NÔNG SẢN
Giá đậu tương tăng nhẹ 0.53% nhờ có đơn hàng bán 132,000 tấn đậu tương Mỹ niên vụ 21/22 cho Trung Quốc trong báo cáo Daily Export Sales và khiến lực mua gia tăng khi bước vào phiên tối.
Dầu đậu nành tăng mạnh trở lại 1.13%. Sàn Bursa của Malaysia đã đóng cửa do nghỉ lễ nên giá không có định hướng từ dầu cọ trong phiên hôm qua mà mức tăng này chủ yếu ảnh hưởng từ đà hồi phục của nhóm năng lượng. Tác động ngược chiều với dầu đậu tương đối trọng với ảnh hưởng từ mức tăng của đậu tương đã khiến giá khô đậu tương đóng cửa không thay đổi so với phiên trước.
Giá ngô kết phiên hôm qua với mức giảm không đáng kể so với phiên trước. Số liệu Mexico mua 182,880 tấn ngô Mỹ trong báo cáo Daily Export Sales và đã giúp giá bắt đầu hồi phục trở lại sau khi giảm mạnh trong phiên sáng.
Giá lúa mì tăng mạnh 2.21% nhờ có thông tin về thời tiết mưa lớn tại Pháp không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động thu hoạch lúa mì, mà còn đang ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng và xuất khẩu của quốc gia này.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Sắc xanh tiếp tục được duy trì ở thị trường Cà phê khi giá Arabica kỳ hạn tháng 12 tiếp tục tăng 1.5% lên 185.1 USD/tấn, giá Robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa với mức tăng mạnh gần 4% lên 1863 USD/tấn.
Những lo ngại về thời tiết khô hạn ở Brazil là yếu tố giúp cho giá Cà phê tăng trong phiên hôm qua, tuy nhiên đây không phải yếu tố duy nhất. Giá Cà phê đã tăng hai phiên liên tiếp là bằng chứng cụ thể cho thấy dòng vốn đã quay trở lại thị trường sau thời gian liên tục bị bán. Nhiều khả năng, các Quỹ đầu tư lớn cũng gia tăng vị thế mua giúp cho giá Cà phê có một chất xúc tác đủ mạnh để bứt phá lên mức cao nhất trong vòng một tuần. Giới đầu tư Robusta cũng nỗ lực mua vào nhiều hơn để cân bằng khoảng cách giữa hai loại Cà phê.

KIM LOẠI
Giá Bạc tăng 0.5% lên 23.4 USD/ounce, giá Bạch kim tăng 1.7% lên 987 USD/ounce. Trong một ngày mà chỉ số Dollar Index tăng lên 93.06 điểm, mức cao nhất trong vòng hơn 2 tuần, mà sắc xanh vẫn duy trì trên bảng giá của Bạc và Bạch kim, phản ánh sự hồi phục nhẹ của thị trường nhờ lực bắt đáy. Cả hai mặt hàng kim loại đều trải qua cú sụt giảm mạnh nhất trong một tháng khiến cho giá rớt về mức thấp nhất trong 6 tháng, do đó, ở những khu vực hỗ trợ quan trọng, rất nhiều nhà đầu tư tham gia mua vào để đẩy giá đi lên. Tuy nhiên, vì triển vọng của thị trường trong thời gian tới vẫn khó khăn, lực mua vào vẫn chưa đủ mạnh để đưa giá vượt lên khỏi những mốc kháng cự quan trọng. Sức ép từ thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục được duy trì khi mà chỉ số S&P 500 và Dow Jones tiếp tục lập đỉnh mới.
Ở thị trường kim loại cơ bản, diễn biến trái chiều xảy ra với giá của Đồng và Quặng sắt. Trong khi giá Đồng hồi phục 1.5% lên 4.35 USD/pound, giá Quặng sắt tiếp tục suy yếu còn 159.9 USD/tấn. Nhiều cuộc đình công diễn ra ở mỏ đồng Escondida và Caserones, Chile, đã làm dấy lên nỗi lo về nguồn cung đồng trên thế giới. Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu tiêu thụ Đồng có thể sụt giảm do những khó khăn về dịch bệnh, tuy nhiên, nếu dịch bệnh được kiểm soát và các hoạt động sản xuất hồi phục, nhu cầu được dự kiến sẽ tăng vọt, do đó, nguồn cung Đồng luôn cần ở trong trạng thái ổn định. Trái lại, giá Quặng sắt tiếp tục giảm về mức thấp nhất trong hai tháng do nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc suy yếu.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI tăng mạnh 2.72% lên 68.29 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2.3% lên 70.63 USD/thùng. Giá dầu khởi sắc cùng với thị trường chứng khoán khi các nhà đầu tư tin tưởng rằng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng dù dịch COVID-19 gia tăng trở lại tại một số nước.
Chứng khoán Mỹ đạt đỉnh đã thúc đẩy tâm lý tích cực trên thị trường hàng hoá. Thượng viện Mỹ thông qua gói cơ sở hạ tầng trị giá 1,000 tỷ USD – khoản đầu tư lớn nhất trong nhiều thập kỷ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ và gia tăng nhu cầu cho các mặt hàng nguyên nhiên vạt liệu như dầu thô và kim loại.
Trong khi đó, Báo cáo Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn của EIA ngày hôm qua giữ nguyên nhận định về nhu cầu dầu thô thế giới ở mức 97.7 triệu thùng/ngày trong năm nay, khi GDP tại Mỹ dự kiến tăng trưởng 6.6% trong năm 2021 và kéo theo tiêu thụ dầu thế giới tăng.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)