NÔNG SẢN
Dầu đậu tương dẫn đầu mức tăng với gần 8%, nhờ ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá dầu thô, và lo ngại về nguồn cung dầu thực vật eo hẹp trên toàn cầu khi chính phủ Indonesia có kế hoạch hạn chế xuất khẩu dầu cọ.
Giá lúa mì Chicago tăng hơn 5% lên mức 780 cents/giạ, còn giá lúa mì Kansas tăng 6.5% lên mức 793.25 cents/giạ.
Ảnh hưởng tích cực từ diễn biến của giá lúa mì, kết hợp với số liệu bán hàng của Mỹ khá tích cực và sản lượng ethanol tăng mạnh trở lại, giá ngô cũng tăng 20 cents trong tuần vừa rồi, lên mức 616.25 cents/giạ.
Đối với đậu tương, với 3 trên 4 phiên đóng cửa trong sắc xanh, đậu tương đã tăng mạnh hơn 3% trong tuần trước do được hỗ trợ từ diễn biến của dầu đậu.
Ở hướng ngược lại, khô đậu tương là mặt hàng duy nhất giảm trong nhóm nông sản tuần vừa rồi, do áp lực trái chiều từ mức tăng rất mạnh của dầu đậu.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica giảm gần 1% về 237.9 cents/pound sau hai tuần đóng cửa trong sắc xanh, trái lại, giá Robusta giảm 0.7% về 2213 USD/tấn và cũng là tuần giảm thứ ba liên tiếp. Các yếu tố hỗ trợ cho giá Robusta gần như không còn, bởi nguồn cung trên thế giới đã ổn định trở lại nhờ việc Việt Nam sắp hoàn thành vụ thu hoạch. Đối với thị trường Arabica, đà tăng của giá đã yếu dần và đang có xu hướng tích lũy trong tuần vừa rồi.
Trái ngược với giá cà phê, giá bông và đường đều có một tuần tăng rất tốt. Đáng chú ý, giá bông tăng tuần thứ 7 liên tiếp với mức giá đóng cửa cao hơn gần 1% lên 120.8 cents/pound.
Trên thị trường đường, giá đường trắng tăng 0.6% lên 505.4 USD/tấn, giá đường 11 tăng mạnh 3.2% nhưng vẫn chưa lấy lại mốc 19 cents.
KIM LOẠI
Cả bạc và bạch kim đều có một tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2021 đến nay. Sự suy yếu của các thị trường đầu tư rủi ro đang giúp cho vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư.
Đối với các mặt hàng kim loại cơ bản, giá đồng có mức tăng trung bình khá 2.3% lên 4.52 USD/pound, tuy nhiên, đây là mức giá đóng cửa tuần cao nhất kể từ giữa tháng 10 đến nay. Giá quặng sắt cũng tăng trở lại nhờ yếu tố này và đóng cửa tuần cao hơn 8.6% lên gần 140 USD/tấn. Dư địa tăng giá của thị trường quặng sắt đang tốt hơn so với thị trường đồng, bởi giá đồng vẫn đang gần mức đỉnh cao nhất mọi thời đại, còn giá quặng sắt vẫn thấp hơn 40% so với mức đỉnh cũ. Ngoài ra, giá Nikel và thiếc cũng có một tuần tăng mạnh bởi mức tồn kho sụt giảm mạnh ở Sở Thượng Hải.
NĂNG LƯỢNG
Giá WTI tháng 3 tăng 2.09% lên 84.14 USD/thùng trong khi giá Brent tháng 4 tăng 2.03% lên 87.08 USD/thùng.
Mặc dù tình hình chính trị tại Libya và Kazakhstan đã giảm bớt căng thẳng và phần nào giúp cho sản lượng khai thác dầu tại các khu vực này ổn định trở lại, tuy nhiên căng thẳng gia tăng ở phía Nga - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO do Mỹ đứng đầu đã trở thành yếu tố hỗ trợ chính cho đà tăng của giá trong tuần vừa rồi. Các cuộc đối thoại giữa các bên không đưa ra được nhiều tiến bộ, khiến cho Tổng thống Mỹ Biden dự đoán Nga sẽ thật sự tiến quân vào Ukraine, đồng thời đưa ra các đe dọa về biện pháp trừng phạt kinh tế.
Giá dầu chỉ chịu áp lực nhẹ trong 2 phiên cuối do lực bán chốt lời kết hợp với báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho biết tồn kho dầu thô tăng trở lại lần đầu tiên sau 7 tuần.