NÔNG SẢN
Giá đậu tương giá đậu tương tăng nhẹ lên mức 1247.25 cents/giạ. Bán hàng đậu tương trong tuần vừa rồi của Mỹ vẫn giữ được trên mức 1.0 triệu tấn là yếu tố hỗ trợ, giúp giá nhanh chóng phục hồi sau khi giảm mạnh do sản lượng đậu tương niên vụ 21/22 của Brazil dự báo tăng 2.5% so với cùng kì năm ngoái.
Dầu đậu tương tiếp tục là điểm sáng khi tăng vọt lên mức cao nhất gần 2 tháng trước những lo ngại thiếu hụt nguồn cung dầu đậu tương tại Trung Quốc và sự phục hồi mạnh của dầu thô, bất chấp việc đà tăng của dầu cọ đã chững lại. Điều này gây đã gây áp lực trái chiều, khiến cho giá khô đậu giảm mạnh về dưới mốc hỗ trợ quan trọng 320.
Ngô cũng tăng trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp. Báo cáo Export Sales cũng đem lại tác động tích cực tới giá mặt hàng này khi bán hàng ngô niên vụ 21/22 của Mỹ trong tuần qua đạt mức 1.26 triệu tấn, tăng 2.5 lần so với tuần trước đó.
Giá lúa mì đóng cửa trong sắc đỏ nhưng diễn biến chính vẫn là giằng co quanh mức 745. Sản lượng lúa mì của Brazil niên vụ 2021/22 được dự báo sẽ tăng mạnh hơn 30% so với niên vụ trước nhờ cả năng suất cải thiện và diện tích gieo trồng cũng tăng lên là yếu tố chính gây áp lực lên giá.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica tăng mạnh hơn 2% lên 198 cents/pound, giá Robusta gần như không có sự thay đổi so với giá tham chiếu của phiên hôm trước, kết thúc phiên ở mức 2119 USD/tấn.
Các tin tức về lượng mưa ở Minas Gerais chưa đủ để làm cho những lo ngại về nguồn cung ở Brazil. Mức tồn kho Arabica đạt chuẩn trên sở ICE US tiếp tục giảm mạnh xuống dưới mức 2 triệu bao. Giá Robusta không biến động quá mạnh trong giai đoạn này bởi cả thị trường dường như đều chú ý về các tin tức xoay quanh thị trường Arabica.
Ở thị trường đường, hợp đồng đường 11 tháng 3/2022 tăng nhẹ 0.35% lên 19.84 cent/pound, hợp đồng đường trắng tháng 12 tăng 0.4% lên 510.5 USD/tấn. Đà tăng của thị trường đang chững lại trong giai đoạn gần đây khiến cho khối lượng giao dịch cũng giảm đi đáng kể. Các quỹ đầu tư lớn cũng đang cân nhắc sẽ cắt giảm số lượng vị thế mua nếu giá đường không tăng mạnh hơn.
Trong phiên hôm qua, đà tăng của giá bông cũng có dấu hiệu chững lại hi mà giá chỉ tăng 0.5% so với phiên trước đó và đóng cửa ở mức 2460 USD/tấn.
KIM LOẠI
Giá bạc tăng 0.56% lên 22.6 USD/ounce, giá bạch kim tiếp tục tăng gần 1% lên 984.3 USD/ounce. Các mặt hàng kim loại quý hồi phục nhờ vào sự suy yếu của đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm nhẹ về 94.22 điểm trong một ngày mà các số liệu việc làm đều tích cực. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu của tuần này giảm còn 326,000 người, mức thấp nhất trong vòng 1 tháng. Tuy nhiên, dòng vốn đang có dấu hiệu phân bổ vào các thị trường đầu tư sau giai đoạn tháng 9 ảm đạm vừa qua. Các thị trường đầu tư mạo hiểm và cả thị trường trú ẩn an toàn đều được hưởng lợi từ tâm lý tích cực của các nhà đầu tư.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng tăng mạnh 2.3% lên 4.24 USD/pound do những lo ngại về nguồn cung ở Peru, quốc gia có sản lượng đồng cao thứ 2 thế giới sau Chile. Người dân sinh sống xung quanh tuyến đường sản xuất và vận chuyển đồng chính đã tiến hành biểu tình để phản đối các mỏ đồng mở rộng bởi các hoạt động khai thác làm ảnh hưởng đến môi trường sống của họ. Hiện căng thẳng vẫn chưa được giải quyết bất chấp nỗ lực của các nhà cầm quyền.
Giá quặng sắt kết thúc phiên hôm qua tăng nhẹ lên 117.44 USD/tấn. Trong tuần này, khi Trung Quốc đang ở trong kì nghỉ lễ Quốc Khánh, không có quá nhiều tin tức gây ảnh hưởn lên giá, vì vậy giá của kim loại này không quá biến động trong các phiên vừa qua.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.12% lên 78.3 USD/thùng, giá Brent tăng 1.07% lên 81.95 USD/thùng.
Trong phiên hôm qua, giá dầu biến động gần 3.5 USD/thùng, khi thị trường dao động xung quanh khả năng Bộ Năng lượng Mỹ liệu có thật sự áp dụng biện pháp mở kho dự trữ chiến lược hay cấm xuất khẩu để bình ổn thị trường không. Các nguồn tin đối lập nhau khiến thị trường chật vật tìm hướng đi mới trong bối cảnh các chính phủ gia tăng can thiệp vào thị trường năng lượng.
Theo nhận định của Goldman Sachs, dù Mỹ mở kho dự trữ chiến lược hay cấm xuất khẩu dầu thì phương án đấy cũng chỉ có tác dụng trong ngắn hạn, và cũng không đủ bù đắp lượng thiếu hụt tại thị trường nội địa. Hiện Mỹ sản xuất khoảng 11.3 triệu thùng dầu thô/ngày, trong khi tiêu thụ các sản phẩm từ dầu luôn duy trì ở mức trên 18 triệu thùng/ngày. Do đó, hiện tại, khi OPEC+ không tăng sản lượng, lựa chọn còn lại có thể là thúc giục các nhà sản xuất trong nước gia tăng sản lượng, dù đi ngược lại chính sách “năng lượng xanh” đầu năm nay của Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, các công ty dầu khí Mỹ cũng đang trong xu hướng bảo vệ vốn, và cắt giảm các khoản chi dành cho giếng dầu, do đó khả năng Mỹ thành công trong việc điều tiết sản lượng cũng không quá chắc chắn.