NÔNG SẢN
Dẫn đầu mức tăng của toàn nhóm nông sản là lúa mì, với gần 50 cents cao hơn mức đóng cửa của cuối tuần trước được ghi nhận ở cả lúa mì Kansas lẫn lúa mì Chicago. Con số này tương đương với mức tăng xấp xỉ 6%, cao nhất theo ngày trong vòng 3.5 năm trở lại đây.
Đà tăng của lúa mì kéo theo mức tăng hơn 3% của giá ngô, lên đóng cửa ở mức 672.50 cents/giạ, cao nhất kể từ tháng 06 năm ngoái đến nay. Giao hàng ngô trong tuần kết thúc ngày 17/02 đạt mức 1.58 triệu tấn, tăng gần 10% so với 1 tuần trước đó, và đã vượt lên trên tốc độ giao hàng của cùng kỳ năm ngoái.
Đối với tổ hợp đậu tương, mức tăng mạnh của dầu thô và đặc biệt là dầu cọ, trong bối cảnh nguồn cung dầu thực vật đang eo hẹp, khiến cho dầu đậu tương tăng vọt 3.62% lên trên mức kháng cự tâm lý 70 cents.
Diễn biến này của dầu đậu, cùng với thời tiết khô hạn chưa được cải thiện ở Nam Mỹ gây ra lo ngại về nguồn cung đậu tương, cũng giúp cho giá đậu tương của Mỹ tăng mạnh gần 2% lên mức 1635.00 cents/giạ, cao nhất kể từ tháng 05 năm ngoái đến nay.
Áp lực trái chiều với giá dầu đậu và lực cản từ mức kháng cự quan trọng 450 USD khiến cho giá khô đậu chỉ tăng khiêm tốn hơn 1% trong phiên hôm qua.
NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng trở lại với hợp đồng Arabica tháng 6 tăng nhẹ 0.51% lên 247.25 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn đóng cửa cao gần 1.2% lên mức 2260 USD/tấn. Sức ép nguồn cung trong ngắn hạn vẫn là yếu tố đưa sức mua quay trở lại với thị trường cà phê. Mức tồn kho cà phê Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE US giảm 12,000 bao về dưới 1 triệu bao và vẫn là mức thấp nhất kể từ tháng 1/2000. Giá Arabica tăng nhẹ kéo theo giá Robusta cũng đóng cửa trong sắc xanh, tuy nhiên lực mua trên thị trường Robusta lớn hơn do mức chênh lệch giá giữa hai Sở hiện đang lên tới gần 60%.
Thị trường đường cũng lấy lại sắc xanh, với hợp đồng đường 11 tháng 5 tăng 1.53% lên khoảng 17.9 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn tăng 1.69 lên 494.3 USD/tấn.
Trái lại, giá bông suy yếu 0.72% về 120.29 cents/pound. Sau chuỗi giảm điều chỉnh vừa qua, giá bông đang cho thấy tín hiệu đi ngang và giằng co xung quanh mức 120 cents.
KIM LOẠI
Sắc xanh vẫn áp đảo trên bảng giá của các mặt hàng kim loại, nhưng diễn biến trái chiều vẫn xuất hiện giữa nhóm kim loại quý và một số mặt hàng kim loại cơ bản. Giá bạc nối dài đà tăng với mức đóng cửa cao hơn 1.3% lên 24.311 USD/ounce, giá bạch kim cũng tăng gần 1% lên 1086 USD/ounce. Đồng USD suy yếu cùng với việc dòng vốn tiếp tục rời khỏi thị trường chứng khoán là yếu tố hỗ trợ rất nhiều cho giá của hai mặt hàng kim loại quý. Vai trò trú ẩn của bạc và bạch kim được đề cao trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine không ngừng leo thang. Bên cạnh đó, giá bạc và bạch kim vẫn giữ được đà tăng mặc dù giá vàng giảm bởi hai kim loại này chưa chịu áp lực bán chốt lời và điều chỉnh như giá vàng.
Trái lại, giá đồng và quặng sắt đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ. Giá đồng giảm phiên thứ tư liên tiếp với mức đóng cửa thấp hơn 0.2% về 4.5105 USD/pound. Nguồn cung đồng không chỉ ở Trung Quốc mà trên thế giới hiện đang ổn định và đang có xu hướng tích lũy tăng dần, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ không tăng cùng tốc độ khiến cho áp lực bán nhiều hơn trên thị trường đồng. Giá quặng sắt cũng giảm 2.31% về 136.66 USD/tấn.
NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.88% lên 91.91 USD/thùng trong khi Brent tăng 0.92% lên 93.85 USD/thùng.
Dầu thô tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên, với các áp lực trên thị trường quốc tế gia tăng sau khi Nga công nhận 2 khu vực ly khai khỏi Ukraine là Donetsk và Luhansk thành 2 quốc gia độc lập. Ngay lập tức Nga đối mặt với các đe dọa cấm vận của Mỹ và các nước châu Âu và điều này đẩy WTI test lại mốc 95 USD/thùng. Tuy vậy, thất bại trong việc phá vỡ các kháng cự, kết hợp với các tiến triển của vòng đàm phán hạt nhân giữa Iran và các nước phương Tây gây áp lực lên giá. Trong tình hình giá dầu tăng cao, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đang nỗ lực để đảm bảo nguồn cung thay thế trong trường hợp ngừng nhập khẩu dầu từ Nga.
Giá khí tự nhiên tăng 1.92% lên 4.461 USD/MMBTu khi căng thẳng Nga với các nước châu NATO gia tăng.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV