NÔNG SẢN
Giá đậu tương tiếp tục giảm do dư âm của báo cáo Tồn kho ngũ cốc hàng quý. Ngoài ra, giao hàng đậu tương Mỹ trong tuần này chỉ đạt gần 844,488 tấn, khiến lũy kế từ đầu vụ vẫn mới chỉ đạt 3.22% kế hoạch, thấp hơn rất nhiều so với mức 11.5% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến giá vẫn chịu áp lực lớn.
Trong số các mặt hàng họ đậu, dầu đậu tương là mặt hàng duy nhất đóng cửa với sắc xanh nhạt nhờ sự hỗ trợ của đà tăng vọt trong phiên tối qua của giá dầu thô. Mức giảm mạnh của đậu tương cùng với diễn biến tăng của giá dầu đậu đã gây sức ép khiến khô đậu tương giảm hơn 1% trong phiên hôm qua.
Giá ngô tăng mạnh theo đà của giá dầu thô nhưng bất ngờ quay đầu giảm và xóa đi hoàn toàn mức tăng tích lũy trước đó. Các thông tin cơ bản trong phiên hôm qua có tác động tương đối trái chiều đối với giá ngô. Thời tiết thuận lợi cho gieo trồng ở Brazil là yếu tố gây áp lực lên giá trong khi triển vọng nhu cầu xuất khẩu của Mỹ lại là yếu tố tác động “bullish” đến giá mặt hàng này trong phiên tối qua.
Lúa mì tiếp tục nối dài đà tăng từ tuần trước bất chấp mức giảm khá mạnh theo thị trường chung vào phiên sáng. Bên cạnh việc tồn kho ở Mỹ bất ngờ giảm xuống vẫn đang là yếu tố hỗ trợ cho giá lúa mì thì lo ngại về nguồn cung ở Nga cũng ngày một gia tăng khi diện tích gieo trồng giảm xuống và tiến độ gieo trồng bị chậm lại do thời tiết khô hạn.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Cả hai mặt hàng cà phê đồng loạt suy yếu với giá Arabica giảm 2% còn 200.4 cents/pound, giá Robusta giảm gần 1% còn 2148 USD/tấn. Cả hai mặt hàng đều chịu sức ép chốt lời từ những khu vực kháng cự quan trọng, tương đương với mức 205 cents/pound ở thị trường Arabica và 2180 ở thị trường Robusta. Trong khi giá Arabica giằng co rõ rệt, và đã có lúc tăng đến 207 cents/pound thì giá Robusta có biên độ giao dịch nhỏ hơn và vẫn nằm trong khu vực đi ngang. Đà tăng đã bị suy yếu trong phiên hôm qua khi đồng nội tệ Real Brazil tiếp tục giảm và xác xuất có mưa tại các khu vực trồng cà phê chính ở Brazil đã cao hơn. Thị trường Robusta vắng bóng các tin tức nên đi theo diễn biến của giá Arabica trong phiên hôm qua. Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng các quỹ tiến hành chốt lời và tất toán một phần vị thế sau đà tăng hưng phấn của thị trường trong tuần trước.
Ở thị trường đường, giá cũng có dấu hiệu giảm điều chỉnh do áp lực chốt lời đến từ các quỹ. Giá đường 11 giảm gần 2% còn 19.69 cents/pound, giá đường trắng giảm 1.6% còn 502.6 USD/tấn.
Trái lại, giá cacao tiếp tục duy trì được sắc xanh với mức tăng 1.55% lên 2752 USD/tấn nhờ những lo ngại về nguồn cung khi lượng mưa lớn ở Bờ Biển Ngà tiếp tục khiến cho bệnh “vỏ đen” phát triển.

KIM LOẠI
Giá bạc nhích nhẹ 0.5% lên 22.6 USD/ounce, trái lại, bạch kim là kim loại duy nhất đóng cửa với sắc đỏ trong phiên hôm qua với mức giảm 1.2% còn 961 USD/ounce. Sự suy yếu của đồng USD trong phiên hôm qua có lợi đối với giá bạc nhiều hơn, bởi giá bạch kim vốn có vai trò trú ẩn kém hơn bạc, và gần đây liên tục chịu sức ép từ sự suy yếu của các hoạt động sản xuất ô tô trên toàn cầu. Bên cạnh đó, vì giá bạch kim vẫn cao, nên các nhà sản xuất đang có xu hướng sử dụng các kim loại khác rẻ hơn để thay thế.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng hồi phục 1.2% lên 4.23 USD/ounce. Việc các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa khiến cho nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng nguồn cung đồng tinh luyện sẽ bị thắt chặt trong giai đoạn tới. Giá quặng sắt tiếp tục tăng 2.27% lên 117 USD/tấn. Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tái tạo của Úc cho biết, giá quặng sắt có thể đạt 150 USD/tấn vào cuối năm nay. Cả nhu cầu tiêu thụ và nguồn cung thép trên toàn cầu cùng bị thắt chặt bởi các chính sách hạn chế của Chính phủ Trung Quốc, do đó, giá quặng sắt vẫn được hỗ trợ và không giảm quá sâu. Trong hôm nay, các nhà đầu tư sẽ cần chú ý tới báo cáo xuất nhập khẩu kim loại của Trung Quốc, đây dự kiến là tin tức có ảnh hưởng mạnh tới thị trường.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, WTI tăng 2.29% lên 77.62 USD/thùng, lên mức đỉnh 7 năm trong khi Brent tăng 2.5% lên 81.26 USD/thùng, lên mức đỉnh 3 năm.
Quyết định OPEC+ đưa ra đúng lúc tồn kho dầu của Mỹ đã xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm, trong khi tồn kho các mặt hàng nhiên liệu khác như khí tự nhiên cũng đang ở mức thấp. Điều này làm tăng lo ngại trên thị trường về thiếu hụt nguồn cung trong mùa đông, tạo đà cho giá các mặt hàng nhiên liệu bật tăng. Với kết quả cuộc họp ngày hôm qua, giá dầu chính thức vượt mức kháng cự 80 USD/thùng sau 1 thời gian dài giằng co.
Trong môi trường này, thị trường dầu mỏ tìm kiếm giải thích từ phía OPEC+, nhưng không có cuộc họp báo chí nào sau cuộc họp chính sách. Trước đó, đã có những kỳ vọng OPEC+ sẽ tăng sản lượng gấp đôi lên 800,000 thùng/ngày.
Giá dầu cũng được hỗ trợ nhờ đà tăng của khí tự nhiên. Giá khí tự nhiên tăng cao khiến cho việc chuyển đổi sản xuất điện từ khí sang các nhiên liệu khác trở nên hấp dẫn đối với với các nhà sản xuất. So với đầu năm, giá khí tự nhiên tại châu Dutch TTF Âu đã tăng 300%, giá khí tại Mỹ tăng hơn 125%, trong khi giá Brent tăng 56%. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, khí tự nhiên tăng mạnh 7.12%, và kết thúc tháng 9 với mức tăng ấn tượng 32.5%.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV