NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 9, các mặt hàng nông sản đã trải qua phiên giao dịch đầy biến động và bất ngờ khi Bộ nông nghiệp Mỹ công bố báo cáo Tồn kho ngũ cốc hàng quý. Phiên hôm qua cũng là điển hình của diễn biến các mặt hàng nông sản khi các báo cáo mạnh công bố.
Giá đậu tương rơi mạnh 45 cents chỉ trong vòng 30 phút sau thời điểm công bố báo cáo. Tồn kho đậu tương cuối niên vụ 2020/21 đạt 256 triệu giạ, cao hơn nhiều so với mức 174 kì vọng của thị trường và ước tính của USDA trong báo cáo Cung cầu tháng 9 đã tạo sức ép rất lớn lên giá.
Khô đậu tương cũng trải qua phiên rơi mạnh tương tự, tuy nhiên dầu đậu tương lại có mức phục hồi đáng kể. Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu cọ tăng do xuất khẩu của Malaysia tăng mạnh và diễn biến hồi phục mạnh của dầu thô đã giúp cho dầu đậu tương lấy lại được phần lớn mức giảm trước đó.
Ngô là mặt hàng có mức thay đổi nhỏ nhất trong nhóm nông sản. Mức tồn kho đạt 1.236 tỉ giạ cao hơn dự đoán, nhưng đây vẫn là mức thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây, và khiến giá chưa thể giảm sâu được mà hồi phục trở lại.
Lúa mì bất ngờ tăng mạnh khi tồn kho lúa mì Mỹ tính đến ngày 01/09 và sản lượng lúa mì Mỹ năm nay đều thấp hơn so với mức dự đoán của thị trường.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Thị trường cà phê kết thúc tháng 9 bằng một phiên tăng nhẹ. Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng nhẹ 0.31% lên 194 cents/pound. Giá Robusta tăng gần 0.5% lên 2126 USD/tấn.
Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các tin tức cơ bản mới và có khả năng hỗ trợ cho giá bứt phá, phe mua đã phải rất nỗ lực để giúp giữ giá không giảm sâu hơn. Dự báo thời tiết cho thấy các khu vực trồng cà phê chính ở Brazil sẽ có mưa từ ngày 7 - 10/10. Ở Việt Nam, các tỉnh phía Nam sẽ được nới lỏng giãn cách và chuỗi cung ứng trong nước sẽ được khôi phục lại dần dần. Đây đều là những tin tức mang yếu tố “bearish” với giá của hai mặt hàng cà phê, khiến cho giá khó có thể tăng mạnh. Xu hướng đi ngang ngày một rõ ràng trên thị trường, giá Arabica có thể tích lũy trong khoảng từ 190 – 200 cents/pound. Giá Robusta đi ngang trong biên độ rộng từ 2110 – 2180 USD/tấn.
Bên cạnh đó, việc đồng USD không ngừng gia tăng, với chỉ số Dollar Index đang ở mức đỉnh của 1 năm cũng khiến cho các đồng tiền nội tệ gặp áp lực và thúc đẩy nông dân trồng cà phê bán hàng.
Ở thị trường đường, trong khi hợp đồng đường 11 tăng mạnh gần 5% lên gần 20 cent/pound, hợp đồng đường trắng có mức tăng khiêm tốn hơn với 1.5% lên 512.8 USD/tấn.
KIM LOẠI
Sắc xanh áp đảo trên bảng giá của các mặt hàng kim loại trong phiên hôm qua. Ở thị trường kim loại quý, giá bạc hồi phục gần 3% lên 22.05 USD/ounce, giá bạch kim cũng đóng cửa với mức tăng gần 2% lên 960.9 USD/ounce. Đà tăng của đồng USD chững lại do các số liệu việc làm tiêu cực đã hỗ trợ cho giá của các mặt hàng kim loại quý. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp của tuần này tăng vượt dự báo lên 362,000 đơn, mức cao nhất trong vòng 7 tuần. GDP quý II tăng nhẹ so với dự báo, nhưng thị trường việc làm vẫn hồi phục thiếu ổn định, có thể là yếu tố khiến FED sẽ duy trì mức hỗ trợ nền kinh tế nhiều hơn và hỗ trợ cho các kim loại có vai trò trú ẩn cao như bạc và bạch kim.
Ở một diễn biến khác, giá đồng tiếp tục giảm mạnh gần 3% về 4.08 USD/pound. Các chỉ số PMI sản xuất tiêu cực ở Mỹ và Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất công nghiệp trên toàn cầu vẫn chưa phục hồi và gây sức ép lên giá đồng. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng điện ở Trung Quốc có thể khiến cho các nhà máy phải cắt giảm sản lượng và làm suy yếu thêm nhu cầu tiêu thụ đối với đồng.
Trái lại, giá quặng sắt vẫn duy trì được đà tăng với mức đóng cửa cao hơn gần 2% lên 118 USD/tấn. Dù phải đối mặt với khủng hoảng điện và các chính sách kiểm soát sản lượng nghiêm ngặt của Trung Quốc, giá Quặng sắt vẫn duy trì được đà tăng bởi mức giá hiện tại vẫn thấp khoảng 50% so với đỉnh của tháng 5 và lực mua không quá áp đảo, chỉ giúp giá phục hồi nhẹ. Hợp đồng quặng sắt giao tháng 1 trên Sở giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên với mức tăng 5.4% lên 111.6 USD/tấn.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu nhích nhẹ trở lại sau một phiên giao dịch biến động. Cụ thể, giá WTI tăng 0.27% lên 75.03 USD/thùng, giá Brent tăng 0.28% lên 78.31 USD/thùng.
Thị trường giằng co giữa các kỳ vọng trái chiều về cuộc họp của OPEC+ tuần tới. Trong phiên, đã có lúc giá giảm đến 2.3% khi thị trường lo ngại nhóm sẽ gia tăng sản lượng trong cuộc họp tuần sau. Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng lấy lại được đà tăng sau khi Trung Quốc cho biết sẽ gia tăng thu mua các mặt hàng năng lượng để đảm bảo tiêu dùng nội địa.
Thị trường dầu thô kết thúc tháng 9 với mức tăng lớn nhất kể từ đầu hè. Giá Brent trong tháng này tăng đến 10.3% trong giá WTI tăng 9.9%. Thị trường dầu được hỗ trợ chủ yếu nhờ nguồn cung đột ngột suy giảm do tác động của các sự cố diễn ra tại khu vực sản xuất như bão Ida tại Vịnh Mexico, hoả hoạn tại nhà máy của Mexico và Nga. Giá cũng được thúc đẩy nhờ thị trường khí tự nhiên tăng trưởng nóng, tạo ra hỗ trợ cho các sản phẩm thay thế như than và dầu.
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, khí tự nhiên tăng mạnh 7.12%, và kết thúc tháng 9 với mức tăng ấn tượng 32.5%.