Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng vào cuối phiên, sau khi biến động thất thường trong suốt phiên, được hỗ trợ bởi tồn trữ dầu thô của Mỹ thấp hơn nhiều so với dự kiến, song lo ngại lãi suất tăng có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên này, giá dầu thô Brent tăng 31 US cent, tương đương 0,4%, lên 74,34 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 30 US cent, tương đương 0,4%, lên 69,86 USD/thùng.
Hôm thứ Tư, giá cả hai loại dầu trên dều tăng khoảng 3% sau khi Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 9,6 triệu thùng trong tuần trước, vượt xa mức giảm dự đoán 1,8 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó trong cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.
Dennis Kissler, phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial cho biết: “Các nhà giao dịch dầu thô vẫn trong tình trạng khó dự đoán bởi lãi suất tăng và lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu do nhu cầu đi lại tăng cao và nguồn cung dầu thô bị thu hẹp”.
Các nhà đầu tư lo ngại về việc Fed tăng lãi suất và về tăng trưởng kinh tế sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nhắc lại rằng ông các quyết định lãi suất có thể sẽ tiếp tục diễn ra với tốc độ vừa phải trong những tháng tới.
Số đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp của Mỹ ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 20 tháng qua vào tuần trước, cho thấy thị trường lao động thắt chặt, yếu tố sẽ thúc đẩy Fed tiếp tục nâng lãi suất.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic đã nhắc lại niềm tin của ông rằng lạm phát vừa phải sẽ ngăn ngân hàng trung ương tăng mục tiêu lãi suất ngắn hạn một lần nữa.
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng củng cố những dự đoán về đợt nâng lãi suất thứ chín liên tiếp tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu vào tháng Bảy. Bà nói thêm, rủi ro về ổn định tài chính ở Liên minh châu Âu vẫn ở mức "nghiêm trọng" và sự suy thoái trên thị trường nhà đất có thể còn lan rộng hơn nữa.
Một áp lực nữa đối với giá dầu đến từ Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, khi lợi nhuận của các công ty công nghiệp ở nước này kéo dài đà giảm hai con số trong 5 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái do nhu cầu sụt giảm.
Ông Tetsu Emori, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Emori Fund Management Inc, cho biết việc thiếu triển vọng tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu đã giới hạn đà tăng của giá dầu, bất chấp các thỏa thuận cắt giảm sản lượng của các nước sản xuất dầu.
Saudi Arabia trong tháng này đã cam kết giảm mạnh sản lượng vào tháng Bảy, bên cạnh một thỏa thuận cắt giảm sản lượng rộng hơn của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng duy trì vững, do các thương nhân mua vào kiếm lời sau khi giá vàng dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce, được thúc đẩy bởi hàng loạt số liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ.
Vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.908,4 USD/ounce, trong khi đó vàng kỳ hạn tháng 8/2023 giảm 0,2% xuống 1.917,9 USD/ounce.
Trong phiên, giá vàng có thời điểm giảm xuống dưới mức 1.900 USD/ounce lần đầu tiên kể từ giữa tháng Ba, sau khi các số liệu tích cực của Mỹ khiến chỉ số đồng USD đo sức mạnh của USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt tăng 0,4%. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng tăng lên. 
David Meger, người đứng đầu mảng giao dịch kim loại của công ty môi giới High Ridge Futures, cho biết giá vàng giảm từ mức khoảng 2.000 USD/ounce xuống còn 1.900 USD/ounce đã kích thích hoạt động mua vào ở mức giá rẻ của giới đầu tư.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ đã ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 20 tháng qua vào tuần trước, cho thấy sức mạnh của thị trường lao động, yếu tố giúp gia tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I.
Giá vàng phiên này cũng bị ảnh hưởng bởi những đồn đoán về lãi suất. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed dự đoán ngân hàng này sẽ cần nâng lãi suất ít nhất hai lần nữa trong năm nay, khi lạm phát vẫn ở xa mức mục tiêu 2% và thị trường lao động vẫn trong tình trạng thắt chặt.
Mặc dù vàng được coi là một công cụ phòng ngừa lạm phát, nhưng lãi suất tăng sẽ làm giảm sức hấp dẫn của vàng vì nó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng. Và với những dự đoán hiện tại về lãi suất, giá vàng có thể sẽ ghi nhận quý giảm giá đầu tiên kể từ tháng 9/2022.
Các thương nhân chờ đợi dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân của tháng 5, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ công bố vào thứ Sáu.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,6% xuống 22,59 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1,6% xuống 896,55 USD/ounce, mức thấp nhất trong tám tháng qua. Giá palladium giảm 1,6% xuống 1.228,50 USD, gần mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm 2018.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng chạm mức thấp nhất 1 tháng do đồng USD tăng mạnh, lo ngại về lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu và dấu hiệu nhu cầu tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới (Trung Quốc) suy giảm.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1% xuống 8.175 USD/tấn, sau khi chạm 8.141 USD/tấn – thấp nhất kể từ ngày 1/6/2013.
Nhà phân tích Sudakshina Unnikrishnan của Standard Chartered cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến tác động của các yếu tố thúc đẩy vĩ mô đối với giá kim loại cơ bản với những bình luận của Fed, sức mạnh của đồng đô la Mỹ và nỗi lo tăng trưởng chi phối tâm lý”.
Yếu tố khiến các kim loại công nghiệp được định giá bằng đô la trở nên kém hấp dẫn hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác là đồng đô la đã tăng thêm vào thứ Năm sau khi dữ liệu cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần của Mỹ bất ngờ giảm. Đồng USD đã được hỗ trợ kể từ thứ Tư khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell không loại trừ khả năng tăng lãi suất nhiều hơn.
Tại Trung Quốc, hoạt động của nhà máy trong tháng 6 dự kiến sẽ giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, cho thấy sự cần thiết của các chính sách kích thích hơn nữa để chống lại nhu cầu yếu.
Dự trữ đồng trên toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm trong những ngày gần đây. Dự trữ đồng tại các kho do LME đăng ký tăng nhẹ - 150 tấn lên 75.425 tấn - nhưng vẫn ở gần mức thấp nhất trong bảy tuần, dữ liệu hàng ngày của LME cho thấy vào thứ Năm.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm phiên này giảm 0,6% xuống 2.160 USD/tấn. Tồn kho nhôm trong các kho của sản LME giảm xuống còn 531.225 tấn, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4. Giá kẽm giảm 0,4% xuống 2.341 USD, chì giảm 0,6% ở mức 2.059 USD, thiếc tăng 0,4% lên 26.150 USD và niken tăng 2,7% lên 20.605 USD.
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng lên mức cao nhất 15 tuần nhờ sự lạc quan về triển vọng Trung Quốc sẽ có thêm các biện pháp kích thích nhằm hỗ trợ sự phục hồi kinh tế đang chững lại.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn Đại Liên tăng 0,9% lên 830,5 CNY (114,71 USD)/tấn, sau khi đạt 835 CNY/tấn - cao nhất kể từ ngày 16/3/2023. Tuy nhiên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn Singapore giảm 0,4% xuống 112,95 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,2%, thép cuộn cán nóng giảm 0,2%, thép cuộn tăng 0,6%, trong khi thép không gỉ giảm 1,2%.
Phản ứng của thị trường đối với các tín hiệu kích thích của Trung Quốc là trái chiều, với một số nhà giao dịch đang cân nhắc xem Bắc Kinh sẵn sàng hỗ trợ đến đâu, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn, và với các chỉ số kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2023 nói chung là đáng thất vọng. Một số triển vọng phân tích mới nhất về nhu cầu thép ở Trung Quốc, nhà sản xuất thép và tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, cũng không có dấu hiệu khả quan. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ xuất khẩu nhiều thép nhất trong năm nay kể từ năm 2016, theo các nhà phân tích, do đồng nhân dân tệ suy yếu và giá cả cạnh tranh giúp nước này giảm lượng kim loại dư thừa trong nước.
Trên thị trường nông sản, giá ngô Mỹ giảm xuống mức thấp nhất gần 3 tuần do mưa thúc đẩy triển vọng năng suất cây trồng tại khu vực Trung tây Mỹ. Giá lúa mì theo xu hướng giá ngô giảm, chịu áp lực bởi đồng đô la mạnh hơn, có xu hướng làm cho ngũ cốc Mỹ trở nên kém hấp dẫn hơn trên thị trường thế giới. Giá đậu tương kỳ hạn nhìn chung tăng về cuối phiên.
Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 12/2023 giảm 8-1/4 US cent xuống 5,28-1/2 USD/bushel, sau khi chạm 5,26-1/4 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 9/6/2023. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 9/2023 giảm 2-1/4 US cent xuống 6,67-1/2 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 8/2023 tăng 6-3/4 US cent lên 13,67-3/4 USD/bushel và giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2023 tăng 3/4 US cent lên 12,65-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2023 trên sàn ICE giảm 0,5 US cent tương đương 2,2% xuống 22,07 US cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất gần 3 tháng (21,81 US cent/lb) lúc đầu phiên giao dịch; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2023 trên sàn London giảm 8,2 USD tương đương 1,3% xuống 620,6 USD/tấn.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9/2023 giảm 0,35 US cent tương đương 0,2% xuống 1,616 USD/lb, sau khi chạm mức thấp nhất 5 tháng (1,5775 USD/lb) lúc đầu phiên giao dịch; cà phê robusta kỳ hạn tháng 9/2023 giảm 46 USD tương đương 1,8% xuống 2.570 USD/tấn.
Các đại lý cho biết triển vọng thuận lợi cho vụ thu hoạch ở Brazil đang khiến thị trường ở thế phòng thủ.
Giao dịch cà phê tại Việt Nam vẫn trì trệ trong tuần này do thị trường bị ảnh hưởng do tình trạng khan hiếm cà phê kéo dài nhiều tháng, trong khi hoạt động giao dịch cà phê tại Indonesia tạm lắng do nghỉ lễ.
Giá cao su kỳ hạn trên thị trường Nhật Bản giảm do lo ngại nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm, làm át đi sự hỗ trợ từ đồng JPY yếu hơn so với USD khiến tài sản mua bằng đồng yen trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Giá cao su kỳ hạn tháng 12/2023 trên sàn Osaka giảm 0,3 JPY xuống 205,3 JPY (1,4 USD)/kg; giá cao su kỳ hạn tháng 9/2023 trên sàn Thượng Hải giảm 35 CNY xuống 11.885 CNY (1.641 USD)/tấn. Thị trường tài chính Singapore đã đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Năm.
Toshitaka Tazawa, nhà phân tích tại Fujitomi Securities Co Ltd, cho biết: “Giá cao su OSE đã bị khóa trong biên độ hẹp kể từ cuối tháng 3, với khối lượng giao dịch thấp”. Ông nói: “Mặc dù đồng yên yếu thường sẽ đẩy giá cao su lên cao, nhưng những lo ngại dai dẳng về nhu cầu yếu ớt ở Trung Quốc đang kìm hãm giá cao su”.
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota Motor đã báo cáo doanh số bán hàng toàn cầu trong tháng 5 tăng 10% so với một năm trước đó, được hưởng lợi từ sự tăng trưởng trong nước và các thị trường trọng điểm khác nhờ sự phục hồi nguồn cung chip và các bộ phận khác.
Giá hàng hóa thế giới:

 

ĐVT

Giá

+/-

+/- (%)

Dầu thô WTI

USD/thùng

69,70

-0,16

-0,23%

Dầu Brent

USD/thùng

74,29

-0,05

-0,07%

Dầu thô TOCOM

JPY/kl

66.660,00

+180,00

+0,27%

Khí thiên nhiên

USD/mBtu

2,68

-0,02

-0,89%

Xăng RBOB FUT

US cent/gallon

260,25

-1,52

-0,58%

Dầu đốt

US cent/gallon

241,56

+0,89

+0,37%

Dầu khí

USD/tấn

702,25

+6,25

+0,90%

Dầu lửa TOCOM

JPY/kl

78.000,00

0,00

0,00%

Vàng New York

USD/ounce

1.916,50

-1,40

-0,07%

Vàng TOCOM

JPY/g

8.879,00

+39,00

+0,44%

Bạc New York

USD/ounce

22,79

-0,01

-0,04%

Bạc TOCOM

JPY/g

106,20

-0,20

-0,19%

Bạch kim

USD/ounce

904,08

+5,12

+0,57%

Palađi

USD/ounce

1.240,05

+11,20

+0,91%

Đồng New York

US cent/lb

370,40

+0,50

+0,14%

Đồng LME

USD/tấn

8.177,50

-77,50

-0,94%

Nhôm LME

USD/tấn

2.160,00

-13,50

-0,62%

Kẽm LME

USD/tấn

2.341,50

-8,00

-0,34%

Thiếc LME

USD/tấn

26.098,00

+51,00

+0,20%

Ngô

US cent/bushel

536,50

+8,00

+1,51%

Lúa mì CBOT

US cent/bushel

676,00

+8,50

+1,27%

Lúa mạch

US cent/bushel

405,25

+3,50

+0,87%

Gạo thô

USD/cwt

15,10

+0,14

+0,94%

Đậu tương

US cent/bushel

1.281,75

+16,00

+1,26%

Khô đậu tương

USD/tấn

382,70

+2,20

+0,58%

Dầu đậu tương

US cent/lb

55,77

+0,80

+1,46%

Hạt cải WCE

CAD/tấn

713,60

+2,60

+0,37%

Cacao Mỹ

USD/tấn

3.261,00

-77,00

-2,31%

Cà phê Mỹ

US cent/lb

161,60

-0,35

-0,22%

Đường thô

US cent/lb

22,08

-0,52

-2,30%

Nước cam cô đặc đông lạnh

US cent/lb

259,90

+4,55

+1,78%

Bông

US cent/lb

78,52

-0,51

-0,65%

Lông cừu (SFE)

US cent/kg

--

--

--

Gỗ xẻ

USD/1000 board feet

--

--

--

Cao su TOCOM

JPY/kg

129,00

+0,30

+0,23%

Ethanol CME

USD/gallon

2,16

0,00

0,00%

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)