Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng khoảng 2% do một số dấu hiệu cho thấy các nhà sản xuất dầu mỏ có thể tăng sản lượng chậm hơn dự kiến trong những tháng tới.
Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 1,22 USD (1,6%) lên 75,84 USD/thùng, trong khi dầu ngọt nhẹ New York tăng 1,76 USD (2,4%) lên 75,23 USD/thùng. Trong phiên, cả hai mặt hàng này có lúc tăng hơn 2 USD/thùng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã hoãn cuộc họp cấp bộ trưởng cho đến ngày 2/7 để đàm phán thêm về chính sách sản lượng dầu, sau khi Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) phản đối kế hoạch thu hẹp ngay lập tức chương trình cắt giảm nguồn cung.
Chuyên gia Jim Ritterbusch của công ty tư vấn độc lập Ritterbusch & Associates (Mỹ) nhận định sự chậm trễ trong các cuộc đàm phán của OPEC+ là bất thường và cho thấy những bất đồng giữa các nước thành viên. Trước đó, OPEC+ dự kiến sẽ tăng sản lượng thêm 0,4 triệu thùng/ngày mỗi tháng từ tháng 8-12/2021.
John Kilduff, đối tác của công ty tư vấn đầu tư Again Capital (Mỹ) cho rằng trong ngắn hạn OPEC+ dưới sự dẫn dắt của Saudi Arabia, đang tìm cách gây sức ép với các nước tiêu thụ và đưa ra mức giá cao hơn để bù đắp cho những thiệt hại hồi năm ngoái.
Trong khi đó, một số nhà giao dịch trên thị trường vẫn tỏ ra hoài nghi về dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ. Bob Yawger, một quan chức cấp cao của công ty chứng khoán và ngân hàng đầu tư Mizuho Securities (Nhật Bản), cho rằng dự báo nhu cầu dầu của OPEC không tính đến khả năng gia tăng nguồn cung từ Iran, sự lan rộng của biến thể Delta và tình trạng sử dụng xăng theo mùa của Mỹ.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng đảo chiều tăng trở lại sau khi giảm hơn 7% trong tháng Sáu đã khích lệ hoạt động mua vào, trước những lo ngại về biến thể Delta của virus SAR-CoV-2.
Cuối phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.773,09 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tăng 0,3% và khép phiên ở mức 1.776,80 USD/ounce. Đà tăng của giá vàng trong phiên này còn bị giới hạn bởi đồng USD mạnh, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người mua nắm giữ các đồng tiền khác.
Tháng Sáu vừa qua, giá vàng ghi nhận mức giảm cả tháng lớn nhất kể từ tháng 11/2016, trước sự thay đổi bất ngờ trong lập trường chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) theo hướng thắt chặt chính sách. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lãi như vàng.
Nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn mua vàng như một biện pháp phòng trừ rủi ro trước sự lây lan của biến thể Delta. Mới đây Pháp đã hoãn nới lỏng các biện pháp hạn chế tại vùng Landes.
Thị trường hiện đang hướng sự chú ý đến báo cáo việc làm phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố trong ngày 2/7 để tìm kiếm manh mối về lộ trình thay đổi chính sách tiền tệ của Mỹ, sau khi nhiều quan chức của Fed cho biết ngân hàng này sẽ giảm chương trình mua tài sản trong năm nay.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,5% xuống 25,98 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,8% lên 1.081,30 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do số liệu sản xuất yếu từ Trung Quốc và USD mạnh lên khiến các kim loại định giá bằng USD đắt hơn cho người giữ các đồng tiền khác.
Trên sàn giao dịch kim loại London (LME), giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng giảm 0,6% xuống 9.317,5 USD/tấn, biên độ giao dịch dao động hẹp ở mức 130 USD.
Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm lại trong tháng 6 do chuỗi cung ứng và số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt tại tỉnh xuất khẩu Quảng Đông đã khiến tăng trưởng sản lượng thấp nhất 15 tháng.
Giá thép Trung Quốc tăng phiên thứ 7 liên tiếp do những lo ngại kéo dài về triển vọng nguồn cung. Nhà sản xuất hàng đầu thế giới về vật liệu xây dựng và sản xuất tìm cách giảm sản lượng trong năm nay.
Thép thanh và thép cuộn cán nóng tại sàn giao dịch Thượng Hải chạm mức cao nhất kể từ ngày 15/6, trước khi giảm bớt, khiến quặng sắt Đại Liên phục hồi sau hai ngày sụt giảm.
Thép thanh Thượng Hải đóng cửa tăng 0,8% lên 5.146 CNY (796,37 USD)/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,5% lên 5.428 CNY/tấn.
Trong khi đó, giá quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 1,1% lên 1.166 CNY/tấn; quặng sắt tại Singapore tăng 1% lên 205,20 USD/tấn. Giá giao ngay cũng vẫn trên 200 USD/tấn.
Trung Quốc cam kết đảm bảo sản lượng thép thô giảm trong năm 2021 và xem xét thực hiện cắt giảm công suất thép kể từ năm 2016 khi quốc gia này có kế hoạch đáp ứng mục tiêu giảm lượng khí thải.
Trên thị trường nông sản, giá đường thô kỳ hạn tháng 10lúc đóng cửa tăng 0,05 US cent lên 17,94 US cent/lb, trong phiên có lúc giá đã đạt mức cao nhất kể từ cuối tháng 2 tại 18,49 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 3 USD lên 450,7 USD/tấn.
Các đại lý cho biết đường tăng do lo ngại về sương giá ở Brazil. Sản lượng mùa vụ đã được điều chỉnh giảm do thời tiết khô hạn trong vụ này. Diện tích cây trồng của Brazil bị thiệt hại của sương giá ngày thứ 3, ảnh hưởng tới các hàng hóa gồm ngô, cà phê và mía đường. Sương giá đang gây ảnh hưởng tới khu vực miền tây và bắc bang Sao Paulo, nơi chiếm hơn 60% sản lượng đường của Brazil.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 3,35 US cent hay 2,1% xuống 1,564 USD/lb, trong phiên có lúc đạt cao nhất kể từ đầu tháng 6 tại 1,6465 USD/lb; cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 mất 4 USD hay 0,2% xuống 1.701 USD/tấn.
Các nhà môi giới và phân tích nghĩ hầu hết cà phê của Brazil ít bị thiệt hại bởi sương giá. Vụ cà phê 2021/22 của Brazil ở mức 53,7 triệu bao loại 60 kg/bao, tăng 4,5% so với dự báo hồi tháng 1.
Ở Châu Á, giá cà phê tại Việt Nam, nước sản xuất robusta lớn nhất thế giới, tăng vọt lên mức cao nhất trong hai năm theo xu thế của giá thế giới. Cà phê robusta 2% hạt đen và vỡ ở mức trừ lùi 50 USD/tấn so với giá hợp đồng kỳ hạn tháng 9 ngày 30/6, một tuần trước mức trừ lùi là 50-60 USD/tấn. Mức chênh giá cà phê robusta Sumatran giảm trong tuần này do nguồn cung vẫn dồi dào từ vụ thu hoạch và do giá tại London tăng. Cà phê xuất khẩu của Indonesia chào bán ở mức cộng 30-50 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 8 tại London trong tuần này, giảm từ 80-90 USD/tấn trong tuần trước.
Giá cao su Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng, giảm phiên thứ 4 liên tiếp. Số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt làm dấy lên lo sợ nhu cầu toàn cầu đối với nguyên liệu này chậm lại, trong khi số liệu sản xuất yếu tại Châu Á cũng bổ sung thêm áp lực.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 6,3 JPY hay 2,8% xuống 220 JPY (2 USD)/kg, sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 4/1 tại 219 JPY/kg trong phiên này. Cao su kỳ hạn tháng 9 tại Thượng Hải giảm 105 CNY xuống 12.705 CNY (1.966 USD)/tấn.
Các nhà đầu tư lo lắng tốc độ tiêm chủng Covid-19 chậm hơn ở Châu Á và việc kéo dài những hạn chế để kiềm chế sự lây lan của virus sẽ gây tổn hại cho nhu cầu cao su.
Giá hàng hóa thế giới sáng 2/7/2021