NÔNG SẢN
Giá lúa mì giảm trở lại trong phiên sáng để lấp đầy “khoảng gap” do áp lực từ mức tăng của đồng Dollar, tuy nhiên giá một lần nữa vọt lên vào cuối phiên và đóng cửa ở ngay vùng kháng cự tâm lý 800 cents.
Đà tăng mạnh của lúa mì kết hợp với đơn hàng lớn 150,000 tấn ngô Mỹ bán cho một quốc gia giấu tên, cũng giúp cho giá ngô tăng 0.77% lên mức 621 cents.
Thời tiết được cải thiện ở Nam Mỹ cũng gây sức ép lên cả 2 mặt hàng ngô và đậu tương, tuy nhiên số liệu giao hàng đáng thất vọng của đậu tương Mỹ trong tuần kết thúc ngày 20/01, khi thấp hơn khoảng dự đoán, đã khiến mặt hàng này giảm 0.8% về 1403 cents/giạ.
Sản lượng dầu cọ tại Malaysia và Indonesia dự báo sẽ tăng lên trong năm nay, cùng với đà suy yếu mạnh của giá dầu thô thế giới đã khiến dầu cọ giảm 1.16%, qua đó cũng kéo theo giá dầu đậu tương giảm mạnh hơn 1 cents về mức 61.97 cents/pound. Trong khi đó, diễn biến trái chiều giữa khô đậu và dầu đậu đã giúp giá khô đậu phục hồi nhẹ 0.3%, sau khi đã giảm khá mạnh trong tuần trước.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 3 giảm 2.1% còn 233 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn tiếp tục giảm gần 1% và đánh mất mốc 2200 USD/tấn. Thị trường không có các tin tức hỗ trợ nên giá cà phê rất “nhạy cảm với các yếu tố tiêu cực”, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Trong khi giá Arabica đang trong giai đoạn giảm điều chỉnh, thì giá Robusta đang dần tích lũy đi ngang từ 2180 – 2230 USD/tấn.
Giá bông giảm nhẹ 0.3% về 120.4 cents/pound và cũng là phiên giảm thứ ba liên tiếp. Tương tự như thị trường Arabica, thị trường bông cũng đang trong giai đoạn giảm điều chỉnh, và đây là điều cần thiết để đà tăng được bền vững, vì giá vừa lập đỉnh 10 năm mới ở mức 125 cents/pound.
Hai mặt hàng đường tiếp tục giảm nhẹ với hợp đồng đường 11 tháng 3 giảm 0.5% còn 18.8 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn gần nhưng không đổi quá nhiều so với phiên trước đó, đóng cửa ở mức 504.5 USD/tấn.

KIM LOẠI
Đà tăng của hai mặt hàng kim loại quý đã chững lại khi giá bạc giảm 2.1% về 23.8 USD/ounce, giá bạch kim cũng giảm 1.4% về 1020 USD/ounce. Sự suy yếu của hai mặt hàng kim loại quý xuất phát từ các yếu tố vĩ mô và các chuyển động dòng vốn liên thị trường. Cả bạc và bạch kim đều không tránh khỏi lực bán mạnh trong phiên tối.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, thị trường cho thấy các tín hiệu bán chốt lời rõ rệt sau đà tăng tích cực vào cuối tuần trước. Giá đồng điều chỉnh 2.5% về 4.41 USD/pound. Giá sắt cũng đóng cửa thấp hơn gần 3% còn 133 USD/tấn. Trong bối cảnh mà triển vọng tiêu thụ đối với hai kim loại này đều không tích cực bởi Trung Quốc sắp bước vào kỳ nghỉ lễ và đang kiểm soát dịch gắt gao để đăng cai kỳ Thế vận hội mùa đông, giá của đồng và quặng sắt đều khó có thể bứt phá hoặc tăng mạnh. Đáng chú ý, giá niken trên Sở LME giảm mạnh nhất khi kết thúc phiên thấp hơn gần 7% còn 22404 USD/tấn.

NĂNG LƯỢNG
Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 2.15% xuống 83.3 USD/thùng, giá Brent giảm 1.84% xuống 86.27 USD/thùng.
Dầu thô duy trì sắc xanh trong phiên sáng do các căng thẳng kéo dài giữa phía Mỹ và Nga, với việc các bên gia tăng quan đội và các vụ diễn tập gần biên giới Đông Âu. Phía Mỹ cũng yêu cầu gia đình các nhân viên ngoại giao tại Ukraine về nước đề phòng chiến tranh. Tuy vậy, đến chiều, thất bại trong việc phá vỡ kháng cự kết hợp với tâm lý lo ngại rủi ro của thị trường tài chính chung trước phiên họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED đã khiến lực bán gia tăng mạnh mẽ.
Giá khí tự nhiên lấy lại sắc xanh trong cuối phiên sau thông tin châu Âu tìm cách đảm bảo nguồn cung trong trường hợp Nga cắt giảm lượng khí cho châu Âu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV