thị trường Arabica không quá đáng kể bởi giá vẫn đang duy trì biên độ dao động 200 – 205 USD trong tuần thứ 4 liên tiếp. Cả hai mặt hàng cà phê đều giằng co mạnh, tăng mạnh vào đầu tuần rồi giảm trở lại vào những phiên sau đó.
Mức tăng hơn 6% đưa giá bông quay trở lại đóng cửa ở mức 114.9 cents/pound, mức cao nhất trong vòng 10 năm.
Hai mặt hàng đường cũng tăng nhẹ với giá đường 11 tăng 1% lên 19.27 cents/pound, giá đường trắng tăng gần 2% lên 509 USD/tấn. Giá xăng tăng mạnh đã thúc đẩy các nhà sản xuất sử dụng mía để sản xuất ethanol thay vì đường là chất xúc tác chính của thị trường đường trong tuần vừa qua.
KIM LOẠI
Giá bạc giảm 2% về 23.95 USD/ounce, giá bạch kim giảm gần 3% còn 1020.7 USD/ounce. Trong một tuần mà đồng USD giảm mạnh do những số liệu kinh tế tiêu cực của Mỹ, các mặt hàng kim loại quý cũng không được hỗ trợ nhiều bởi dòng vốn ưu tiên quay trở lại các thị trường đầu tư mạo hiểm như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử.
Trên thị trường kim loại cơ bản, các mặt hàng đồng loạt suy yếu sau thời gian tăng nóng. Dù vẫn còn nhiều nhà đầu tư lo ngại với các vấn đề về thắt chặt nguồn cung, nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng và đợt dịch mới bùng phát ở Trung Quốc đã ngăn cản giá của các mặt hàng hồi phục trở lại. Giá đồng giảm gần 3% còn 4.39 USD/pound khi mà tồn kho đồng cuối tuần ở Trung Quốc tăng trong bối cảnh các nhà máy đồng loạt phải cắt giảm công suất. Đáng chú ý, giá quặng sắt đẫn đầu đà giảm với mức đóng cửa thấp hơn 10% còn 106.2 USD/tấn. Sản lượng thép bị cắt giảm do các chính sách nghiêm ngặt của Chính phủ Trung Quốc đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ quặng sắt, và xu hướng này được dự báo sẽ kéo dài tới hết năm nay.
NĂNG LƯỢNG
Giá WTI tăng 11.87% lên 83.57 USD/thùng, trong khi dầu Brent tăng 7.75% lên 84.38 USD/thùng, mức tăng lớn nhất kể từ tháng Hai. Tháng 10 cũng đánh dấu thời điểm giá dầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 80 USD/thùng lần đầu kể từ năm 2014.
Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm đến 9.43% xuống 5.426 USD/MMBTu trong tháng 10, do dự báo thời tiết cho thấy mùa đông năm nay tại nước này sẽ ấm hơn bình thường, trong khi năng lực xuất khẩu của nước này bị hạn chế do một số nhà máy hoá lỏng khí tiến hành bảo dưỡng.