NÔNG SẢN
Giá đậu tương giảm nhẹ xuống vùng giá 1240 cents/giạ. Lượng mưa phù hợp đang thúc đẩy tiến độ gieo trồng đậu tương tại bang sản xuất lớn nhất ở Brazil cũng đang là yếu tố “bearish” đối với mặt hàng này. Trong khi đó, thu hoạch đậu tương tại Mỹ dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra thuận lợi khi dự báo thời tiết cho thấy không có hoặc ít mưa tại các khu vực gieo trồng.
Giá dầu đậu tương hiện tại phụ thuộc chặt chẽ vào giá dầu thô. Sau chuỗi tăng điểm 5 phiên liên tiếp, giá dầu thô đã chứng khiến mức điều chỉnh giảm trong phiên hôm qua và khiến dầu đậu tương cũng giảm mạnh. Ngược lại, khô đậu tương đóng cửa tăng nhẹ khi hơn 20 nhà máy ép dầu tại Trung Quốc đã phải đóng cửa do các chính sách cắt giảm tiêu thụ điện làm gia tăng khả năng nhập khẩu khô đậu tương làm TĂCN.
Giá ngô tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp kể từ đầu tuần này. Dự báo nhập khẩu ngô của nước ta trong niên vụ 20/21 và 21/22 lần lượt giảm xuống mức 13.0 triệu và 11.2 triệu tấn. Thông tin này đã góp phần gây sức ép lên giá.
Lúa mì rung lắc quanh vùng 745 và kết phiên với mức tăng nhẹ. GACS của Ai Cập đã mua 240,000 tấn lúa mì của Rominia và Nga với mức giá còn cao hơn cuộc đấu thấu trước. Bất chấp việc giá lúa mì biển đen đã tăng 12 tuần liên tiếp các đơn hàng vẫn xuất hiện cho thấy nhu cầu vẫn được duy trì.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica đóng cửa với mức tăng 0.8% lên 193.45 cents/pound, giá Robusta cũng tăng nhẹ 0.24% lên 2116 USD/tấn. Sau mức giảm mạnh của phiên thứ 3, đà tăng trong phiên hôm qua chỉ như mức phục hồi nhẹ đối với thị trường cà phê, và giá của cả hai mặt hàng gần như không còn nhiều cơ hội tăng mạnh như trong giai đoạn trước bởi các tin tức hỗ trợ cho giá đều đã bão hòa.
Giá của cả hai mặt hàng đều không tăng mạnh trong phiên hôm qua do chịu sức ép từ đồng USD. Chỉ số Dollar Index tăng trở lại mức 94.2 điểm, gia tăng động lực bán hàng đối với cả hai mặt hàng cà phê.
Hai mặt hàng đường diễn biến trái chiều với giá đường 11 giảm 0.4% còn 19.77 cents/pound, giá đường trắng tăng nhẹ 0.2% lên 509.5 USD/tấn. Một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư vẫn rất lo ngại về sản lượng đường cho niên vụ tới, bởi sản lượng đường ở khu vực Trung Nam của Brazil sẽ chỉ phục hồi nhẹ từ 32.5 triệu tấn lên 32.9 triệu tấn.
Giá bông tiếp tục tăng 2% lên 2448 USD/tấn, mức cao nhất trong vòng 10 năm bởi nhu cầu tiêu thụ bông trên của Trung Quốc đang tăng mạnh trong giai đoạn này nhằm đáp ứng các hoạt động sản xuất sản phẩm may mặc cho mùa mua sắm cuối năm ở Châu Âu và Mỹ.

KIM LOẠI
Giá bạc giảm 0.34% còn 22.5 USD/ounce, trái lại, giá bạch kim tăng trở lại 1.81% lên 977 USD/ounce. Tin tức quan trọng nhất đối với các nhà đầu tư kim loại vẫn luôn là số liệu kinh tế của Mỹ và diễn biến của đồng USD. Trong hôm qua, báo cáo việc làm quốc gia của ADP cho thấy số lượng việc làm tại khu vực tư nhân tăng mạnh trong tháng 9 nhờ các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, hỗ trợ cho chỉ số Dollar Index tăng lên 94.2 điểm và gây áp lực lên giá của các mặt hàng kim loại. Mặc dù vậy, giá bạch kim vẫn hồi phục bởi kim loại này đang phản ánh nhiều với các tin tức công nghiệp nhiều hơn các tin tức vĩ mô.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng tiếp tục giảm 1.07% còn 4.14 USD/pound. Tâm lý của các nhà đầu tư đang bị đè năng bởi các hoạt động sản xuất ở Châu Âu và Trung Quốc vẫn chưa được phục hồi. Các đơn đặt hàng của Đức trong tháng 8 giảm mạnh gần 8% là một trong số những thước đo cho thấy sự hồi phục thiếu ổn định của các nền kinh tế lớn. Giá quặng sắt gần như không thay đổi so với hai phiên trước đó, hiện ở mức 117 USD/tấn. Thị trường không biến động mạnh bởi Trung Quốc vẫn đang trong.

NĂNG LƯỢNG
Giá WTI giảm 1.9% xuống 77.43 USD/thùng, giá Bren giảm 1.79% xuống 81.08 USD/thùng.
Đà tăng trong phiên sáng của dầu thô bị xoá sạch sau khi nguồn cung có khả năng tăng lên từ phía Mỹ và Nga – 2 nước có sản lựng và dự trữ năng lượng lớn đủ để ổn định thị trường. Theo Báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA hôm qua, tồn kho dầu thô và xăng của Mỹ trong tuần kết thúc 01/10 đồng loạt tăng mạnh, khi sản xuất tại khu vực Vịnh Mexico gần như đã quay trở lại bình thường, trong khi nhập khẩu ròng cũng tăng. Có thể thấy mức giá cao của WTI trong thời gian gần đây đã khiến cho các nhà sản xuất dần ưa thích sản phẩm nhập khẩu, để tranh thủ mức giá tốt hơn. Bên cạnh đấy, nước Mỹ vẫn đang sử dụng dầu từ kho dự trữ chiến lược (SPR) để đảm bảo sản xuất sau tác động của Ida từ tháng 9, khiến cho giá tăng mạnh. Bộ trưởng Năng lượng Mỹ cho biết Mỹ có khả năng giải phóng tồn kho ở quy mô lớn hơn để bình ổn thị trường. Thông tin này, kết hợp với diễn biến tại thị trường khí tự nhiên, gây áp lực lớn đến giá các mặt hàng năng lượng.
Ngay trong lúc giá khí tự nhiên tại thị trường châu Âu và Mỹ tăng mạnh do thiếu hụt nguồn cung, Tổng thống Nga Putin lại đề xuất khả năng cung cấp thêm lượng lớn khí để ổn định thị trường, mặc dù ông cũng nêu ra một số điều kiện cần thiết. Giá khí tự nhiên tại Mỹ giảm mạnh 10% sau thông tin này. 

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV