Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm trong không khí giao dịch bấp bênh khi các nhà đầu tư bán chốt lời sau 2 ngày giá tăng liên tiếp trong bối cảnh thị trường tranh luận về tình trạng khan hiếm nguồn cung.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu thô Brent lúc đóng cửa giảm 37 cent, tương đương 0,5%, xuống 78,28 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 23 cent, tương đương 0,3%, xuống 72,97 USD.
“Các thị trường đang cố gắng tìm điểm cân bằng,” Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial cho biết, đồng thời lưu ý đến hoạt động mua vào ồ ạt của các quỹ trong hai ngày qua.
Về phía nguồn cung, những lo ngại về tình trạng thắt chặt sau khi kho dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ giảm và một số hoạt động xuất khẩu dầu của người Kurd ở Iraq bị tạm dừng đã được bù đắp một phần bởi việc Nga cắt giảm sản lượng ít hơn dự kiến.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết các kho dự trữ dầu thô của nước này bất ngờ giảm vào tuần trước, do các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động sau mùa bảo trì và nhập khẩu của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Dữ liệu của EIA cũng cho thấy dự trữ xăng giảm nhiều hơn dự kiến, cho thấy nhu cầu mạnh mẽ khi sắp bước vào mùa hè.
John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết: “Báo cáo EIA hôm nay là lạc quan, nhưng câu chuyện rộng lớn hơn cho thấy thị trường hiện đang gặp thách thức nhiều hơn là thuận lợi”.
Thông tin được đưa ra khi hàng tồn trữ bất ngờ giảm sau khi Iraq ngừng xuất khẩu 450.000 thùng dầu thô mỗi ngày từ khu vực bán tự trị người Krud ở phía bắc sau phán quyết của trọng tài.
Công ty dầu mỏ Na Uy DNO cho biết họ đã bắt đầu ngừng sản xuất tại các mỏ của mình ở Krud. Các mỏ Tawke và Peshkabir của công ty đạt sản lượng trung bình 107.000 thùng/ngày vào năm 2022, chiếm 1/4 tổng xuất khẩu của người Kurd.
Một cuộc khảo sát do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas công bố cho thấy hoạt động dầu khí của Mỹ bị đình trệ trong quý đầu tiên do sản lượng tăng chậm lại và triển vọng của các công ty khoan trở nên tiêu cực.
Tuy nhiên, mối lo ngại về nguồn cung đã giảm bớt khi có báo cáo rằng sản lượng dầu của Nga đã giảm khoảng 300.000 thùng/ngày trong ba tuần đầu tiên của tháng 3, thấp hơn mức cắt giảm mục tiêu là 500.000 thùng/ngày.
Trong khi đó, các thị trường cũng chờ đợi để hiểu rõ hơn về cuộc khủng hoảng ngân hàng và kế hoạch tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Giá dầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng vào ngày 20 tháng 3 sau khi thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.
Đồng USD tăng cao hơn so với hầu hết các đồng tiền chính, tạm dừng đà giảm gần đây. Đồng bạc xanh mạnh lên làm tổn hại đến nhu cầu dầu mỏ vì dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ ngoại tệ.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do chứng khoán Mỹ và đồng USD đều tăng giá. Nhưng đà giảm của vàng thỏi trú ẩn an toàn cho đến nay đã được kiềm chế khá tốt, báo hiệu những lo ngại kéo dài về lĩnh vực ngân hàng.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,3% xuống 1.967,29 USD/ounce. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 4 giảm 0,3% xuống 1.966,90 USD.
Đối với các kim loại khác, giá bạc giao ngay tăng 0,5% ở mức 23,37 USD/ounce, bạch kim tăng 0,5% ở mức 968,41 USD, trong khi palladium tăng 1,2% ở mức 1.436,71 USD.
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cao cấp thuộc RJO Futures, cho biết: “Rủi ro đến với vàng từ thị trường chứng khoán nơi cổ phiếu đang tăng giá. "Không có tin tức thực sự mới nào về bất kỳ vấn đề nào liên quan đến lĩnh vực ngân hàng nào."
Các chỉ số chính của Phố Wall tăng điểm khi lo lắng về căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng giảm bớt, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc đảo ngược hướng đi và giảm xuống, ngay cả khi sự không chắc chắn vẫn còn kéo dài giữa các nhà đầu tư trái phiếu về triển vọng kinh tế.
Đồng USD tăng khoảng 0,3% so với hầu hết các đồng tiền chính, tạm dừng đà giảm gần đây. Đồng USD mạnh hơn khiến vàng thỏi đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cao cấp của Kitco Metals cho biết: "Thị trường đang dần vượt ra khỏi những rắc rối của ngân hàng Mỹ và châu Âu khi nhà đầu tư trở lại có nhu cầu đối với những tài sản rủi ro. Tuy nhiên, những người theo dõi thị trường kỳ cựu tin rằng còn quá sớm để có tiếng còi báo động về vấn đề này."
Các nhà đầu tư sẽ xem xét một thước đo lạm phát chính - chỉ số giá Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi của Mỹ, dự kiến công bố vào cuối tuần, sẽ là một manh mối để các nhà đầu tư có thể dự đoán về kế hoạch thắt chặt tiền tệ của Fed.
Ông Haberkorn cho biết: “Chúng ta sẽ thấy vàng dao động quanh mức 2.000 USD (mỗi ounce) cho đến khi diễn ra cuộc họp tiếp theo của Fed... Fed là người thúc đẩy thị trường kim loại quý”. Các nhà đầu tư dự đoán có khoảng 39% cơ hội Fed tăng 25 điểm cơ bản vào tháng 5. Lãi suất cao hơn có xu hướng làm giảm sức hấp dẫn của vàng không lãi suất.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá kim loại tăng trở lại trong những ngày gần đây khi tâm lý chấp nhận rủi ro mạnh hơn, khi những khó khăn trong lĩnh vực ngân hàng lắng xuống, niềm tin thị trường được cải thiện.
Ole Hansen, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa của Ngân hàng Saxo ở Copenhagen, cho biết: "Lĩnh vực này được hỗ trợ bởi tâm trạng tích cực trên thị trường chứng khoán. Đồng đang ngày càng có dấu hiệu tăng giá, được hỗ trợ bởi tồn kho giảm và triển vọng chung là thuận lợi."
Trên sàn London (LME), giá đồng tăng do thị trường giảm bớt lo ngại về lĩnh vực ngân hàng, song đà tăng bị hạn chế bởi đồng USD mạnh hơn. Giá đồng kỳ hạn 3 tháng kết thúc phiên tăng 0,2% lên 8.992,5 USD/tấn.
Cổ phiếu toàn cầu đã tăng vào thứ Tư. Sự gia tăng giá kim loại bị hạn chế bởi đồng USD mạnh hơn, khiến kim loại định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với người mua bằng các loại tiền tệ khác.
Nhà phân tích Sudakshina Unnikrishnan thuộcNgân hàng Standard Chartered cho biết, nhu cầu từ Trung Quốc, nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ bắt đầu phục hồi vào quý 2 năm 2023 và điều này sẽ hỗ trợ giá.
Unnikrishnan nói thêm: “Nhưng sự phát triển của bối cảnh vĩ mô, biến động của đồng USD và nhu cầu đối với tài sản rủi ro sẽ là chìa khóa thúc đẩy biến động giá và tác động đến tâm lý”.
Về các kim loại cơ bản khác, giá nhôm phiên này giảm 0,3% xuống 2.382,5 USD/tấn sau khi chạm 2.423 USD, mức cao nhất kể từ ngày 2 tháng 3; giá kẽm tăng 0,8% lên 2.959,5 USD sau khi chạm mức 2.999 USD, cao nhất kể từ ngày 7 tháng 3; giá chì không đổi ở 2.133,5 USD sau khi chạm 2.154 USD, mức cao nhất trong 5 tuần; giá thiếc tăng 0,3% lên 25.845 USD sau khi chạm 26.050 USD, mức cao nhất kể từ ngày 1 tháng 3. Riêng giá niken giảm 1,4% xuống 23.750 USD sau khi chạm 24.426 USD, mức cao mới kể từ ngày 7 tháng 3.
Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc kéo dài mức tăng phiên thứ ba liên tiếp, được củng cố bởi triển vọng nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép chặt chẽ hơn và sự lạc quan về nhu cầu thép ở Trung Quốc.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên giao dịch ở mức tăng 1,5% lên 890,5 nhân dân tệ (129,26 USD)/tấn. Tuy nhiên, trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 ít thay đổi, ở mức 121,30 USD/tấn, sau ba phiên tăng liên tiếp. Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,7%, thép cuộn cán nóng tăng 0,8% và thép cuộn tăng 0,9%, trong khi thép không gỉ giảm 1,5%.
Phiên giao dịch hôm thứ Tư phản ánh tâm lý trái chiều, với các thương nhân kỳ vọng nhu cầu thép sẽ tăng trong mùa xây dựng mùa xuân ở Trung Quốc, trong khi các hạn chế sản xuất thép trong nước và rủi ro pháp lý được cho là đang đè nặng lên giá.
Trung Quốc đang xem xét cắt giảm sản lượng thép thô khoảng 2,5% trong năm nay, khi nước này mở rộng chính sách giảm lượng khí thải trong vòng 2 năm, Reuters đã trích dẫn hai nguồn quen thuộc với vấn đề này.
Hỗ trợ thêm cho giá quặng sắt, lượng quặng trong kho dự trữ hàng hóa tại cảng của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 2 vào tuần trước, dựa trên dữ liệu tư vấn của SteelHome, trong khi xuất khẩu hàng ngày từ Brazil đã giảm trong tháng này.
Các nhà phân tích Huatai cho biết các thương nhân lưu tâm đến thực tế là các nhà quản lý Trung Quốc đã "rất chú ý" đến giá quặng sắt
Sản lượng quặng sắt của Trung Quốc năm 2023 dự kiến đạt 290 triệu tấn, mức cao nhất trong 8 năm qua, sau khi nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới dỡ bỏ các biện pháp chống COVID - ảnh hưởng đến hoạt động khai thác mỏ.
Xiao Wei, giám đốc nghiên cứu quặng sắt của công ty tư vấn Mysteel, cho biết nguồn cung trong nước sẽ tăng 7 triệu tấn, tương đương tăng 2,4% so với một năm trước đó, lên 293 triệu tấn. Mysteel ước tính sản lượng năm ngoái là 286 triệu tấn trong khi công ty tư vấn Wood Mackenzie ước tính sản lượng là 277 triệu tấn, giảm 2,4% so với năm trước.
Trên thị trường nông sản, giá ngũ cốc Mỹ tăng sau khi nhà kinh doanh ngũ cốc toàn cầu Cargill Inc cho biết họ sẽ lùi thêm một bước khỏi thị trường Nga bằng cách không còn xử lý ngũ cốc của nhà cung cấp lúa mì hàng đầu tại kho cảng xuất khẩu từ tháng Bảy. Tuy nhiên, Cargill cho biết sẽ tiếp tục vận chuyển ngũ cốc từ các cảng của đất nước.
Hợp đồng lúa mì giao dịch nhiều nhất trên Sàn thương mại Chicago tăng 5 US cent lên 7,04-3/4 USD/bushel, sau khi chạm mức 7,24 USD trong phiên giao dịch trước đó, mức giá chưa từng thấy kể từ ngày 27/2. Giá ngô phiên này cũng tăng 3-1/4 cent lên 6,50-1/2 USD/bushel, khi các thương nhân tích cực mua vào trước báo cáo hàng năm của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về kế hoạch trồng trọt.
Trong khi đó, giá đậu tương tăng 9,5 cent lên 14,77-1/4 USD/bushel, được hỗ trợ bởi những lo ngại kéo dài về sản lượng ở Argentina bị hạn hán.
Mike Zuzolo, chủ tịch của Global Commodity Analytics cho biết: “Tôi nghĩ rằng Nga đang có một động thái rõ ràng để kiểm soát nhiều hơn tài sản và hàng hóa vật chất của họ với dự đoán các điều kiện thương mại sẽ xấu đi trong vòng 6 đến 12 tháng tới”.
Xuất khẩu lúa mì của Nga có thể bị ảnh hưởng nếu Moscow khuyến nghị tạm dừng xuất khẩu lúa mì và hướng dương, theo báo cáo kinh doanh của Nga Vedomosti vào tuần trước.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 giảm 0,06 cent, tương đương 0,3%, xuống 21,25 cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn tăng 2,20 USD, tương đương 0,4%, lên 618,40 USD/tấn.
Các đại lý cho biết thị trường đang theo dõi chặt chẽ thời điểm bắt đầu vụ thu hoạch ở khu vực quan trọng - Trung-Nam Brazil - với tiến độ thu hoạch sớm dự kiến sẽ nhanh hơn vụ trước do thời tiết khô hạn. Sản lượng thu hoạch dự kiến giảm ở Ấn Độ, Thái Lan và Liên minh châu Âu tiếp tục hỗ trợ giá.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 giảm 15 USD, tương đương 0,7%, xuống 2.170 USD/tấn; cà phê arabica giao cùng kỳ hạn giảm 4,05 cent, tương đương 2,3%, xuống 1,697 USD/lb, thấp nhất trong hai tháng.
Đợt tăng giá gần đây đã thu hẹp mức chênh lệch giữa cà phê arabica với robusta – vốn được thúc đẩy bởi nhu cầu mạnh mẽ trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm khi xuất khẩu từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới (Việt Nam) năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá cao su châu Á giảm phiên thứ 2 liên tiếp do nhu cầu yếu bởi sự phục hồi của Trung Quốc chậm hơn dự kiến. Giá giảm khiến các nhà giao dịch không muốn tham gia trở lại vào thị trường.
Cao su giao tháng 9 của Sở giao dịch Osaka kết thúc phiên giảm 1,7 yên, tương đương 0,8%, xuống 208,3 yên (1,58 USD)/kg; cao su kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm 50 CNY xuống còn 11.865 CNY (1.722,14 USD)/tấn; cao su kỳ hạn tháng 4 trên nền tảng SICOM của Sở giao dịch Singapore không đổi, ở mức 133,4 US cent/kg.
Các thương nhân đã hy vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc nhưng nhìn chung nhu cầu vẫn còn mờ nhạt, một thương nhân ở Singapore cho biết.
Đầu tuần trước, hợp đồng cao su tham chiếu trên sàn Osaka giảm xuống còn 201,9 yên, mức thấp nhất kể từ tháng 9 năm 2021.
Giá hàng hóa thế giới: