NÔNG SẢN
Giá đậu tương tăng nhẹ 0.24% nhờ có nhu cầu mạnh lên trong thời gian gần đây của Trung Quốc và lo ngại về mức giảm năng suất. Tuy nhiên, một lượng mưa xuất hiện ở Đồng bằng phía bắc giúp cải thiện chất lượng cây trồng đã hạn chế đà tăng mạnh trong phiên sáng.
Dầu đậu tương là mặt hàng có mức tăng mạnh nhất trên thị trường. Tồn kho dầu cọ của Malaysia đến hết tháng 7 giảm mạnh 7.3% so với tháng 06 và thấp hơn so với dự đoán của thị trường là yếu tố tác động bullish đến giá. Tác động trái chiều với mặt hàng này cũng khiến giá khô đậu tương đóng cửa hôm qua giảm 0.83%.
Giá ngô tăng gần 1% bất chấp sản lượng ethanol trong tuần giảm mạnh về mức dưới 1 triệu thung/ngày lần đầu tiên trong 3 tháng qua. Mức tăng này là do lo ngại về nguồn cung thắt chặt khi dự báo sản lượng ở Brazil tiếp tục bị thiệt hại do sương giá và mức năng suất ngô Mỹ có thể giảm xuống.
Giá lúa mì kết phiên hôm qua với mức giá không thay đổi. Hãng tư vấn IKAR tiếp tục hạ dự báo sản lượng lúa mì của Nga cho niên vụ 2021/22 xuống 77 triệu tấn từ mức 78.5 triệu tấn chỉ trong vòng 2 tuần sau đợt cắt giảm trước đó từ mức 81.5 triệu tấn do thời tiết hạn hán. Thông tin này đã giúp lực mua mạnh lên khi giá giảm về vùng hỗ trợ 720.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica kỳ hạn tháng 12 tăng 1% lên 187 cents/pound, giá Robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng nhẹ lên 1864 USD/tấn. Giá Cà phê được hỗ trợ nhờ vào việc Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) đưa ra dự báo thặng dư Cà phê toàn cầu năm nay sẽ ở mức 2.02 triệu bao, giảm so với mức ước tính trước đó vào tháng 7 là 2.26 triệu bao. Tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2020/21 dự kiến đạt gần 170 triệu bao, tăng 0.4% so với niên vụ trước, và mức tiêu thụ cà phê trên toàn cầu niên vụ 2020/21 đạt 167,6 triệu bao, tăng gần 2% so với niên vụ trước. Trong bối cảnh sản lượng Cà phê ở Brazil bị sụt giảm đáng kể do chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt trong năm 2021, và lượng tiêu thụ toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng, cân bằng cung cầu Cà phê trên toàn cầu có thể tiếp tục giảm và hỗ trợ cho giá của hai loại Cà phê.

KIM LOẠI
Giá Bạc đóng cửa tăng nhẹ 0.5% lên 23.49 USD/ounce, trong khi giá Bạch kim có một phiên hồi phục mạnh gần 3% lên 1015 USD/ounce. Chỉ số giá tiêu dùng CPI lõi (ngoại trừ thực phẩm và năng lượng) được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm qua ở mức 0.3%, thấp hơn dự báo trước đó ở mức 0.4%. Đây là tín hiệu tích cực với nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên, việc chỉ số lạm phát giảm khiến cho giới đầu tư tin rằng FED sẽ tiếp tục duy trì các chính sách nới lỏng trong hiện tại và làm mất giá đồng USD. Do đó, giá Bạc và Bạch kim được hưởng lợi trước sự suy yếu của đồng bạc xanh. Chỉ số Dollar Index giảm về 92.92 điểm.
Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng tiếp tục tăng nhẹ 0.3% lên 4.36 USD/pound. Căng thẳng từ các cuộc biểu tình ở nhiều mỏ đồng lớn ở Chile vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do chưa đạt được thỏa thuận về mức lương. Nhiều công nhân ở các mỏ đồng như Andina đe dọa sẽ từ bỏ công việc, khiến cho các hoạt động sản xuất bị đình trệ và làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung Đồng trên toàn cầu. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Biden đặt ra mục tiêu tới năm 2030, 50% số xe ô tô bán ra ở Mỹ sẽ là xe điện cũng khiến cho tâm lý nhà đầu tư thêm lạc quan và hỗ trợ cho giá Đồng.
Giá Quặng sắt có phiên đầu tiên hồi phục mạnh 2.4% lên 163.77 USD/tấn sau chuỗi giảm nhiều ngày liên tiếp. Việc các nhà sản xuất thép ở Trung Quốc đồng loạt cắt giảm sản lượng để đảm bảo mục tiêu “Olympic xanh” của Bắc Kinh bắt đầu làm cho nhiều nhà đầu tư lo ngại về nguồn cung. Tuy nhiên, mức tăng của hôm qua có thể chỉ là một phiên tăng điều chỉnh sau khi giá giảm mạnh. Fitch Solution cũng dự báo rằng đợt tăng giá của Quặng sắt cũng bắt đầu suy yếu và giá có thể giảm về 130 USD/tấn vào cuối năm 2022.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI tăng 1.41% lên 69.25 USD/thùng, giá Brent tăng 1.15% lên 71.44 USD/thùng.
Chiều hôm qua, giá dầu đã có lúc giảm mạnh sau khi Nhà Trắng kêu gọi OPEC gia tăng sản lượng để giảm giá xăng dầu trong nước. Tuy nhiên, giá dầu đã tăng trở lại sau khi Mỹ cho biết yêu cầu này nằm trong chiến lược dài hạn, chứ không đòi hỏi phía OPEC phải phản ứng ngay lập tức. Giá xăng đã tăng gần 1 USD/gallon trong 1 năm qua, trong khi với mỗi lần xăng tăng 0.01 USD, ước tính nước Mỹ lại thiệt hại 1 tỷ USD cho chi tiêu khả dụng. Do đó, giá xăng dầu là dữ liệu mà chính phủ Mỹ đặc biệt quan tâm.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi số liệu trong báo cáo tồn kho của EIA cho thấy tồn kho xăng dầu tiếp tục giảm trong tuần trước. Mức tiêu thụ nhiên liệu, thể hiện qua lượng sản phẩm cung cấp (products supplied) giảm nhẹ, nhưng vẫn duy trì trong ngưỡng năm 2019. Do đó, có thể thấy dịch COVID-19 chưa ảnh hưởng nặng nề đến nhu cầu nhiên liệu tại Mỹ.
Giá khí tự nhiên giảm nhẹ với triển vọng mưa lớn sau bão ở phía Đông Thái Bình Dương và vùng biển Atlantic sẽ làm giảm nhiệt độ thời gian tới.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)