Năng lượng: Giá dầu tăng trong tháng 10, khí đốt giảm
Phiên 31/10, giá dầu giảm do đồn đoán sản lượng của Mỹ có thể tăng, dữ liệu kinh tế yếu từ Trung Quốc và việc nới rộng quy định về COVID-19 của nước này đã đè nặng lên nhu cầu.
Giá dầu Brent kết thúc phiên giảm 94 cent, tương đương 0,98%, xuống 94,83 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,37 USD, tương đương 1,6%, xuống 86,53 USD/thùng.
Trong tháng 10, cả hai loại dầu đều ghi nhận mức tăng giá hàng tháng lần đầu tiên kể từ tháng 5/2022.
Số liệu của chính phủ cho thấy sản lượng dầu tại Mỹ đã tăng lên gần 12 triệu thùng/ngày trong tháng 8/2022, mức cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các công ty dầu và khí đốt đầu tư một số khoản lợi nhuận kỷ lục của họ để giảm chi phí cho các hộ gia đình Mỹ.
Quan chức này cho biết ông Biden sẽ kêu gọi Quốc hội xem xét yêu cầu các công ty khai thác dầu phải trả các khoản phạt thuế và đối mặt với các hạn chế khác.
Trước đó, Tổng thống Biden đã thúc đẩy các công ty dầu mỏ tăng sản lượng thay vì sử dụng lợi nhuận để mua lại cổ phiếu và cổ tức. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các công ty dầu và khí đốt đầu tư một số khoản lợi nhuận kỷ lục của mình để giảm chi phí cho các hộ gia đình Mỹ.
Chính phủ Mỹ cũng đã dựa vào việc giải phóng nguồn cung từ Kho Dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) để giảm bớt tình trạng khan hiếm nguồn cung. Khoảng 1,9 triệu thùng dầu đã được giải phóng khỏi SPR trong tuần trước như một phần trong kế hoạch giải phóng 180 triệu thùng của chính phủ.
Trong khi đó, hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, đã bất ngờ giảm trong tháng 10, bị ảnh hưởng bởi nhu cầu giảm trên toàn cầu và các hạn chế nghiêm ngặt chống COVID-19 ảnh hưởng đến sản xuất, một cuộc khảo sát chính thức cho thấy hôm thứ Hai.
Stephen Innes, nhà quản lý của SPI Asset Management, cho biết: "Chừng nào Trung Quốc còn áp dụng chính sách Zero COVID thì sẽ tiếp tục cản trở giá dầu tăng ".
Các thành phố của Trung Quốc đang đẩy mạnh các biện pháp hạn chế chống COVID khi dịch bùng phát ngày càng lan rộng, làm giảm hy vọng nhu cầu phục hồi. Việc hạn chế COVID-19 nghiêm ngặt ở Trung Quốc đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và kinh doanh, làm giảm nhu cầu dầu. Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong ba quý đầu năm đã giảm 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm hàng năm đầu tiên trong khoảng thời gian ít nhất kể từ năm 2014.
Một cuộc khảo sát của S&P Global cho thấy khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có khả năng rơi vào suy thoái, khi hoạt động kinh doanh trong tháng 10/2022 giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm.
Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đang thúc đẩy kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất, ngay cả khi điều đó đẩy khối này vào suy thoái và gây bất ổn chính trị.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) ngày 31/10 đã nâng dự báo về nhu cầu dầu trong trung và dài hạn, và cho biết cần phải đầu tư 12.100 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu này bất chấp quá trình chuyển đổi năng lượng.
Đối với mặt hàng khí đốt, giá khí đốt tự nhiên tại Mỹ phiên 31/10 tăng khoảng 12% lên mức cao nhất trong hai tuần do dự báo thời tiết lạnh hơn, nhu cầu nhiều hơn dự kiến trước đó và nhà máy xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Cove Point của Berkshire Hathaway Energy ở Maryland hoạt động trở lại.
Hợp đồng khí đốt giao sau tăng 67,1 cent, tương đương 11,8%, lên 6,355 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 14/10. Tuy nhiên, tính chung trong tháng 10, giá khí đốt Mỹ giảm gần 9%.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Gelber & Associates cho biết: “Sự phục hồi của giá bắt nguồn từ sự kết hợp của các điều kiện kỹ thuật bao gồm: bán mức, triển vọng lạnh giá hơn vào giữa tháng 11 và dòng tiền đầu cơ quay trở lại ... hợp đồng xăng dầu kỳ hạn tương lai”.
Ông Gelber cũng lưu ý rằng có những yếu tố khác cũng làm tăng giá, bao gồm sự hoạt động trở lại như dự kiến của nhà máy xuất khẩu Freeport LNG ở Texas trong những tuần tới, khả năng nhân viên đường sắt đình công vào giữa đến cuối tháng 11 và lo ngại về việc mực nước sông Mississippi giảm.
Trên thị trường châu Âu, giá khí đốt bán buôn của Anh và Hà Lan giảm trong phiên 31/10 do dự báo gió mạnh hơn và kỳ vọng nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) vào châu Âu tăng trong bối cảnh hạn chế chống COVID ở Trung Quốc.
Hợp đồng khí kỳ hạn tháng 11 ở Hà Lan giảm 15,00 euro xuống 94,50 euro mỗi megawatt giờ (MWh), trong khi hợp đồng tháng 12 giảm 13,02 euro xuống 126,30 euro/MWh. Giá khí đốt giao tháng 11 ở Anh giảm 39,25 pence xuống còn 205,00 pence/therm.
Kim loại quý: Giá vàng giảm 7 tháng liên tiếp
Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên 31/10 và hướng đến chuỗi mất giá tính theo tháng dài nhất được ghi nhận do đồng USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất nhiều hơn làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời như vàng.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.635,64 USD/ounce; tính chung cả tháng 10 giá giảm 1,5% và là tháng thứ 7 giảm liên tiếp – kỳ giảm dài nhất từ trước tới nay. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 phiên này cũng giảm 0,3% xuống 1.640,70 USD.
David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại thuộc công ty tài chính High Ridge Futures (Mỹ), cho biết các yếu tố như đồn đoán lãi suất tăng, đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng tiếp tục gây áp lực lên giá vàng.
Chỉ số đồng USD đã tăng 0,8%, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ đồng tiền khác. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm cũng tăng cao.
Fed được cho là sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách sắp tới. Các nhà giao dịch sẽ theo dõi sát sao đến bình luận của Fed về các đợt tăng lãi suất trong tương lai trong bối cảnh có tranh luận về việc khi nào nên giảm tốc độ tăng lãi suất.
Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ, vì điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý này. Giá vàng đã giảm hơn 400 USD kể từ khi tăng trên mức quan trọng 2.000 USD/ounce hồi tháng 3/2022.

Về những kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 0,3% xuống 19,17 USD/ounce; bạch kim giảm 1,2% xuống 932,98 USD/ounce, nhưng hướng đến tháng tăng giá lớn nhất kể từ tháng 2/2021; trong khi đó, giá palladium giảm 3,7% xuống 1.828,93 USD và dự kiến ghi nhận mức giảm hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 5/2022.

Các nhà phân tích của ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho biết nhu cầu trong lĩnh vực công nghiệp yếu hơn do tăng trưởng kinh tế ở châu Âu và Mỹ chậm lại và việc thay thế từ palladium sang bạch kim sẽ ảnh hưởng đến giá cả”. Giá palladium sẽ giảm xuống 1.700 USD/ounce vào cuối năm 2023.
Kim loại công nghiệp: Giá hầu hết giảm, sắt thép giảm mạnh
Giá đồng giảm khi số ca nhiễm COVID-19 ở gia tăng và dữ liệu sản xuất yếu hơn dự kiến ở nước tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới - Trung Quốc - làm dấy lên lo ngại về nhu cầu suy yếu.
Các biện pháp hạn chế chống COVID đang ảnh hưởng đến các nhà máy ở nhiều thành phố của Trung Quốc và đồng nhân dân tệ giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007, khiến kim loại định giá bằng đô la trở nên đắt hơn đối với người mua trong nước.
Giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 1,5% xuống 7.439,50 USD/tấn. Trong tháng 10, giá đồng đã mất khoảng 1,6%, là tháng giảm thứ 7 liên tiếp.
Giá kim loại được sử dụng trong ngành điện và xây dựng này đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh hồi tháng 3 do tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại và châu Âu và Mỹ có vẻ sẽ đi vào suy thoái.
Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết: "Tâm lý nhà đầu tư đối với thị trường Trung Quốc đang rất giảm. Bạn không thể loại trừ việc đồng sẽ giảm xuống dưới 7.000 USD, nhưng đó sẽ là cơ hội mua".
Ngân hàng trung ương Trung Quốc một lần nữa cho biết họ sẽ tăng cường hỗ trợ tín dụng cho nền kinh tế và giữ cho đồng nhân dân tệ ổn định.
Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tuần này, kìm hãm tăng trưởng kinh tế trong nỗ lực giảm lạm phát tràn lan. Ngân hàng Trung ương Anh cũng đang sẵn sàng cho một đợt tăng mạnh lãi suất và lạm phát châu Âu lại tăng cao so với kỳ vọng trong quá khứ, đạt mức cao kỷ lục cho thấy có thể sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất nữa.
Về những kim loại cơ bản khác, giá nhôm kết thúc phiên tăng 0,4% lên 2.220,50 USD/tấn, kẽm giảm 4,7% xuống 2.688,50 USD, niken giảm 1,6% xuống 21.785 USD, chì giảm 1,9% xuống 1.949 USD và thiếc giảm 2,8% xuống 17.590 USD.
Giá quặng sắt kéo dài chuỗi giảm, kết thúc tháng 10 giảm mạnh nhất kể từ tháng 2/2020 do hoạt động của nhà máy ở Trung Quốc sụt giảm bất ngờ trong tháng 10 làm tăng thêm triển vọng ảm đạm ở nwocsc sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức của Trung Quốc đứng dưới mốc 50,0, theo dự kiến trong một cuộc thăm dò của Reuters, do nhu cầu trên toàn cầu giảm và các hạn chế chống COVID-19.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 1 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên của Trung Quốc kết thúc phiên 31/10 giảm 4,1% xuống 606,50 nhân dân tệ (83,31 USD)/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 22/7 là 602,50 nhân dân tệ lúc trước đó trong cùng phiên. Tính chung trong tháng 10, giá đã giảm hơn 15%.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng kỳ hạn tháng 12 giảm 3,5% xuống 77,90 USD/tấn, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm là 75 USD.
Giá thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 3,4%, thép cuộn cán nóng Sgiảm 2,7%, thép cuộn giảm 3% và thép không gỉ giảm 2,2%.
Giá quặng sắt tại Đại Liên đã giảm hơn 30% so với mức đỉnh hồi tháng 6, là 890 nhân dân tệ/tấn, trong khi quặng sắt tại Singapore giảm hơn 50% so với mức cao nhất trong tháng 4 là trên 160 USD.
Giá quặng sắt cuối năm nay được dự báo sẽ ở mức thấp nhất trong ba hoặc bốn năm qua với việc Trung Quốc và châu Âu cắt giảm sản lượng thép, trong khi áp lực gia tăng từ nguồn cung bổ sung. Việc hạn chế sản xuất thép trong mùa đông và phong tỏa chống COVID-19 ở Trung Quốc có thể sẽ làm giảm nhu cầu đối với quặng sắt và các nguyên liệu đầu vào sản xuất thép khác.
Nông sản: Giá đậu tương, ngô và đường tăng; lúa mì và cà phê giảm trong tháng 10
Giá lúa mì Mỹ kỳ hạn tương lai trên sàn Chicago tăng 6% trong phiên cuối tháng, chạm mức cao nhất trong 2 tuần, và ngô tăng hơn 1% sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ở Biển Đen làm gia tăng lo ngại về nguồn cung ngũ cốc toàn cầu. Theo đó, giá lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 54 cent lên 8,83-1/4 USD/bushel, sau khi có lúc đạt 8,93-1/4 USD, mức cao nhất kể từ ngày 14/10. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 3 đạt mức cao kỷ lục 13,63-1/2 USD/bushel. Giá ngô giao tháng 12 tăng 10-1/2 cent lên 6,91-1/4 USD/bushel.
Giá đậu tương cũng theo xu hướng tăng, với hợp đồng kỳ hạn giao tháng 1 đạt mức cao nhất một tháng, với đậu tương giao tháng 1 tăng 17-1/4 cent lên 14,17-1/2 USD/bushel. 
"Thị trường ngũ cốc và hạt có dầu tăng, dẫn đầu là lúa mì, khi lo ngại thiếu lương thực tăng trở lại sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen với Ukraine làm dấy lên lo ngại về nguồn cung ngũ cốc toàn cầu", nhà kinh tế trưởng hàng hóa StoneX Arlan Suderman cho biết trong một lưu ý khách hàng. Matxcơva hôm thứ Bảy (29/10) đã đình chỉ việc tham gia vào thỏa thuận Biển Đen. Tuy nhiên, các tàu chở ngũ cốc đã khởi hành từ các cảng của Ukraine hôm thứ Hai (31/10), cho thấy Moscow đã ngừng áp dụng lại lệnh phong tỏa.
Giá đường thô tăng hơn 2% trong phiên 31/10 trong bối cảnh các thương nhân đã nhận ra chiến thắng của ông Luiz Inacio Lula da Silva trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil và chính sách xuất khẩu đường của Ấn Độ vẫn giữ lợi thế.
Kết thúc phiên này, giá đường thô giao tháng 3 tăng 0,39 cent, tương đương 2,2%, ở mức 17,97 cent/lb, sau khi chạm mức thấp nhất trong 3-1/2 tuần vào thứ Sáu và tính chung cả tuần giảm 4,35%. Giá đường trắng giao tháng 12 tăng 11,60 USD, tương đương 2,2%, lên 527,20 USD/tấn
Chính phủ cho biết Ấn Độ, một nhà sản xuất đường lớn, đã gia hạn hạn chế xuất khẩu đường thêm một năm cho đến tháng 10 năm 2023, nhưng vẫn dự kiến sẽ ấn định hạn ngạch cho việc bán ra nước ngoài.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai tăng gần 5% trên sàn ICE vào thứ Hai, do thị trường đã giảm giá đủ trong thời gian gần đây và bắt đầu điều chỉnh.
Cà phê arabica giao tháng 12 tăng 7,9 cent, tương đương 4,7%, lên 1,777 USD/lb sau khi chạm mức thấp nhất trong 15 tháng là 1,6775 USD vào thứ Sáu.
Tuần trước, hợp đồng này đã mất 11% do triển vọng cây trồng ở Brazil cải thiện và lo ngại về nhu cầu, nhưng một số đại lý tin rằng việc giảm giá đã quá hạn và dự kiến giá sẽ điều chỉnh. Giá cà phê robusta giao tháng 1 tăng 4 USD, tương đương 0,2%, lên 1.853 USD/tấn sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 14 tháng là 1.833 USD vào thứ Sáu.
Đồng tiền của Brazil đã tăng hơn 2% vào buổi chiều, điều này đã hỗ trợ thêm cho giá cà phê. Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ước tính đã tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước trong 10 tháng đầu năm nay lên 1,4 triệu tấn.
Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản giảm phiên thứ 4 liên tiếp do sản lượng của các nhà máy trong nước mờ nhạt và hoạt động của nhà máy cũng yếu hơn dự kiến ở thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới là Trung Quốc, trong bối cảnh đợt hạn chế mới chống COVID-19 làm ảnh hưởng đến tâm lý về nhu cầu.
Hợp đồng cao su giao tháng 4 trên Sở Osaka Exchange giảm 1,4 yên, tương đương 0,7%, xuống 209,0 yên (1,41 USD)/kg, thấp nhất kể từ tháng 10 năm 2021.
Hợp đồng cao su giao tháng 1 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải giảm 225 nhân dân tệ xuống 11.750 nhân dân tệ (1.614 USD)/tấn. Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên nền tảng SICOM của Sàn giao dịch Singapore kết thúc tháng ở mức 117,3 US cent/kg.
Sản lượng nhà máy của Nhật Bản trong tháng 9 giảm lần đầu tiên trong 4 tháng do các nhà sản xuất phải vật lộn với chi phí nguyên liệu thô tăng và suy thoái kinh tế toàn cầu, và có khả năng sẽ giảm tiếp vào tháng 10 trước khi tăng trở lại vào tháng 11, chính phủ cho biết.
"Niềm tin thị trường giảm do hoạt động nhà máy của Trung Quốc thu hẹp làm nổi bật những tác động tiêu cực của việc họ tiếp tục hạn chế chống COVID", một thương nhân ở Singapore cho biết. Hoạt động nhà máy của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 10, do nhu cầu toàn cầu giảm và các quy định nghiêm ngặt về COVID-19 trong nước, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, du lịch và vận chuyển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)