NÔNG SẢN
Giá đậu tương tăng trở lại từ vùng hỗ trợ 1275 của khoảng đi ngang trước đó. Hiệp hội xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) vừa đưa ra dự báo xuất khẩu đậu tương của nước này trong tháng 9 sẽ đạt 4.73 triệu tấn, cao hơn nhiều mức 3.91 triệu tấn đã xuất khẩu cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy nhu cầu nhập khẩu của các nước vẫn còn mạnh, góp phần vào mức tăng trở lại của giá đậu tương trong phiên hôm qua.
Triển vọng nhu cầu dầu thực vật tăng lên đã hỗ trợ giá dầu đậu tương khi tại Ấn Độ, những cơn mưa lớn do bão Gulab đã gây ra thiệt hại đối với đậu tương vụ hè tại quốc gia này. Sản lượng trong nước sụt giảm có thể sẽ khiến Ấn Độ sẽ phải nhập khẩu nhiều dầu thực vật hơn. Giá khô đậu tương tiếp tục biến động quanh mức 340.
Giá ngô lấy lại hoàn toàn mức giảm trước đó khi tập đoàn Cargill ở Mỹ dự đoán giá ngô sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Lúa mì tăng nhẹ lên vùng 710 do thị trường đang dự đoán sản lượng lúa mì Mỹ 20/21 có thể ở quanh mức 1.68 tỉ giạ, thấp hơn gần 20 triệu giạ so với con số mà USDA đưa ra trong báo cáo Cung – cầu gần nhất. Đây cũng được coi là yếu tố “bullish” đối với giá.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Sắc đỏ quay trở lại thị trường nguyên liệu công nghiệp khi giá cà phê và đường đồng loạt lao dốc. Hợp đồng cà phê Arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 2.6% còn 193.4 cent/pound. Hợp đồng Robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 2% còn 2116 USD/tấn. Giá cả hai mặt hàng cà phê đều quay đầu giảm ở những mốc kháng cự quan trọng, với Arabica là 200 cents/pound còn với giá Robusta là mức 2180 USD/tấn. Điều này phản ánh động lực mua đã yếu dần bởi thị trường không còn nhiều tin tức cơ bản có tính bất ngờ và hỗ trợ cho giá. Bên cạnh đó, các quỹ lớn cũng cần thanh khoản bớt số lượng vị thế mua ròng vốn đang không ngừng tăng trong thời gian trở lại đây để tránh rủi ro.
Đồng USD liên tục tăng giá và gây sức ép lên các đồng tiền nội tệ như Real Brazil khiến cho nông dân trồng cà phê đẩy mạnh bán hàng. Chỉ số Dollar Index tăng lên 94.3 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 11/2020.
Cả hai mặt hàng đường cũng chịu rất nhiều sức ép từ lực bán của thị trường. Hợp đồng đường 11 kỳ hạn tháng 10 giảm 0.2% còn 18.94 USD/tấn, hợp đồng đường trắng kỳ hạn tháng 12 giảm gần 1% còn 505 USD/tấn.

KIM LOẠI
Giá bạc giảm mạnh 4.4% còn 21.5 USD/ounce, giá bạch kim giảm gần 2% còn 944 USD/ounce. Sự gia tăng của đồng USD và sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ là hai yếu tố chính gây áp lực lên giá của các mặt hàng kim loại quý. Chỉ số Dollar Index tăng mạnh lên 94.3 diểm, mức cao nhất kể từ tháng 11/2020. Chủ tịch FED Jerome Powell tiếp tục bày tỏ những lo ngại về tình hình lạm phát ở Mỹ khiến cho giới đầu tư lo ngại rằng những chính sách thắt chặt của FED sẽ sớm diễn ra. Mức lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ vẫn vững vàng ở mức 1.52%, khiến cho vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim hay kể cả vàng đều không được đề cao trong giai đoạn này. Dòng tiền đã quay trở lại thị trường chứng khoán Mỹ khi hai trên ba chỉ số thước đo là S&P500 và Dow Jones đều tăng trở lại.
Diễn biến trái chiều quay trở lại với nhóm kim loại cơ bản. Giá đồng giảm 1.12% còn 4.2 USD/pound. Trung Quốc cắt giảm lượng điện tiêu thụ đã làm ảnh hưởng đến nguồn cung của nhiều kim loại, nhưng khủng hoảng điện gần đây đã ảnh hưởng tiêu cực lên cả nhu cầu sử dụng đồng bởi các hoạt động sản xuất công nghiệp đều phải cắt giảm. Bên cạnh đó, Trung Quốc sắp trải qua kỳ nghỉ kéo dài một tuần từ ngày 1/10, nên các nhà đầu tư có tâm lý tất toán vị thế để tránh những biến động bất thường trên thị trường. Hợp đồng đồng tháng 11 được giao dịch nhiều nhất trên Sở Thượng Hải giảm 0.9% xuống 10,609 USD/tấn.
Trái với các mặt hàng kim loại kể trên, giá quặng sắt bật tăng hơn 2% lên 115 USD/tấn, bất chấp nhu cầu thép ở Trung Quốc giảm mạnh. Giá sắt không gỉ giao sau của Trung Quốc giảm hơn 3% và là phiên giảm thứ 4 liên tiếp. Trung Quốc cũng đang vật lộn với tình trạng thiếu điện nên các hoạt động sản xuất thép vốn đã bị cắt giảm, nay còn tiếp tục phải hạn chế hơn. Mặc dù vậy, giá quặng sắt vẫn duy trì được đà tăng nhờ vào tâm lý đầu cơ bởi đây vẫn là một loại nguyên liệu đầu vào vô cùng trọng yếu đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc.

NĂNG LƯỢNG
Giá dầu giảm ngày thứ 2 liên tiếp trước áp lực về tồn kho gia tăng và giá USD lên cao. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 0.61% xuống 74.83 USD/thùng, giá Brent giảm 0.33% xuống 78.09 USD/thùng.
Một loạt các thông tin tiêu cực tác động đến tâm lý thị trường và thúc đẩy tâm lý chốt lời sau một thời gian dài giá tăng. USD tăng rất mạnh 0.61% lên 94.34, mức cao nhất kể từ tháng 9/2020 khi các nhà đầu tư gia tăng ưu thích các tài sản an toàn, do lo ngại về vấn đề nợ công tại Mỹ, đủ để gây áp lực lớn đến giá các hàng hoá định bằng đồng bạc xanh như dầu thô.
Trong khi đó, theo Báo cáo Dầu khí hàng tuần của EIA tối hôm qua, sản lượng dầu đã trở lại mức 11.1 triệu thùng/ngày, chỉ thấp hơn 300-400,000 thùng/ngày so với mức bình thường, trong khi tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu lại giảm mạnh hơn 700,000 thùng/ngày, khiến cho tồn kho chấm dứt chuỗi giảm 7 tuần liên tiếp.
Ngày hôm nay, nhiều khả năng giá dầu sẽ tiếp tục suy yếu do số liệu tồn kho gây thất vọng của EIA. Tuy nhiên, mức giảm sẽ không lớn, do dầu vẫn được bởi các yếu tố cơ cản như nguồn cung tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu.
Giá khí tự nhiên giảm mạnh 6.85% xuống 5.477 USD/MMBTu sau chuỗi tăng sốc đầu tuần.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)