NÔNG SẢN
Giá đậu tương biến động không đáng kể do tác động trái chiều từ báo cáo WASDE. USDA đã cắt giảm ước tính năng suất trung bình từ 50.8 giạ/mẫu xuống 50.0 giạ/mẫu khiến cho sản lượng đậu tương của Mỹ giảm. Tuy nhiên, tồn kho thế giới niên vụ 21/22 tăng lên 1.5 triệu tấn là yếu tố đã cản trở đà tăng của đậu tương trong phiên hôm qua.
Giá dầu đậu tương cũng gần như không thay đổi so với phiên trước khi giá dầu cọ suy yếu nhưng khối lượng ép dầu của Mỹ niên vụ 21/22 lại giảm xuống. Số liệu này cũng khiến cho giá khô đậu tương tăng nhẹ 0.56%.
Ngô đã trải qua một phiên giao dịch với khối lượng kỷ lục và giá tăng rất mạnh 2.5%, phá vỡ khoảng đi ngang trong gần 3 tuần nay. Mức tồn kho ngô Mỹ niên vụ 21/22 thấp hơn khoảng dự đoán của thị trường và giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua do hạn hán kéo dài trong vài tháng qua ở Midwest khiến năng suất mùa vụ kém hơn. Đây là yếu tố gây gia tăng lo ngại về nguồn cung thắt chặt và tác động bullish mạnh đến giá.
Lúa mì cũng tăng vọt ngay sau thời điểm công bố báo cáo do nguồn cung sụt giảm ở cả 3 nước sản xuất chính trên thế giới là Nga, Mỹ và Canada. Điều này kéo theo mức tồn kho lúa mì thế giới niên vụ 21/22 bị USDA cắt giảm hơn 10 triệu tấn chỉ trong vòng 1 tháng. Đây là yếu tố thúc đẩy và khiến giá lúa mì đóng cửa với mức tăng rất mạnh 3.65%.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá hai mặt hàng Cà phê có phiên diễn biến trái chiều đầu tiên trong tuần. Trong khi giá Arabica tăng 1.4% lên 189.6 cents/pound thì giá Robusta giảm nhẹ 0.5 4% còn 1854 USD/tấn.
Công ty xuất khẩu Comexim đưa ra báo cáo rằng tiềm năng của vụ mùa 2022/23 ở khu vực phía Nam bang Minas Gerais có thể giảm tới 19% do trải qua đợt băng giá vừa qua. Do đó, giới đầu tư tiếp tục lo ngại về sản lượng của Cà phê Arabica và tích cực mua vào đẩy giá tăng cao hơn. Trái lại, thị trường có phần bất ngờ trước tin tức xuất khẩu Cà phê tháng 7 của Việt Nam tăng 11.2% so với tháng trước, bất chấp các khó khăn trong chuỗi xuất khẩu, tuy nhiên tổng mức xuất khẩu Cà phê trong 7 tháng đầu 2021 lại giảm 8%. Lực mua từ phiên hôm trước đã có phần yếu dần nên tin tức hôm qua được đưa ra khiến giá Cà phê quay đầu giảm nhẹ.

KIM LOẠI
Diễn biến trái chiều xảy ra trên thị trường kim loại quý khi mà giá Bạc kì hạn tháng 9 giảm 1.6% còn 23.1 USD/ounce, trong khi giá Bạch kim kỳ hạn tháng 10 tăng nhẹ 0.2% lên 1017 USD/ounce. So với diễn biến giảm thẳng đứng của giá Bạc, giá Bạch kim có phần giằng co trước những số liệu được công bố hôm qua. Số đơn xin đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu tuần này tiếp tục giảm còn 375,000 đơn, phản ánh thị trường việc làm của Mỹ tiếp tục phục hồi so với tháng trước. Bên cạnh đó, chỉ số giá PPI tháng 7 cũng tăng 1% khiến cho giới đầu tư lo lắng FED sẽ áp dụng các biện pháp thắt chặt tiền tệ khiến cho vai trò trú ẩn của Bạc và Bạch kim yếu đi. Chỉ số Dollar Index tăng lên 93.04 điểm. Giá Bạch kim được hỗ trợ nhiều hơn bởi các nhà đầu tư có xu hướng bắt đáy khi giá giảm về 1000 USD/ounce.
Sắc đỏ bao trùm bảng giá của các mặt hàng kim loại cơ bản. Giá Đồng giảm nhẹ 0.17% còn 4.36 USD/ounce. Giá Đồng tăng mạnh vào đầu phiên, tuy nhiên thị trường gặp phải áp lực bán lớn vào chiều qua khiến giá quay đầu giảm. Căng thẳng tiếp tục leo thang tại các mỏ đồng lớn ở Chile, khi mà công đoàn vẫn chưa đạt được thỏa thuận về tiền lương. Tuy nhiên, thị trường đã có phần bão hòa trước tin tức này khiến giá khó có thể đóng cửa với sắc xanh.
Giá Quặng sắt quay đầu giảm mạnh gần 3% sau một phiên giảm điều chỉnh trước đó. Các yếu tố từ phía Trung Quốc vẫn gây sức ép lớn lên giá Quặng sắt. Trong bối cảnh các công ty sản xuất thép lớn ở Đường Sơn đều cam kết cắt giảm sản lượng để thực hiện mục tiêu “Olympic xanh” của Bắc kinh, giá Quặng sắt khó có thể phục hồi trước thềm thế vận hội diễn ra. Hợp đồng quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc cũng đóng cửa với mức giảm 2.2% ở mức về 129,36 USD/ tấn, xóa sạch mức tăng đạt được trong phiên trước đó.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm nhẹ 0.23% xuống 69.09 USD/thùng, giá Brent giảm 0.18% xuống 71.31 USD/thùng.
Trước lo ngại về tình hình dịch COVID-19 gia tăng tại Trung Quốc, Indonesia và một số quốc gia châu Á khác, IEA đã cắt giảm dự báo cho nhu cầu dầu thế giới xuống 550,000 thùng/ngày trong nửa cuối năm nay và đặt khả năng dư thừa nguồn cung trong năm 2022. Điều này đã tác động tiêu cực đến giá dầu khi lo ngại về dịch COVID-19 vẫn đang bao trùm lên tâm lý thị trường, nhất là khi chính quyền tổng thống Biden vừa có động thái thúc đẩy OPEC gia tăng sản lượng để giảm áp lực lên giá xăng dầu. Giá dầu cũng gặp áp lực khi USD tăng trở lại sau khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục giảm tuần thứ 4 liên tiếp.
Giá khí tự nhiêm giảm mạnh 3.1% xuống 3.933 USD/MMBTu sau khi mất hỗ trợ tại vùng 4 USD.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)