Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng mạnh lên mức cao nhất trong hơn hai năm chủ yếu do kỳ vọng nhu cầu năng lượng sẽ phục hồi nhanh trong nửa cuối năm 2021.
Kế thúc phiên, dầu Brent Biển Bắc tăng 1,13 USD hay 1,6% lên 73,99 USD/thùng, trong phiên có lúc giá đạt 74,07 USD, cao nhất kể từ tháng 4/2019; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng tăng 1,24 USD (tương đương 1,8%) lên 72,12 USD/thùng, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 là 72,19 USD/thùng.
Các nhà giao dịch lớn nhất thế giới nhận định giá “vàng đen” sẽ còn duy trì trên 70 USD/thùng, trong khi nhu cầu dự kiến sẽ trở lại mức trước đại dịch COVID-19 vào nửa cuối năm 2022.
Giám đốc điều hành Vitol, ông Russell Hardy, nhận thấy giá dầu dao động trong khoảng 70 - 80 USD/thùng trong phần còn lại của năm 2021. Ông kỳ vọng rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (còn gọi là nhóm OPEC+) giữ kế hoạch kiểm soát nguồn cung, ngay cả khi Iran nối lại hoạt động xuất khẩu dầu trong trường hợp Mỹ đồng ý tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân với Tehran.
Giám đốc điều hành Trafigura Jeremy Weir cũng đưa ra đánh giá tương tự, thậm chí nhận định giá dầu có khả năng đạt 100 USD/thùng do lượng dự trữ giảm trước khi nhu cầu dầu trên thế giới đạt đỉnh.
Hiện giới đầu tư cũng đang theo dõi cuộc họp kéo dài hai ngày 15 -16/6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tìm kiếm các tín hiệu về thời điểm ngân hàng trung ương này bắt đầu giảm quy mô các biện pháp kích thích tiền tệ, vốn đã giúp nền kinh tế Mỹ chống chịu qua đại dịch
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do USD mạnh lên và thị trường nhận định khả năng Fed trong tuần này có thể phát đi tín hiệu về việc nới lỏng chính sách kích thích.
Cuối phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống còn 1.855,99 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn giảm 0,5% và khép phiên ở mức 1.856,40 USD/ounce.
Chuyên gia phân tích của công ty ED&F Man Capital Markets, ông Edward Meir, cho biết sự lo ngại đang ngày càng gia tăng về lạm phát, và tâm lý trên thị trường hiện giờ là ngân hàng trung ương các nước phải bắt đầu ứng phó mạnh mẽ hơn với những áp lực lạm phát này. Theo ông, dù vàng có thể chịu áp lực giảm giá trong ngắn hạn nếu Fed bắt đầu giảm chính sách kích thích trước cuối năm 2021 hay thậm chí là chỉ đưa ra tín hiệu như vậy trong ngày 16/6, nhưng giới đầu tư có thể mua vàng tại các mức giá thấp trước những lo ngại về làm phát gia tăng.
Fed đã nhiều lần cho rằng sự tăng giá hàng hóa hiện tại chỉ là tạm thời, nhưng các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này có thể đã bắt đầu thảo luận về thời điểm và tốc độ thu hẹp chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình để kiềm chế lạm phát tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 15-16/6.
Ngoài ra, làm giảm sức hấp dẫn của vàng trong phiên này còn có sự mạnh lên của đồng USD sau khi chạm mức cao nhất trong một tháng qua và lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ tăng, qua đó làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ một tài sản không sinh lời như vàng.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,8% xuống 27,62 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 1,4%, và được giao dịch ở mức 1.148,37 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá thép thanh vằn và thép cuộn cán nóng tại Trung Quốc giảm, do nhu cầu lĩnh vực hạ nguồn suy yếu, trong khi giá nguyên liệu tăng dẫn đầu là than cốc, sau khi tỉnh Sơn Đông Trung Quốc tuyên bố sẽ hạn chế sản lượng thép xuống 32 triệu tấn trong năm 2021 và cắt giảm công suất sản xuất than luyện cốc xuống 33 triệu tấn từ 46 triệu tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 giảm 1,5% xuống 5.168 CNY (807,44 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng giảm 1,9% xuống 5.436 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 0,5% lên 16.390 CNY/tấn. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Đại Liên tăng 0,9% lên 1.226 CNY/tấn; quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc tăng 7 USD lên 220 USD/tấn.
Tiêu thụ 5 sản phẩm thép chủ yếu trong tuần trước giảm 4,7% so với tuần trước đó xuống 10,97 triệu tấn, công ty tư vấn Mysteel cho biết.
Giá đồng phiên này giảm xuống mức thấp nhất 7 tuần khi nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – sẽ sớm đưa ra động thái kiềm chế giá tăng hơn nữa. Trên sàn London, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng giảm 4,3% xuống 9.540 USD/tấn.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ giảm do triển vọng thời tiết khu vực Trung tây Mỹ được cải thiện.
Đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 6-1/2 US cent xuống 14,65-3/4 USD/bushel và giá đậu tương vụ mới kỳ hạn tháng 11/2021 giảm 21/-3/4 US cent xuống 13,73-1/2 USD/bushel; ngô kỳ hạn tháng 7/2021 tăng 8-1/4 US cent lên 6,67-1/2 USD/bushel, trong khi ngô vụ mới kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 7-1/2 US cent xuống 5,73-3/4 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 13 US cent xuống 6,61-1/2 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 0,24 US cent tương đương 1,4% xuống 17,05 US cent/lb; đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London giảm 7,7 USD tương đương 1,7% xuống 440,8 USD/tấn.
Các đại lý cho biết triển vọng cây trồng thuận lợi tại Ấn Độ và Thái Lan, cùng với sản lượng tăng tại Brazil đã gây áp lực thị trường, trong khi tiêu thụ suy yếu.
Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn ICE giảm 2,95 US cent tương đương 1,9% xuống 1,5325 USD/lb; robusta kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn London tăng 4 USD tương đương 0,3% lên 1.600 USD/tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm theo xu hướng giá cao su trên sàn Thượng Hải và thị trường hàng hóa tại Trung Quốc suy giảm. Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Osaka giảm 1,9 JPY tương đương 0,8% xuống 237 JPY/kg. Cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải giảm 0,3% xuống 12.735 CNY/tấn, cùng với đó là thị trường kim loại tại Trung Quốc giảm hơn 1%.
Giá hàng hóa thế giới sáng 16/6/2021
gia hang hoa the gioi ngay 15/6

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg