Trên thị trường năng lượng, giá xăng dầu tại Mỹ tăng và dự báo nhu cầu dầu trong nửa cuối năm 2023 đi lên, trong khi nguồn cung từ Canada và OPEC+ mấy tuần gần đây giảm. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế phần nào bởi đồng USD mạnh hơn và thị trường chờ đợi tin tức cho các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 7 tăng 41 cent, tương đương 0,5%, lên 75,99 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 6 tăng 44 cent, tương đương 0,6%, lên 71,99 USD/thùng, trong khi hợp đồng giao tháng 7 (giao dịch nhiều hơn kỳ hạn tháng 6) tăng 0,5% lên 72,05 USD.
Giá xăng kỳ hạn của Mỹ là yếu tố thúc đẩy giá lớn nhất cho thị trường năng lượng khi đã tăng tới 2,8% lên mức cao nhất trong một tháng là 2,6489 USD/gallon.
Các nhà phân tích của công ty tư vấn năng lượng Ritterbusch và Associates cho biết: “Giá xăng
đã hỗ trợ giá dầu tăng trong ngày hôm nay, khi ngày lễ Tưởng niệm đang đến gần”.
Ngày lễ Tưởng niệm Mỹ đánh dấu sự khởi đầu của mùa lái xe mùa hè cao điểm.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo về tình trạng thiếu dầu sắp xảy ra trong nửa cuối năm khi nhu cầu dự kiến vượt nguồn cung gần 2 triệu thùng mỗi ngày.
Giám đốc điều hành cấp cao của Vitol cho biết châu Á sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng nhu cầu dầu khoảng 2 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm nay, mức tăng có khả năng dẫn đến thiếu hụt nguồn cung và đẩy giá lên cao.
Tuần trước, cả hai loại dầu chuẩn đều tăng khoảng 2%, là tuần tăng đầu tiên trong 5 năm sau khi các vụ cháy rừng làm gián đoạn nguồn cung dầu thô ở Alberta, Canada.
Thị trường cũng dần cảm nhận được tác động từ việc cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (được gọi là OPEC+) vốn đã bắt đầu có hiệu lực từ tháng này.
Sản xuất dầu ở khu vực Kurd của Iraq tiếp tục giảm khi dòng xuất khẩu đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ có ít dấu hiệu khởi động lại sau khi ngừng hoạt động kéo dài gần hai tháng.
Ngân hàng JP Morgan cho biết tổng xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu từ OPEC+ đã giảm 1,7 triệu thùng/ngày vào ngày 16/5, đồng thời cho biết thêm rằng xuất khẩu dầu của Nga có thể sẽ giảm vào cuối tháng Năm.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty dịch vụ tài chính OANDA cho biết: “Giá dầu thô đang ở mức thấp khi các nhà kinh doanh năng lượng đang tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra với cả các cuộc đàm phán về trần nợ và căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Quốc hội hàng đầu của Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy sẽ gặp nhau vào thứ Hai để thảo luận về việc nâng trần nợ của chính phủ liên bang, chỉ 10 ngày trước khi Mỹ có thể đối mặt với một vụ vỡ nợ chưa từng có.
Đồng đô la Mỹ tăng so với rổ các loại tiền tệ khác, gần sát mức cao nhất trong hai tháng, khi các nhà đầu tư chờ đợi các tín hiệu mới về việc liệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có khả năng tiếp tục tăng lãi suất hay không và theo dõi tin tức về trần nợ của Mỹ .
Đồng đô la mạnh hơn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ bằng cách làm cho nhiên liệu trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, cho biết việc ông sẽ bỏ phiếu tăng lãi suất hay tạm dừng chu kỳ thắt chặt của ngân hàng trung ương trong cuộc họp vào tháng tới là một "khả năng cao". Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí đi vay, có thể làm chậm nền kinh tế và giảm nhu cầu dầu mỏ.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm sau những bình luận từ hai quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong bối cảnh thị trường nỗ lực tìm kiếm những thông tin rõ ràng hơn xung quanh các cuộc đàm phán về trần nợ của Mỹ.
Kết thuc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.974,90 USD/ounce, vàng giao sau giảm 0,2% xuống 1.977,10 USD.
Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy dự kiến sẽ thảo luận về vấn đề trần nợ vào thứ Hai (22/5 theo giờ địa phương). Thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ cuộc gặp này để xem các bên liệu có đạt được giải pháp hay không.
Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết trong khi những lo ngại về khả năng các nhà lập pháp Mỹ không đạt được một thỏa thuận về trần nợ trước ngày 1/6 có thể khiến một số người tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn, thị trường dường như vẫn tin rằng sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính.
Ông Wyckoff cho biết các nhà giao dịch vàng thỏi cũng đang theo dõi chặt chẽ đồng đô la, đây là yếu tố chính dẫn đến việc thị trường vàng không có hứng thú mua trong thời gian gần đây.
Các nhà giao dịch đang chờ đợi biên bản cuộc họp mới nhất của Ủy ban thị trường mở liên bang Mỹ (FOMC) dự kiến công bố vào thứ Tư (24/5). Các thị trường dự báo có 68,6% cơ hội Fed giữ ổn định lãi suất vào tháng tới. Song vẫn có 31,4% khả năng ngân hàng trung ương này sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản.
Chủ tịch Fed tại Minneapolis, Neel Kashkari, nói với CNBC rằng "có thể (lãi suất của) chúng tôi phải vượt qua mức 6%" để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2% của Fed, trong khi Chủ tịch Fed tại St. Louis, James Bullard cho biết có thể cần phải tăng cao hơn về lãi suất chính sách. Vàng có xu hướng mất đi sức hấp dẫn trong môi trường lãi suất cao.
Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty dịch vụ tài chính OANDA, nhận định” Mức 1.960 USD/ounce vẫn là một vùng hỗ trợ quan trọng của giá vàng. Nếu giá vàng giảm mạnh xuống dưới mức này, đó có thể báo hiệu thị trường sắp trải qua giai đoạn điều chỉnh sâu hơn”.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,6% xuống 23,67 USD/ounce trong khi giá bạch kim tăng 0,6% lên 1.068,88 USD/ounce và palladium giảm 1,6% xuống 1.488,87 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm khi thị trường tập trung vào nhu cầu yếu đi tại nước tiêu thụ hàng đầu thế giới (Trung Quốc), nguồn cung tăng và tồn trữ tại London tăng.
Giá đồng trên sàn London giảm 1,3% xuống 8.144,5 USD/tấn. Giá đồng giảm xuống dưới mức trung bình 200 ngày hôm 11/5/2023 và kể từ đó giao dịch trong biên độ hẹp.
Dan Smith, trưởng bộ phận nghiên cứu của Amalgamated Metal Trading, cho biết: "Tháng 5 là tháng giao dịch chậm theo mùa đối với nhu cầu kim loại công nghiệp. Nhu cầu đồng có vẻ yếu, đơn đặt hàng từ các nhà máy sản xuất dây thép cũng kém". "Chúng tôi cũng đang chứng kiến sự gia tăng nguồn cung."
Công ty CMOC 603993.SS của Trung Quốc gần đây đã đạt được thỏa thuận về tiền bản quyền với công ty khai thác nhà nước của Cộng hòa Dân chủ Congo, mở đường cho việc xuất khẩu đồng trở lại.
Sản xuất đồng ở Peru đã tăng vọt trong tháng 3 khi các mỏ lớn hoạt động trở lại sau khi ngừng hoạt động do các cuộc biểu tình.
Dự trữ đồng trong kho của sàn LME đã tăng 80% kể từ giữa tháng 4 lên 92.250 tấn, làm giảm bớt lo lắng về nguồn cung trên thị trường LME và mở rộng mức chiết khấu cho hợp đồng giao ngay so với kỳ hạn 3 tháng lên khoảng 50 đô la một tấn.
Giá kim loại công nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc đàm phán trần nợ của Mỹ. Các nhà đầu tư lo ngại về khả năng chính phủ liên bang Mỹ chậm thanh toán nợ, điều này có thể gây ra tình trạng vỡ nợ và gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính.
Về những kim loại khác, giá kẽm giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 2% xuống 2.428,5 USD/tấn. Giá kẽm giảm xuống mức thấp nhất 2,5 năm (2.425 USD/tấn). Tính chung trong 4 tháng đầu năm 20223, giá kẽm giảm tổng cộng 30%. Giá nhôm phiên này giảm 0,8% xuống 2.265,50 USD, chì giảm 0,3% xuống 2.087 USD, thiếc giảm 2,4% ở mức 24.830 USD và niken tăng 0,3% ở mức 21.340 USD.
Giá sắt thép trên thị trường châu Á giảm do lo ngại về lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc. Kết thúc phiên, quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn Đại Liên giảm 2,7% xuống 716 CNY (103,59 USD)/tấn; quặng sắt kỳ hạn tháng 6/2023 trên sàn Singapore giảm 3,4% xuống 101,8 USD/tấn – thấp nhất kể từ ngày 15/5/2023.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây giảm 2,4%, thép cuộn cán nóng giảm 2,2%, thép cuộn giảm 2,3% và thép không gỉ giảm 0,3%.
Giá quặng sắt - nguyên liệu sản xuất thép - đã tăng 6% vào tuần trước tại Singapore, đánh dấu mức tăng hàng tuần lớn nhất trong 7 tuần, do hy vọng ngày càng tăng về các biện pháp kích thích chính sách để hỗ trợ nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc phục hồi kinh tế.
Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp có mục tiêu hơn để mở rộng nhu cầu trong nước và ổn định nhu cầu bên ngoài nhằm nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế bền vững, Thủ tướng Li Qiang được đài phát thanh nhà nước dẫn lời hôm thứ Năm.
Atilla Widnell, giám đốc điều hành của Navigate Commodities cho biết: “Một trong những vấn đề chính tác động đến thị trường do tâm lý nhà đầu tư đang cực kỳ mong manh trừ khi các nguyên tắc cơ bản sớm bắt kịp – điều này rất khó xảy ra vào lúc này”.
Tốc độ tăng giá nhà ở Trung Quốc chậm lại, cùng với dữ liệu tiêu cực tuần trước cho thấy hoạt động đầu tư và mua bán bất động sản giảm mạnh, đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng phục hồi của lĩnh vực bất động sản, động lực chính của nhu cầu thép và đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
"Chúng tôi dự đoán sản lượng thép ở Trung Quốc sẽ giảm trong những tháng tới do hoạt động xây dựng mới không tăng trưởng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu quặng sắt, cũng như sự gián đoạn nguồn cung giảm bớt", các chiến lược gia hàng hóa của ANZ cho biết trong một lưu ý.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương, ngô và lúa mì Mỹ đều tăng do hoạt động mua vào sau khi nguồn cung toàn cầu giảm.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 7/2023 tăng 1-1/4 US cent lên 6,06-1/4 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 7/2023 tăng 34 US cent lên 13,41-1/4 USD/bushel và giá ngô giao cùng kỳ hạn tăng 16-1/2 US cent lên 5,71 USD/bushel. Giá ngô đã tăng 3% - phiên tăng mạnh nhất trong 9 tháng và giá đậu tương tăng 2,6% - phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 12/9/2023.
Tuần trước, thỏa thuận về một kênh vận chuyển an toàn cho xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine đã được gia hạn thêm hai tháng, làm giảm bớt lo ngại về nguồn cung thế giới.
Một lô hàng khác khoảng 30.000 tấn lúa mì xuất xứ từ Liên minh châu Âu, được cho là từ Ba Lan, dự kiến sẽ được vận chuyển đến Mỹ vào tháng 6 hoặc tháng 7, các thương nhân châu Âu cho biết hôm thứ Hai.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn ICE tăng 0,21 US cent tương đương 0,8% lên 25,99 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn London tăng 2,9 USD tương đương 0,4% lên 712,9 USD/tấn.
Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) công bố thặng dư nguồn cung đường toàn cầu năm 2022/23 (từ tháng 10/2022 đến tháng 9/2023) giảm mạnh xuống 850.000 tấn từ mức 4,15 triệu tấn trong báo cáo hàng quý trước đó. Việc cắt giảm dự báo một phần dự báo do điều chỉnh giảm sản lượng tại Ấn Độ (32,8 triệu tấn từ mức 34,3 triệu tấn) và Thái Lan (xuống 11 triệu tấn từ mức 12,3 triệu tấn), mặc dù ISO chuyển tập trung sang nước xuất khẩu hàng đầu thế giới (Brazil).
Giá cà phê robusta trên sàn London tăng lên mức cao nhất 12 năm do nguồn cung thắt chặt được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng mạnh, trong khi giá cà phê arabica giảm.
Kết thúc phiên, cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn London tăng 41 USD, tương đương 1,6%, lên 2.629 USD/tấn, sau khi có lúc tăng lên mức cao nhất 12 năm, là 2.641 USD/tấn. Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn ICE giảm 2,8 US cent, tương đương 1,5%, xuống 1,892 USD/lb.
Các đại lý cho biết nguồn cung vẫn eo hẹp một phần do nhu cầu mạnh khi các nhà rang xay tăng tỷ lệ cà phê robusta trong hỗn hợp và cắt giảm sử dụng cà phê arabica đắt tiền hơn để giúp cắt giảm chi phí vào thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang khiến nhiều người tiêu dùng tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn.
Họ lưu ý rằng có rất ít cà phê còn lại từ vụ thu hoạch trước tại Việt Nam, quốc gia sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới, trong khi nguồn cung cà phê robusta mới thu hoạch từ Brazil vẫn chưa tiếp cận được thị trường toàn cầu với khối lượng đáng kể.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản giảm mạnh nhất 1 tháng do các đơn đặt hàng máy móc cốt lõi giảm gây ra mối hoài nghi về sự phục hồi. Giá dầu thô giảm cũng gây áp lực lên thị trường cao su.
Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 10/2023 trên sàn Osaka giảm 3 JPY, tương đương 1,41%, xuống 209,7 JPY (1,55 USD)/kg và có phiên giảm mạnh nhất kể từ ngày 27/4/2023; cao su kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 5 CNY lên 12.175 CNY (1.761,4 USD)/tấn; hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 6 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore giao dịch lần cuối ở mức 135,8 US cent/kg, giảm 0,2%.
Chỉ số Nikkei trung bình của Nhật Bản đóng cửa tăng 0,90%, là ngày thứ tám liên tiếp tăng lên mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 7 năm 1990.
Dự trữ cao su tại các kho do Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giám sát đã giảm 1,5% so với một tuần trước đó, sàn giao dịch cho biết hôm thứ Sáu.
Đơn đặt hàng máy móc cốt lõi của Nhật Bản tháng 3 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp, cho thấy các công ty thận trọng về chi tiêu vốn trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Giá dầu giảm khuyến khích các nhà sản xuất chuyển sang sử dụng cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ, gây áp lực lên thị trường cao su tự nhiên.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết ngân hàng trung ương kiên định với lập trường kiên nhẫn duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo, trấn an các thị trường rằng Nhật Bản sẽ là một ngoại lệ ôn hòa khi các nước ngang hàng trên toàn cầu chống lại lạm phát cao một cách ngoan cố.
Giá hàng hóa thế giới:

 

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

71,99

+0,44

+0,62%

Dầu Brent

USD/thùng

76,45

+0,46

+0,61%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

64.700,00

+1.310,00

+2,07%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,39

-0,01

-0,29%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

268,48

+3,59

+1,36%

Dầu đốt

US cent/gallon

237,98

+1,34

+0,57%

Dầu khí

USD/tấn

689,50

+6,50

+0,95%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

75.000,00

0,00

0,00%

Vàng New York

USD/ounce

1.984,40

-11,30

-0,57%

Vàng TOCOM

JPY/g

8.747,00

+10,00

+0,11%

Bạc New York

USD/ounce

23,74

-0,13

-0,53%

Bạc TOCOM

JPY/g

104,60

0,00

0,00%

Bạch kim

USD/ounce

1069,29

-1,13

-0,11%

Palađi

USD/ounce

1487,67

-3,59

-0,24%

Đồng New York

US cent/lb

369,85

+1,35

+0,37%

Đồng LME

USD/tấn

8.127,50

-124,00

-1,50%

Nhôm LME

USD/tấn

2.263,50

-20,00

-0,88%

Kẽm LME

USD/tấn

2.431,50

-47,50

-1,92%

Thiếc LME

USD/tấn

24.950,00

-501,00

-1,97%

Ngô

US cent/bushel

569,50

-1,50

-0,26%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

604,00

-2,25

-0,37%

Lúa mạch

US cent/bushel

316,25

+1,75

+0,56%

Gạo thô

USD/cwt

14,95

0,00

-0,03%

Đậu tương

US cent/bushel

1.340,00

-1,25

-0,09%

Khô đậu tương

USD/tấn

411,00

-1,20

-0,29%

Dầu đậu tương

US cent/lb

48,72

-0,05

-0,10%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

699,80

+2,40

+0,34%

Cacao Mỹ

USD/tấn

3.023,00

-45,00

-1,47%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

189,20

-2,80

-1,46%

Đường thô

US cent/lb

25,99

+0,21

+0,81%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

268,20

+10,00

+3,87%

Bông

US cent/lb

85,60

+0,28

+0,33%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

--

--

--

Cao su TOCOM

JPY/kg

134,60

-0,60

-0,44%

Ethanol CME

USD/gallon

2,16

0,00

0,00%

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)