NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/09, các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên sở CBOT đều đồng loạt giảm giá.
Giá đậu tương giảm về vùng hỗ trợ 1275 do tiến độ thu hoạch mùa vụ ở Midwest nhanh hơn so với kì vọng của thị trường.
Dầu đậu tương cũng chịu áp lực bán khi giá dầu bất ngờ quay đầu giảm mạnh khi không thể chạm mốc 80 USD/thùng. Trong khi đó, với sự thiếu vắng thông tin cơ bản, giá khô đậu tương vẫn không biến động mạnh mà chỉ đi ngang quanh mức 340.
Giá ngô cũng giảm mạnh do giá ngô tại Trung Quốc dược dự báo sẽ giảm trong niên vụ 2021/22 do kỳ vọng về một vụ mùa bội thu và dự trữ ngũ cốc cho TĂCN duy trì ở mức cao. Đây là yếu tố “bearish" đối với giá ngô trong trung và dài hạn.
Lúa mì dẫn đầu đà giảm của thị trường do lực bán kĩ thuật khi giá test lại mốc kháng cự 727. Bên cạnh đà bán tháo chung từ thị trường tài chính thì tốc độ trồng lúa mì vụ đông niên vụ 21/22 của Ukraine nhanh hơn với niên vụ trước cũng góp phần vào mức giảm trong phiên hôm qua của mặt hàng này.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Kết thúc phiên hôm qua, lực mua dồn dập giúp cho nhóm nguyên liệu công nghiệp là nhóm duy nhất vẫn giữ được sắc xanh trên bảng giá.
Thị trường cà phê vẫn dẫn đầu đà tăng, với giá Arabica đóng cửa bằng mức tăng 2.56% lên 198.6 cents/pound, giá Robusta cũng tăng gần 2% lên 2160 USD/tấn. Lượng mưa ở Brazil vẫn chưa ổn định và không cấp đủ nước cho sự phát triển của niên vụ cà phê mới. Giới đầu tư vẫn chưa hết lo lắng về nguồn cung ở Brazil do ảnh hưởng của sự khắc nghiệt của thời tiết trong suốt một năm qua. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ cà phê được dự đoán sẽ tăng mạnh vào cuối năm khi các nước khống chế được dịch bệnh và tiến hành mở cửa trở lại cũng là một yếu tố hỗ trợ cho giá Arabica đi lên.
Ở thị trường Robusta, giá có cú lội ngược dòng sau hai phiên giảm vào cuối tuần trước nhờ vào tâm lý tích cực được lan tỏa từ thị trường Arabica. Tuy nhiên, giá vẫn chưa vượt qua mức kháng cự 2180 USD/ounce.
Cả hai mặt hàng đường cũng tăng trung bình 1.4% trong phiên hôm qua với giá đường 11 tăng lên 19 cents/pound, giá đường trắng tăng lên gần 510 USD/tấn. Đà tăng được hỗ trợ bởi dự báo của ngân hàng Citibank cho thấy thị trường đường thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ thâm hụt gần 4 triệu tấn do chất lượng mùa vụ giảm sút ở Brazil.

KIM LOẠI
Sắc đỏ quay trở lại thị trường kim loại khi lực bán dồn dập khiến cho cả 4 mặt hàng đồng loạt suy yếu. Giá bạc giảm 1% còn 22.5 USD/ounce, giá bạch kim giảm hơn 2% còn 960 USD/ounce. Bất chấp việc dòng tiền dịch chuyển khỏi các thị trường đầu tư mạo hiểm, như thị trường chứng khoán và thị trường tiền điện tử, giá của các mặt hàng kim loại quý vẫn lao dốc bởi các nhà đầu tư đang ưu tiên nắm giữ tiền mặt để tránh rủi ro từ biến động của thị trường. Chỉ số Dollar Index tăng lên 93.77 điểm, mức cao nhất trong vòng 10 tháng.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng tăng mạnh lên 1.54%, phản ánh tâm lý lo ngại trước các chính sách thắt chặt tiền tệ của FED. Giá của bạc và bạch kim sẽ khó được hưởng lợi từ mức lạm phát leo thang khi nền kinh tế mở cửa trở lại, mà thay vào đó sẽ gặp sức ép nặng nề do đồng bạc xanh có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian sắp tới, nhất là sau khi FED tiến hành giảm mua trái phiếu vào tháng 11 và tăng lãi suất trong năm sau.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá đồng tiếp tục giảm 1% còn 4.24 USD/pound. Trong bối cảnh thị trường tài chính còn nhiều biến động, và nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc vẫn chưa được phục hồi, giá đồng gần như chưa có cơ hội tăng mạnh. Giá quặng sắt quay đầu giảm mạnh hơn 5% về 112.8 USD/tấn. Ngoài những chính sách kiểm soát sản lượng của Bắc Kinh, khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Evergrande có thể khiến các nhà chức trách Trung Quốc tiến hành “trấn áp” các hoạt động xây dựng, và làm giảm nhu cầu tiêu thụ với thép. Giá của quặng sắt, vốn là một nguyên liệu đầu vào quan trọng, cũng sẽ không có nhiều cơ hội tăng giá.

NĂNG LƯỢNG
Đà tăng của giá dầu chững lại do áp lực chốt lời sau khi giá chạm mức đỉnh 3 năm. Kết thúc phiên giao dịch, giá Brent giảm 0.47% xuống 78.35 USD/thùng, giá WTI giảm 0.21% xuống 75.29 USD/thùng.
Các nhà đầu tư tiến hành chốt lời sau khi giá đã gần chạm đến mức 80 USD/thùng trong phiên tối. Dầu cũng chịu ảnh hưởng theo sự suy yếu của thị trường chứng khoán trong bối cảnh thiếu hụt các tin tức cơ bản hỗ trợ. Lo ngại về nợ công tại Mỹ tăng dần do 2 đảng Dân chủ và Cộng hoà chưa thống nhất được kế hoạch cụ thể. Trong khi đó, tâm lý người tiêu dùng tiếp tục xuống thấp 2 tháng liên tiếp, do lo ngại vè dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế trong ngắn hạn. Đồng Dollar tăng giá mạnh cũng góp phần tác động tiêu cực đến giá dầu.
Bên cạnh đó, tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc đang khiến một số nhà đầu tư lo ngại giảm tốc trong hoạt động sản xuất cuối năm nay sẽ gây áp lực cho nhu cầu dầu của quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.Giá khí tự nhiên tháng 10 tiếp tục tăng 2.37% khi các nhà đầu tư đóng vị thế bán trước ngày đáo hạn.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV)