Trên thị trường năng lượng, giá dầu dầu tăng mạnh sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng đồng minh (gọi là OPEC+) ngừng đàm phán về sản lượng.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 94 US cent (1,2%) lên 77,11 USD/thùng; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,11 USD (1,5%) lên 76,27 USD/thùng.
Sau vài lần trì hoãn, các bộ trưởng OPEC + đã từ bỏ các cuộc đàm phán và không ấn định mốc thời gian nào để nối lại việc đàm phán này chúng, sau khi nội bộ nhóm nảy sinh xung đột vào tuần trước, khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) từ chối việc gia hạn việc hạn chế sản xuất – đã kéo dài 8 tháng.
Những dữ liệu kinh tế tích cực của Châu Âu cũng góp phần đẩy giá dầu tăng. Theo đó, các doanh nghiệp Khu vực đồng euro trong tháng 6 vừa qua đã mở rộng hoạt động sản xuất với tốc độ nhanh nhất trong vòng 15 năm, khi những hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng. Kết quả thăm dò sơ bộ cũng cho thấy ngành dịch vụ ở khu vực này cũng đang hồi sinh ngoạn mục.
OPEC+ đã dần nới lỏng những hạn chế về sản lượng, và đến ngày 2/7 đã có kế hoạch nâng sản lượng thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 12/2021, đồng thời gia hạn thỏa thuận với một loạt những thay đổi sản lượng dần từ nay đến cuối 2022.
Nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy cho biết, viễn cảnh OPEC + không đưa thêm thùng vào thị trường trong tháng 8 tới không chỉ khiến giá dầu tăng mà còn đẩy thị trường “vàng đen” vào vùng biến động.
Bà nói: “Thực tế là cuộc họp ngày hôm nay đã bị hoãn và để có một cuộc họp như thế này thì cần có thời gian cho những cuộc đàm phán bên lề”.
ING Economics cho biết việc OPEC + không đạt được thỏa thuận có thể khiến giá dầu tăng, đồng thời “điều đó cũng có thể báo hiệu việc thỏa thuận rộng lớn hơn bắt đầu kết thúc, tức là có nguy cơ các thành viên bắt đầu tăng sản lượng”.
Tuy nhiên, nhà phân tích cấp cao Martin King của RBN Energy cho biết, giao dịch thưa thớt trong kỳ nghỉ lễ kỷ niệm Ngày Độc lập của Mỹ đã làm tăng thêm sự biến động và giá có thể đi ngang trong thời gian tới do "sự mệt mỏi của người mua" sau một xu hướng tăng giá dài.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng cũng tăng do USD và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đều giảm trong bối cảnh có những thông tin tác động trái chiều, trong đó có dữ liệu về thị trường lao động của Mỹ, giúp nhà đầu tư giảm bớt lo ngại về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tại Sàn giao dịch Vàng bạc London kết thúc ở mức 1.790,7 USD/ounce, trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ 18/6, là 1.794,86 USD/ounce.
Thị trường giao dịch vàng Mỹ tiếp tục đóng cửa nghỉ nhân ngày Quốc khánh.
Nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank cho biết đồng USD sau khi tăng mạnh gần đây đã đảo chiều giảm, và giá vàng “hiện vẫn duy trì mức tăng của phiên 2/7, một lần nữa thách thức ngưỡng kháng cự 1.800 USD/ounce”.
Dữ liệu mới đây cho thấy các công ty Mỹ trong tháng 6 đã thuê nhiều nhân công nhất trong vòng 10 tháng, nhưng tỷ lệ thất nghiệ cũng gia tăng và tốc độ tăng thu nhập hàng giờ chậm lại.
Tuần này, các nhà giao dịch sẽ theo dõi biên bản cuộc họp mới nhất của Fed, dự kiến sẽ công bố vào ngày thứ Tư (7/7) để giúp làm sáng tỏ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Mỹ về lạm phát và chính sách tiền tệ.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,3% xuống 26,38 USD/ounce, bạch kim vững ở mức 1.090,48 USD, trong khi palladium tăng 1,1% lên 2.816,24 USD.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 tuần do USD dừng tăng, thúc đẩy các quỹ hàng hóa mua vào. Tuy nhiên, giá khó có thể tăng mạnh hơn nữa do dự báo nguồn cung tăng và nhu cầu của Trung Quốc – nước tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới – chậm lại.
Kết thúc phiên giao dịch, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 1,4% lên 9.510 USD/tấn, trong phiên có lúc giá đạt 9.536 USD, cao nhất kể từ ngày 16/6.
Dan Smith, giám đốc điều hành của công ty Commodity Market Analytics, cho biết: “Các nhà đầu tư đang chi phối động thái giá đồng vào lúc này. Nhưng tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại, hàng tồn kho ở Trung Quốc đang tăng lên và xa hơn nữa là nguồn cung cấp đồng từ các mỏ khai thác cũng đang tăng lên."
Lượng đồng lưu trữ tại các kho ngoại quan của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7/2019, đạt 435.600 tấn, cao hơn hơn 25% so với hồi giữa tháng 2.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc phiên vừa qua tăng hơn 5% do nhu cầu tăng sau khi các nhà máy thép ở Đường Sơn – trung tâm sản xuất thép của nước này – nối lại hoạt động sản xuất sau một thời gian tạm dừng.
Giá quặng sắt kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, kỳ hạn tháng 9, phiên vừa qua có lúc tăng 5,6% lên 1.226 nhân dân tệ (189,80 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 11 tháng 6; kết thúc phiên vẫn tăng 5,5% lên 1.225 nhân dân tệ.
Giá thép phiên này cũng đồng loạt tăng. Theo đó, thép thanh, dùng trong xây dựng, kỳ hạn tháng 10 tăng 2,1% lên 5.222 nhân dân tệ/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 1,6% lên 5.494 nhân dân tệ/tấn; thép không gỉ giao tháng 8/2021 tại Thượng Hải tăng 1,3% lên 16.665 nhân dân tệ/tấn.
Sản lượng thép tại một số nhà sản xuất của Trung Quốc đã bị hạn chế trong dịp kỷ nhiệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính sách liên quan đến môi trường, khiến tỷ lệ sử dụng lò cao tại 247 nhà máy trên khắp Trung Quốc giảm xuống 81,01% vào ngày 2/7, theo dữ liệu của công ty tư vấn Mysteel.
Trên thị trường nông sản, giá đường trắng tăng trong phiên vừa qua do lo ngại sương giá ở Brazil vào tuần trước gây thiệt hại cho mùa mía của nước này.
Kết thúc phiên, giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 1,1 USD, tương đương 0,2%, lên 451,40 USD/tấn, trong phiên có lúc giá đạt mức cao nhất 3 tuần là 461,40 USD/tấn.
Cơ quan thương mại nhà nước của Pakistan (TCP) đã tổ chức một cuộc đấu thầu tuần qua và đã mua 100.000 tấn đường trắng.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 phiên vừa qua giảm 20 USD (1,2%) xuống 1.687 USD/tấn, rời xa mức cao nhất 2,5 năm là 1.737 USD/tấn đạt được vào cuối tuần trước.
Các đại lý cho biết thị trường cà phê đang có dấu hiệu mua quá mức về mặt kỹ thuật sau khi giá tăng mạnh gần đây.Sucden Financial dự báo giá sẽ giảm trong thời gian tới, sau khi không thể vượt qua ngưỡng kháng cự 1.737 USD. Có thể giá đường trắng sẽ giảm xuống còn 1.666 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng hơn 1% sau khi thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tái nhấn mạnh việc sẵn sàng nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ để giúp nền kinh tế lớn thứ ba thế giới phục hồi sau đại dịch.
Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn Osaka tăng 3,2 JPY (1,5%) lên 221,4 JPY/kg. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 cũng tăng 3,3% lên 13.160 nhân dân tệ/tấn.
Giá hàng hóa thế giới sáng 6/7/2021

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg