NÔNG SẢN
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sở CBOT đã có những diễn biến trái chiều nhau và gây bất ngờ đối với thị trường sau báo cáo Grains Stock.
Giá đậu tương giảm mạnh cùng với giá của khô đậu tương do lo ngại về nguồn cung dần được giải toả. Khả năng sản xuất tại Mỹ tăng lên do USDA đã tăng cả diện tích và năng suất mùa vụ cùng với triển vọng mùa vụ ở Brazil đang tích cực là yếu tố đã gây sức ép lên giá.
Dầu đậu tương tăng nhẹ do tác động trái chiều với khô đậu tương khi mặt hàng này trải qua mức giảm rất mạnh và phá vỡ các hỗ trợ quan trọng. Bên cạnh đó, đà tăng của dầu thô và dầu cọ cũng yếu tố tác động “bullish" tới giá dầu dậu tương trong tuần vừa qua.
Giá ngô đóng cửa với mức tăng khá mạnh 2.8%, do lo ngại về việc tồn kho thấp, cùng với ảnh hưởng tích cực từ đà tăng mạnh của giá dầu thô. Tuy nhiên báo cáo Grain Stocks cho thấy tồn kho ngô Mỹ 20/21 được công bố cao hơn mức dự đoán trước đó của thị trường đã thu hẹp lại mức tăng của ngô.
Lúa mì tiếp tục có tuần tăng thứ 3 liên tiếp với mức tăng rất mạnh 4.35% khi tồn kho lúa mì đến hết ngày 01/09/2021 thấp hơn 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong hơn 10 năm của mặt hàng này.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Nhóm nguyên liệu công nghiệp tuy không nhận được nhiều sự chú ý như dầu thô hay nông sản, nhưng mức biến động của các mặt hàng trong tuần vừa qua không thua kém so với bất kì nhóm hàng hóa nào khác.
Ở thị trường cà phê, giá Arabica tăng gần 5% lên 204.05 cents/pound. Giá Robusta đóng cửa với mức tăng khiêm tốn hơn, gần 1% lên 2168 USD/tấn. Đáng chú ý, trong khi giá Robusta vẫn chưa vượt qua mức cản 2180 USD/tấn, phe mua đã đưa giá Arabica vượt lên mức 200 cents/pound. Những lo ngại về tình hình nguồn cung ở Brazil ngày càng trầm trọng hơn, khi các khu vực trồng cà phê chính như Minas Gerais vẫn chưa nhận được đủ lượng nước cần thiết cho quá trình ra hoa của cây. Điều này đã khiến cho tồn kho Arabica đạt chuẩn trên sở ICE US giảm mạnh, và hỗ trợ cho giá cà phê Arabica đi lên. Giá Robusta cũng được hưởng lợi từ đà tăng của giá Arabica, tuy nhiên, giá vẫn nằm trong khoảng đi ngang bởi những lo ngại về nguồn cung từ Việt Nam đã dịu đi khi các tỉnh phía Nam được nới lỏng giãn cách.
Hai mặt hàng đường tiếp tục tăng với hơp đồng đường 11 tăng nhẹ 0.7% lên 20.06 cents/pound, hợp đồng đường trắng tăng 1.3% lên 510.9 USD/tấn. Giá đường vẫn được hỗ trợ nhờ các lo ngại về nguồn cung eo hẹp ở Brazil, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ được dự đoán sẽ giảm trong giai đoạn tới nên giá khó có thể tăng mạnh.

KIM LOẠI
Các mặt hàng kim loại kết thúc tuần với diễn biến trái chiều. Ở thị trường kim loại quý, giá bạc tăng nhẹ 0.5% lên 22.54 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0.8% còn 972.1 USD/ounce. Cả hai mặt hàng kim loại quý đều chịu sức ép lớn từ sự gia tăng của đồng USD. Chỉ số Dollar Index có lúc tăng lên 94.7 điểm, mức cao nhất trong vòng 1 năm. Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên 1.5%, và làm giảm sức hấp dẫn của hai mặt hàng kim loại quý. Đến cuối tuần, giá bạc hồi phục tốt hơn giá bạch kim, bởi lực bắt đáy ở vùng giá 22 USD/ounce của thị trường bạc mạnh hơn.
Đối với các mặt hàng kim loại công nghiệp, giá đồng giảm 2.3% còn 4.2 USD/pound. Nếu như khủng hoảng năng lượng làm ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất ở châu Âu, đặc biệt là các hoạt động luyện kim, thì khủng hoảng năng lượng đã làm suy yếu các hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, kéo theo nhu cầu sử dụng đồng cũng giảm mạnh.
Trái lại, giá quặng sắt vẫn duy trì được đà tăng, bởi giá đang ở mức thấp hơn 50% so với mức đỉnh hồi tháng 5 khiến cho rất nhiều nhà đầu tư tham gia đầu cơ để bắt đáy. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thép được dự đoán sẽ phục hồi trở lại sau đại dịch, nên giá quặng sắt vẫn giữ được ở mức trên 100 USD/tấn.

NĂNG LƯỢNG
Thị trường năng lượng đồng loạt tăng trong tuần vừa rồi, khi các lo ngại về nguồn cung tiếp tục thúc đẩy thị trường đi lên. Cụ thể, dầu WTI tăng 2.57% lên 75.88 USD/thùng, dầu Brent tăng 2.65% lên 79.28 USD/thùng.
Cuộc khủng hoảng năng lượng lan rộng tại Trung Quốc khiến cho nước này hứng chịu tình trạng mất điện tại gần 20 tỉnh thành, và là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động sản xuất suy yếu. Điều này thúc đẩy các quốc gia ra tăng thu mua các mặt hàng nhiên liệu để tránh các thiệt hại nặng hơn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tâm điểm của thị trường là cuộc họp chính sách của OPEC+ ngày hôm nay. Mặc dù có nguồn tin cho biết OPEC+ đang xem xét khả năng tăng sản lượng trên mức 400,000 thùng/ngày, trước các sức ép từ đối tác khi giá dầu tăng lên mức đỉnh 3 năm, tuy nhiên khá nhiều dự đoán đang hướng về khả năng nhóm sẽ duy trì kế hoạch cũ.
Giá khí tự nhiên tăng rất mạnh 8.06% lên 5.619 USD/MMBTU theo đà tại thị trường châu Âu. Giá có thẻ còn tiếp tục tăng nếu các nước châu Á, tiêu biểu là Trung Quốc, gia tăng để chuẩn bị cho mùa đông.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV