NÔNG SẢN
Lúa mì Chicago đóng cửa tăng 3.6% lên mức 796.50 cents/giạ còn lúa mì Kansas tăng 3.53% lên 800.00 cents/giạ. Như vậy, cả 2 mặt hàng lúa mì này đều đã tăng đến hơn 50 cents chỉ sau 2 ngày, xóa đi phần lớn mức giảm tích lũy trong gần 3 tuần trước đó.
Đà tăng của giá lúa mì kết hợp với lo ngại về lũ lụt ở các vùng gieo trồng của Argentina do mưa lớn cũng giúp cho giá ngô tăng mạnh gần 2%, lên mức 610.50 cents/giạ. Xuất khẩu ngô của Ukraine trong tháng 12 tăng 23% so với tháng 11 lên gần 5 triệu tấn, cũng góp phần tác động tích cực đến giá.
Tương tự với ngô, tình trạng thời tiết không thuận lợi ở Nam Mỹ cũng giúp đậu tương tăng mạnh 30 cents lên mức 1391.25 cents/giạ. Trong khi đó, đà tăng của dầu thô cùng diễn biến tích cực của đậu tương đã đẩy giá dầu đậu vượt lên trên mức kháng cự tâm lý 60 cents và đóng cửa ở mức 60.76 cents/pound, cao nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái đến nay.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3 tăng mạnh 2% lên 244.4 cents/pound, mức cao nhất trong vòng 1.5 tháng. Hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn tăng 1.4% lên 2225 USD/tấn. Bất chấp các tin tức tích cực về nguồn cung của Báo cáo CONAB và số liệu xuất khẩu của Brazil, giá hai mặt hàng cà phê dường như không chịu quá nhiều sức ép bán trong phiên hôm qua.
Giá bông tăng 2.4% lên 123.95 cents/pound, đây cũng là mức đỉnh 10 năm mới. Thị trường đang kỳ vọng nhu cầu bông sẽ tăng mạnh, trong bối cảnh Hiệp hội Bông Ấn Độ cắt giảm dự báo sản lượng của nước này khoảng 3.3% do tác động của mưa lớn trong giai đoạn thu hoạch.
Cả hai mặt hàng đường tiếp tục tăng, với giá đường 11 đóng cửa cao hơn 2.2% và lấy lại mốc 19 cents/pound, trong khi giá đường trắng chỉ nhích nhẹ lên 510 USD/tấn. Khoảng cách giữa hai Sở vẫn lớn nên dòng vốn đang ưu tiên cho thị trường đường 11 hơn.

KIM LOẠI
Giá bạc tăng 3.2% lên 24.2 USD/ounce, giá bạch kim đóng cửa cao hơn 5% và lấy lại mức 1000 USD. Cả hai mặt hàng đều đang ở mức cao nhất trong vòng 3 tháng. Ngoài những lo ngại lạm phát trong ngắn hạn, dòng vốn đang dịch chuyển khỏi các thị trường đầu tư rủi ro trong giai đoạn lần này đang hỗ trợ rất tốt đối với giá bạc và bạch kim.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, lực mua cũng giúp cho toàn bộ các mặt hàng đóng cửa tăng giá. Giá đồng tăng mạnh 2% lên 4.47 USD/pound, giá quặng sắt tăng gần 3% lên mức 130.5 USD/tấn. Bất chấp triển vọng kém khả quan của Trung Quốc và nhu cầu tiêu thụ giảm dần khi kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán đang đến gần, giá cả hai mặt hàng vẫn tăng khi các nhà đầu tư “đặt cược” vào hiệu quả của các chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Trung ương.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.14% lên 85.8 USD/thùng, giá Brent tăng 1.06% lên 88.44 USD/thùng.
Dầu thô tăng rất mạnh từ phiên sáng và đặc biệt là sau báo cáo tháng 1 của Tổ chức Năng lượng Quốc tế IEA nâng triển vọng tiêu thụ nhu cầu dầu thô thế giới trong năm 2021 và 2022 thêm 200,000 thùng/ngày do tác động không đáng kể của Omicron lên thị trường dầu trong quý IV năm ngoái.
Trong khi đó, các sự cố về nguồn cung liên tiếp xẩy ra từ đầu năm như vụ cháy tại đường ống dẫn dầu của Iraq càng thúc đẩy tâm lý tích cực trên thị trường. Hiện tại, các ngân hàng đầu tư như Goldman Sachs, UBS đều đã nâng dự báo giá dầu Brent trong năm nay lên mức 90-100 USD/thùng.
Tuy vậy, với báo cáo sáng nay của API cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ đã tăng trở lại 1.4 triệu thùng, và tồn kho xăng cũng tăng mạnh 3 tuần liên tiếp có thể sẽ trở thành yếu tố khiến cho giá điều chỉnh trong sáng nay.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV