NÔNG SẢN

Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/07, ngoại trừ mức tăng nhẹ của dầu đậu tương thì toàn bộ các mặt hàng trong nhóm nông sản đều tăng rất mạnh.
Khô đậu tương là mặt hàng đáng chú ý nhất với mức tăng lên đến 3%, cũng là yếu tố lý giải phần nào cho mức tăng chỉ xấp xỉ 0.5% của dầu đậu tương. Dự thảo nhiên liệu sinh học mới của Argentina đề xuất giảm sử dụng dầu diesel sinh học trong hỗn hợp dầu diesel thành phẩm xuống còn 5%, đã gây sức ép không nhỏ lên giá dầu đậu tương. Giá dầu thô giảm mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực lên xu hướng tăng của mặt hàng này. Trong khi đó, Dự báo thời tiết cho giai đoạn 6 – 10 ngày tới tại phần lớn Midwest đều khá khô ráo và tình trạng thiếu hụt mưa sẽ còn tiếp diễn đã giúp cho giá đậu tương tăng vọt trong phiên hôm qua.

Tong hop dien bien thi truong

Giá ngô tiếp tục tăng mạnh 3.33% xuất phát từ lo ngại điều kiện thời tiết khô và nóng ở Midwest sẽ quay trở lại. Ngoài ra mô hình thời tiết La Nina có nguy cơ sẽ quay trở lại trong vài tháng tới khiến cho mùa vụ ngô niên vụ 21/22 có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề tương tự như trong niên vụ hiện tại. Thông tin này đã góp phần lớn cho đà tăng của ngô trong phiên tối qua. Các số liệu về ethanol trong báo cáo mới nhất của EIA không có quá nhiều tác động tới giá ngô.
Lúa mì là mặt hàng dẫn đầu với mức tăng mạnh nhất nhóm nông sản trong phiên hôm qua. Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp, nông dân Nga đã thu hoạch 11.9 triệu tấn ngũ cốc niên vụ 2020/21 tính đến ngày 13/07, thấp hơn 48% so với mức 22.9 triệu tấn cùng kỳ năm trước. Thông tin này cùng với thời tiết hạn hán khắc nghiệt đang diễn ra tại các khu vực gieo trồng ở Canada và Mỹ đã khiến gia tăng lo ngại về nguồn cung toàn cầu trong thời gian sắp tới và hỗ trợ mạnh cho giá lúa mì.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Cà phê trên hai sàn đóng cửa đồng loạt tăng. Giá Arabica New York kỳ hạn tháng 9 tăng 2.86% lên 156.6 cents/pound, giá Robusta Luân Đôn tăng 2.62% lên 1762 USD/tấn. Diễn biến của đồng USD là yếu tố ảnh hưởng mạnh tới giá Cà phê trong hai phiên gần đây. Chỉ số Dollar Index giảm mạnh còn 92.3 điểm làm gia tăng sức hấp dẫn của các mặt hàng Cà phê. Tuy nhiên, giá Robusta có thể được hỗ trợ nhiều hơn trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ tại Việt Nam và Indonesia làm dấy lên nỗi lo nguồn cung. Bên cạnh đó, nhiều nước ở khu vực châu Âu tái áp đặt giãn cách khiến cho nhu cầu tiêu thụ Arabica trong thời gian tới có thể giảm mạnh.

Giá dầu cọ Malaysia tiếp tục tăng 1.11% lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tháng, sau khi Hiệp hội dầu cọ Indonesia (GAPKI) cho biết, xuất khẩu dầu cọ trong tháng 5 của nước này đạt 2.95 triệu tấn, cao hơn 12% so với tháng 4 và tồn kho dầu cọ đã giảm 7.7% trong tháng 5, xuống chỉ còn 2.884 triệu tấn.
Giá bông tăng mạnh 1.5% khi thị trường cho rằng Bộ Nông nghiệp đang đánh giá sai về triển vọng mùa vụ năm nay. Việc mưa nhiều tại một số bang miền nam trong tháng trước do ảnh hưởng bởi bão đang làm bộ rễ cây tại đây trở nên nông hơn mức bình thường, có thể gây ra những thiệt hại năng suất trong thời gian tới.
KIM LOẠI
Sắc xanh quay trở lại với thị trường kim loại quý, giá Bạc đóng cửa tăng 0.5% lên 26.27 USD/ounce, giá Bạch kim cũng tăng 1.52% lên 1128 USD/ounce. Đà tăng được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD và trái phiếu chính phủ Mỹ. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kì hạn 10 năm giảm mạnh về 1.351%. Các chỉ số PPI được công bố hôm qua đạt mức cao kỷ lục khiến nỗi lo lạm phát quay trở lại với thị trường. Trong phiên điều trần trước Quốc hội, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại sẽ được duy trì để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và phục hồi thị trường lao động. Nhờ vậy, vai trò trú ẩn của các kim loại quý được củng cố trở lại trong bối cảnh FED sẵn sàng để mức lạm phát cao.

Ở thị trường kim loại cơ bản, giá Đồng và Quặng sắt đồng loạt lao dốc. Giá Đồng đóng cửa với sắc đỏ phiên thứ 3 liên tiếp bằng mức giảm 0.92% về 4.26 USD/pound. Đà tăng của Đồng có dấu hiệu chững lại trong thời gian gần đây, trước các nỗ lực kiểm soát giá của chính phủ Trung Quốc. Các quỹ đầu cơ lớn cũng có dấu hiệu dịch chuyển dòng tiền ra khỏi thị trường khi số lượng vị thế mua ròng chỉ tăng trưởng bằng một nửa so với tháng 5. Giá Quặng sắt cũng giảm nhẹ 0.15% về 209.92 USD/tấn. Nhu cầu tiêu thụ thép cao vẫn là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của giá, tuy nhiên các chính sách của Chính phủ Trung Quốc cũng gây sức ép rất nhiều tới các hoạt động sản xuất thép khiến cho các nhà đầu tư khó xác định được triển vọng của thị trường. Do đó, dòng vốn đổ vào thị trường cũng không còn mạnh mẽ như thời gian trước.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu giảm mạnh ngày hôm qua khi khả năng OPEC+ tăng dần sản lượng. Kết thúc phiên giao dịch, WTI giảm 2.82% xuống 73.13 USD/thùng, Brent giảm 2.26% xuống 74.76 USD/thùng. Đây là mức giảm trong ngày mạnh nhất kể từ tháng 5.

Tối hôm qua, UAE đã đạt được thoả thuận để nâng mức tính cơ sở sản lượng từ 3.168 triệu thùng/ngày lên 3.65 triệu thùng/ngày. Một số thành viên khác như Iraq đã có động thái đòi hỏi tăng sản xuất như UAE, khiến cho thị trường lo ngại sản lượng của OPEC+ sẽ tăng mạnh hơn mức 400,000 thùng/ngày đưa ra trong thoả thuận ban đầu. Trong khi đó, bất chấp tồn kho dầu thô giảm mạnh hơn dự kiến trong 8 tuần liên tiếp, việc tồn kho xăng, diesel tăng lên trong khi công suất lọc dầu giảm làm dấy lên đồn đoán nhu cầu xăng dầu tại Mỹ đã đạt đỉnh và sẽ dần đi xuống.
Tiếp tục tác động tiêu cực lên giá dầu là lo ngại về dịch COVID-19. Một loạt các quốc gia như Pháp, Hàn Quốc thắt chặt các biện pháp chống dịch. Số khácnhuw Israel, Singapore chuyển sang “sống chung” với dịch, chấp nhận rằng dịch sẽ không biến mất, phần nào chấp nhận cuộc sống trước dịch COVID-19 sẽ khó trở lại.
Giá khí tự nhiên giảm 0.97% xuống 3.66 USD/MMBtu, giá xăng giảm 1.07% xuống 2.29 USD/gallon theo đà giảm của dầu thô.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)