NÔNG SẢN
Giá lúa mì Chicago có phiên giảm thứ 4 liên tiếp với mức giảm lên đến hơn 4% về mức 787.25 cent/giạ. Tổng mức giảm trong 4 phiên này lên đến gần 10%, xóa đi toàn bộ mức tăng tích lũy trong tháng và khiến giá lúa mì kết thúc tháng 1 với mức tăng không đáng kể, chỉ 0.29%.
Giá đậu tương sụt giảm mạnh gần 2% phiên thứ 5 liên tiếp, về mức 1217.25 cent/giạ, bất chấp việc các nhà xuất khẩu tư nhân Mỹ thông báo một đơn hàng lớn 132,000 tấn trong báo cáo Daily Export Sales.
Dầu đậu tương cũng là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất trong nhóm nông sản trong tháng 11, với gần 10%, và đóng cửa ở mức 55.21 cent/pound. Qua đó, khiến giá đậu tương giảm 2.6% trong tháng 11, nhưng tác động trái chiều vẫn giúp giá khô đậu tăng hơn 3%, lên mức 341.8 USD/tấn Mỹ.
Đối với ngô, việc giá lúa mì suy yếu đã gây áp lực lớn lên mặt hàng này khiến giá sụt giảm gần 15 cents trong phiên giao dịch cuối tháng, về mức 567.50 cent/giạ, giảm nhẹ 1.5% so với mức đóng cửa của tháng 10.

NGUYÊN LIỆU CÔNG NGHIỆP
Giá Arabica giảm nhẹ 0.3% về 232.3 cents/pound, còn giá Robusta nhích nhẹ 0.1% và đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước đó 2260 USD/tấn. Hôm qua là ngày các quỹ đăng ký vị thế với cả hai Sở, nhưng từ mức thay đổi khiêm tốn này của giá có thể dự đoán được rằng các quỹ cắt giảm bớt số lượng vị thế mua.
Các quỹ có thể đã “mạnh tay” cắt giảm vị thế đối với mặt hàng bông khi giá giảm 4.5% còn 106.4 cents/pound.
Hợp đồng đường 11 tháng 3 giảm 3% còn 18.6 cents/pound, hợp đồng đường trắng cùng kỳ hạn giảm 2.43% còn 485.6 USD/tấn. Xu hướng tăng kéo dài 18 tháng đã bị phá vỡ khi giá đường 11 đánh mất mốc 19 USD còn giá đường trắng đã rơi khỏi mức 500 USD.

KIM LOẠI
Giá các mặt hàng kim loại quý giảm mạnh với giá bạc đóng cửa giảm về 22.8 USD/ounce, còn giá bạch kim giảm gần 4% còn 927 USD/ounce. Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết sẽ cân nhắc rút lại các gói hỗ trợ sớm trong bối cảnh áp lực lạm phát đang ngày một đè nặng lên người dân Mỹ.
Giá đồng giảm 1.4% về 4.28 USD/pound bởi các nhà đầu tư lo ngại về triển vọng tiêu thụ của mặt hàng này, bất chấp chỉ số PMI sản xuất mới nhất của Trung Quốc cho thấy hoạt động sản xuất của nước này đã hồi phục tốt trong tháng 11. Giá quặng sắt giảm nhẹ 0.4% còn 102 USD/tấn

NĂNG LƯỢNG
Giá WTI giảm 5.39% xuống 66.18 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 5.45% xuống 69.23 USD/thùng. Chỉ trong vòng 1 tháng, giá WTI đã giảm 19.08% và Brent giảm 16.14%, mức giảm lớn nhất trong năm nay.
Trong tháng này, giá dầu liên tiếp chịu các áp lực từ cả nguồn cung lẫn nhu cầu. Trước hết là việc Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn hợp tác với nhau để mở kho dự trữ chiến lược SPR để hạ nhiệt giá dầu, đồng thời gây áp lực ngoại giao lên OPEC+. Ngoài ra, việc Mỹ và Iran nối lại đàm phán hạt nhân sau một thời gian dài hoà hoãn cũng tác động tiêu cực lên tâm lý thị trường.

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV