NÔNG SẢN
Ngô đóng cửa giảm không đáng kể chỉ 1 cents, về mức 620 cents/giạ. Đậu tương tăng nhẹ 0.3% lên mức 1407.25 cents/giạ còn khô đậu giảm nhẹ 0.48% xuống 392 USD/tấn Mỹ.
Đối với lúa mì, chất lượng lúa mì vụ đông tại Mỹ tiếp tục suy giảm trong báo cáo Crop Progress gần nhất tại các bang gieo trồng chính. Cụ thể, Kansas giảm từ 33% xuống còn 30% tốt – tuyệt vời, Oklahoma giảm từ 20% xuống 16%, còn Colorado giảm từ 25% xuống 20%. Tác động “bullish” từ các số liệu trên giúp giá lúa mì vẫn giữ được mức tăng trên 2% phiên thứ 2 liên tiếp.
Đà phục hồi mạnh gần 3% của giá dầu thô trong phiên hôm qua đã giúp giá dầu đậu tương giữ được mức tăng gần 1% khi kết thúc phiên, lên 62.51 cents/pound.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3 tăng 2% lên 237.9 cents/pound, còn hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn cũng tăng 1.8% lên 2237 USD/tấn. Sức ép bán trên thị trường cà phê gần đây xuất phát từ việc tâm lý các nhà đầu tư bị ảnh hưởng do đợt bán tháo của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ cà phê đang được kỳ vọng sẽ hồi phục đã giúp cho cả hai mặt hàng cà phê nhận được lực mua.
Giá bông tăng nhẹ 0.5% lên 120.92 cents/pound. Triển vọng tiêu thụ của thị trường bông vẫn rất sáng sủa khi mà nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc liên tiếp tăng trơng thời gian gần đây.
Trái lại, sắc đỏ vẫn duy trì trên thị trường đường. Hợp đồng đường 11 tháng 3 giảm 0.2% còn 18.8 cents/pound, hợp đồng đường trắng gần như không thay đổi quá nhiều, đóng cửa giảm nhẹ 0.1% về 504 USD/tấn. Dù giá dầu thô tăng trở lại trong phiên hôm qua, nhưng giá đường không được hỗ trợ quá nhiều, bởi triển vọng thu hoạch mía ở Ấn Độ, Thái Lan và Brazil đều rất tốt.

KIM LOẠI
Giá bạc tăng 0.4% lên 23.9 USD/ounce, giá bạch kim tăng 0.5% lên 1025.5 USD/ounce. Dòng vốn vẫn tiếp tục “tháo chạy” khỏi các thị trường đầu tư rủi ro, và được phân bỏ một phần vào thị trường kim loại quý bởi các nhà đầu tư đang rất lo lắng trước những chính sách tiền tệ thắt chặt của FED. Nếu trong cuộc hợp sắp tới, Chủ tịch FED Jerome Powell thông báo sẽ tăng lãi suất nhiều hơn 3 lần để đối phó với mức lạm phát cao kỷ lục trong vòng 4 thập kỷ, thì các thị trường tài chính sẽ tiếp tục rung lắc rất mạnh.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng 0.9% lên 4.45 USD/pound. Giá giảm khá mạnh trong phiên sáng, và đã có lúc về tới 4.39 USD, bởi các nhà đầu tư châu Á gia tăng sức ép bán trên thị trường, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc giảm dần, và tồn kho ở các tỉnh và ngoại quan tăng lên. Giá quặng sắt tăng hơn 3% lên 137.3 USD/tấn nhờ những kỳ vọng rằng nhu cầu tiêu thụ sẽ phục hồi mạnh mẽ sau khi Thế vận hội mùa đông và kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán kết thúc.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 2.75 % lên 85.60 USD/thùng trong khi giá Brent tăng 2.05% lên 87.18 USD/thùng. Giá tăng vượt qua cả mức giảm của phiên trước.
Dầu thô biến động tương đối mạnh trong phiên và dao động xung quanh vùng giá đóng cửa. Một mặt, dầu thô và các tài sản rủi ro khác chịu sức ép do các ngân hàng trung ương như Singapore đột ngột tăng lãi suất mà không thông qua kế hoạch trước, mở ra khả năng FED sẽ đưa ra hành động tương tự trong cuộc họp ngày hôm nay. Có thể nói đây là một trong những rủi ro lớn nhất trên thị trường tài chính hiện tại, do đó dầu thô cũng không tránh khỏi áp lực chung. Tuy vậy, giá vẫn được hỗ trợ vào phía cuối phiên khi các căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Thông tin sáng nay của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu thô đã giảm trở lại khoảng 872,000 thùng là một tín hiệu tích cực đối với thị trường. Như vậy, 2 trong 3 tuần gần đây tồn kho dầu thô thương mại đều giảm, ngược với xu hướng trong tháng 1 hàng năm.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV