NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch ngày 08/06, giá toàn bộ các mặt hàng ngũ cốc và hạt lấy dầu trên Sở CBOT đồng loạt đóng cửa trong sắc xanh, bù lại một phần cho phiên giảm mạnh hôm đầu tuần.
Đậu tương tăng 1.27% lên mức 1580.00 cents/giạ. Theo số liệu của Hải quan Brazil, tốc độ xuất khẩu đậu tương trong tuần đầu tháng 6 của Brazil đang nhanh hơn so với tuần đầu tháng 5. Bên cạnh đó, chất lượng đậu tương của Mỹ được đánh giá tốt trở lên giảm xuống bất ngờ so với cùng kỳ năm ngoái và dự đoán của thị trường là yếu tố chính góp phần vào mức tăng hôm qua của mặt hàng này.

Dầu đậu tương đóng cửa tăng 1.76%, lên mức 72.08 cent/pound. Khô đậu tương cũng tăng theo đà tăng của nhóm đậu tương lên mức 389.8 USD/tấn, cao hơn 0.75% so với phiên trước đó. Cuộc đình công của nhân viên hải quan tại Argentina yêu cầu được tiêm vắc xin Covid-19 sẽ gây cản trở tới các chuyến hàng vận chuyển ngũ cốc tại đây đã góp phần lý giải cho mức tăng hôm qua của các mặt hàng này.
Ngô hợp đồng kỳ hạn tháng 7 tăng không đáng kể 0.11%, lên mức 680.00 cent/giạ. Xuất khẩu ngô của Brazil tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái do nguồn cung bị thắt chặt trước những lo ngại về sản lượng thu hoạch của ngô vụ 2 tại đây. Chất lượng mùa vụ ngô tại Mỹ giảm 4% tốt – tuyệt vời so với tuần trước là những yếu tố hỗ trợ đà tăng hôm qua của giá ngô. Tuy nhiên, kháng cự ở vùng 700 đã khiến giá ngô không duy trì được mức tăng mạnh trong phiên.
Lúa mì kết phiên tăng 0.74%, lên mức 685.00 cent/giạ. Giá lúa mì tăng lên theo đà tăng của nhóm nông sản bất chấp diện tích gieo trồng lúa mỳ tại Nga cao hơn so với dự kiến làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá cà phê lại có một phiên giao dịch đi ngược lại với xu thế của nhóm hàng nguyên liệu công nghiệp. Giá Arabica giảm 1.53% còn 157.7 cents/pound, trong khi giá Robusta giảm 1.78% về 1596 USD/tấn. Đà tăng của cả hai mặt hàng cà phê gặp phải lực chốt lời lớn từ các nhà đầu tư, trong bối cảnh vắng bóng các tin tức cơ bản hỗ trợ cho đà tăng của giá.
Tong hop dien bien thi truong
Đường tăng mạnh trở lại 1.9%, lấy lại toàn bộ những gì đã mất trong phiên đầu tuần, chủ yếu nhờ diễn biến tích cực của giá dầu thô khi giá WTI chạm lên vùng giá 70 USD/thùng.
Cacao phục hồi hơn 1% sau 4 phiên giảm tiếp tiếp đã đẩy giá về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5 trong ngày đầu tuần.
Bông tăng gần 1% lên mức 85.14 cent/pound, chủ yếu nhờ ảnh hưởng tích cực từ mức tăng chung của toàn bộ thị trường nông sản.
KIM LOẠI
Giá Bạc đóng cửa với mức giảm 1.02% về 27.732 USD/ounce, giá Bạch kim cũng giảm 1.05% còn 1162.5 USD/ounce. Đồng USD tăng giá cùng với việc dòng vốn quay trở lại với các thị trường đầu tư đã gây sức ép rất lớn lên vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý. Chỉ số Dollar Index tăng 0.14% lên 90.08.

Sắc xanh đã quay trở lại với nhóm kim loại cơ bản sau thời gian giảm điều chỉnh. Giá Đồng tăng 0.65% lên 4.556 USD/pound. Đà tăng của Đồng vẫn được hỗ trợ nhờ các nhu cầu không ngừng gia tăng để phục vụ hoạt động xây dựng và công nghiệp mạnh mẽ ở Trung Quốc, Mỹ, và Ấn Độ. Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên (DISER) của Chính phủ Úc dự báo tiêu thụ đồng tinh chế được dự báo sẽ tăng 5% vào năm 2021, và sẽ tiếp tục tăng đến năm 2030.
Giá Quặng sắt tiếp tục có một phiên bứt phá tăng 3.56%, lên 200.69 USD/tấn. Nhu cầu Quặng sắt chất lượng cao trên toàn cầu dự kiến tăng mạnh trong bối cảnh Chính phủ các nước siết chặt các quy định về giảm khí thải carbon và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp xanh và năng lượng tái tạo. S&P Global Market Intelligence cũng dự báo, nguồn cung Quặng sắt trên toàn cầu cũng phải vật lộn để theo kịp với nhu cầu, và vẫn trong tình trạng thâm hụt tới năm 2025.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu thô WTI tăng 1.2% lên mức 70.05 USD/thùng và giá dầu Brent tăng 1% lên mức 72.22 USD/thùng. Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ - EIA tiếp tục tăng dự báo về tăng trưởng GDP của nước này trong năm 2021 từ 6.2% lên mức 6.7%. Nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu của Mỹ nói riêng trong năm nay dự báo đạt 19.6 triệu thùng/ngày, cao hơn 1.5 triệu thùng so với năm 2020 và cũng cao hơn so với báo cáo tháng 5.

Ngoài ra, các nhà ngoại giao của Mỹ cho biết ngay cả khi Mỹ và Iran đạt được các thỏa thuận, thì hàng trăm lệnh trừng phạt của Mỹ với Tehran sẽ vẫn được áp dụng. Điều đó đồng nghĩa với việc nguồn cung dầu của Iran sẽ không sớm được tung ra thị trường như các kỳ vọng trước đó.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)