NÔNG SẢN
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá toàn bộ các mặt hàng trong nhóm nông sản đồng loạt tăng mạnh trở lại sau khi giảm rất sâu trong phiên trước đó.
Giá đậu tương đóng cửa lấy lại 1 nửa những gì đã mất trong phiên trước đó, và tăng xấp xỉ 5% lên mức 1396.00 cent/giạ. Lực mua đã áp đảo trong suốt phiên sáng và đầu phiên tối, sau khi đậu tương trải một trong những phiên giảm sâu nhất lịch sử vào ngày thứ Năm, đã tìm cách đẩy giá vượt trở lại mức kháng cự tâm lý 1400.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Mỹ (CPC) công bố các dữ liệu về tình hình thời tiết trong tháng Bảy, lo ngại về khô hạn khi nhiệt độ cao hơn mức trung bình bao phủ phần lớn khu vực phía bắc Midwest, ảnh hưởng đến hầu hết các khu vực gieo trồng ngô, đậu tương và đặc biệt là lúa mì, là yếu tố chính tác động “bullish” đến giá các mặt hàng nông sản trong phiên hôm qua.
Giá ngô cũng lấy lại một nửa những gì đã mất sau phiên giảm kịch sàn hôm thứ Năm, trong khi giá lúa mì lấy lại được toàn bộ nhờ việc các quốc giá nhập khẩu chính tích cực mua hàng, do giá đã được điều chỉnh về mức thấp nhất 3 tuần.
Dầu đậu tương chỉ phục hồi nhẹ gần 3% sau 2 phiên sàn liên tiếp, do tâm lý chốt lời của giới đầu tư bán khống cùng với sự hỗ trợ từ giá đậu tương. Lo ngại về việc liên đoàn công nhân hàng hải và công đoàn tiếp nhận ngũ cốc Urgara đình công trong ngày hôm qua, cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực cho mức tăng mạnh của dầu đậu tương và khô đậu tương.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá cà phê Arabica và cà phê Robusta đồng loạt phục hồi nhẹ, nhờ ảnh hưởng tích cực từ mức tăng của nhóm nông sản. Các nhà máy rang xay cà phê tại Mỹ đang tranh giành nhau để đảm bảo nguồn cung sau khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn tại Colombia, và trong bối cảnh nền kinh tế dần mở cửa trở lại. Trong khi đó tại Việt Nam, số ca nhiễm mới có chiều hướng gia tăng, đang là yếu tố hỗ trợ cho giá Robusta thế giới.
Đồng Dollar tiếp tục tăng mạnh phiên thứ 4 liên tiếp, là yếu tố gây sức ép lên giá cacao, tuy nhiên lực mua hỗ trợ ở vùng giá 2300 đã giúp cho giá chỉ giảm nhẹ trong phiên cuối tuần. Giá bông tăng nhẹ cũng nhờ lực kéo từ mức tăng chung của nhóm nông sản, nhưng thời tiết các vùng trồng bông được dự báo sẽ không có bất lợi nào, khiến cho mặt hàng này chỉ tăng không đáng kể 0.3%.
Bất chấp sự phục hồi của giá dầu thô trong phiên cuối tuần, Dollar Index vượt 92 đã đẩy giá đường thô về mức thấp nhất 2 tháng, và đây đã là phiên giảm thứ 7 liên tiếp của mặt hàng này, với tổng cộng giá đã mất hơn 7% từ đầu tháng 6 đến nay.
KIM LOẠI
Hầu hết các mặt hàng kim loại đều giảm trong phiên cuối tuần do diễn biến trái chiều với đồng Dollar. Giá vàng có phiên sụt giảm thứ 6 liên tiếp với mức giảm 0.56% về 1763.34 USD/ounce, gây sức ép lớn lên giá bạch kim.
Giá bạc được hỗ trợ bởi đường trung bình động MA200, giúp giá vẫn được sắc xanh. Nên kinh tế Mỹ đang dần phục hồi cũng sẽ hỗ trợ phần nào cho giá bạc khi nhu cầu với trang sức tăng trở lại.
Giá đồng tiếp tục suy yếu nhẹ trong phiên cuối tuần, xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng. Lo ngại về việc Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ và Trung Quốc đang đẩy mạnh bán hàng trong kho dự trữ quốc gia để bình ổn giá, đang gây sức ép lên giá các kim loại cơ bản nói chung và đồng nói riêng. Đây cũng là tuần giảm mạnh nhất của giá đồng kể từ tháng 3 năm ngoái, với mức giảm lên đến gần 10%.
NĂNG LƯỢNG
Giá dầu đồng loạt tăng trở lại trong phiên cuối tuần, sau khi đã giảm rất mạnh trong suốt nửa đầu phiên, nhờ thông tin các nước OPEC sẽ tìm cách hạn chế gia tăng sản lượng để kiềm chế việc Mỹ có thể đẩy mạnh sản xuất dầu đá phiến trong năm 2022.
Trong khi có sự nhất trí chung về tăng trưởng nguồn cung hạn chế của Mỹ trong năm nay, một nguồn tin trong ngành cho biết dự báo cho năm 2022, sản lượng dầu đá phiến Mỹ dao động trong khoảng tăng trưởng từ 500,000 đến 1.3 triệu thùng/ngày.
Giá dầu cao hơn đã thúc đẩy một số công ty năng lượng Mỹ quay trở lại giếng khoan. Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu (một chỉ báo sớm về sản lượng trong tương lai) đã tăng thêm 8 trong tuần này lên 373 giàn, cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020.