Fed đã thể hiện một sự thay đổi rõ ràng về quan điểm và cho thấy dù ngân hàng này tiếp tục khẳng định rằng lạm phát chỉ là tạm thời, nhưng đánh giá chính thức của họ về rủi ro đối với nền kinh tế đã khắt khe hơn. Đồng USD mạnh lên khiến dầu trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác, từ đó làm giảm nhu cầu.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm gần 2% từ các mức cao nhất trong nhiều năm qua do đồng USD mạnh lên sau khi Fed phát đi tín hiệu có thể nâng lãi suất vào năm 2023.
Kết thúc phiên này, dầu Brent Biển Bắc giảm 1,31 USD, hay 1,8%, xuống 73,08 USD/thùng; dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 1,11 USD, hay 1,5%, xuống 71,04 USD/thùng.
Dù mức giảm nói trên trong phiên 17/6 là mức giảm mạnh nhất trong ngày tính theo phần trăm kể từ tháng Năm, nhưng cả hai loại dầu trên vẫn tăng hơn 40% tính đến thời điểm này của năm.
Trước đó, trong phiên ngày 16/6, giá dầu Brent kết thúc ở mức cao nhất kể từ tháng 4/2019, trong khi dầu WTI ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Những lo ngại về nhu cầu dầu đã quay trở lại sau khi nước Anh ghi nhận 11.007 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày 17/6, tăng 9.055 ca so với ngày trước đó, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ ngày 19/2.
Ngoài ra, những lo ngại về khả Iran sẽ quay trở xuất khẩu dầu cũng ảnh hưởng đến giá trong phiên này. Tuy nhiên, giới đầu tư cho rằng cuộc bầu cử tổng thống ngày 18/6 tại Iran có thể khiến các cuộc đàm phán về hạt nhân giữa Washington và Tehran thất bại và các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ của Iran vẫn có hiệu lực.
Edward Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cáo của công ty OANDA, cho rằng sự gia tăng số ca nhiễm ở Anh bất chấp tiến trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ là hồi chuông cảnh báo về việc tái mở cửa nhanh chóng ở những nước châu Âu còn lại, trong khi những bình luận tích cực hơn từ vòng đàm phán cuối cùng giữa Iran và Mỹ sẽ thúc đẩy hoạt động chốt lời.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm hơn 2% do xu hướng bán tháo các kim loại quý, palladium có phiên giảm giá nhiều nhất trong vòng hơn một năm qua. Nguyên nhân chủ yếu do USD mạnh lên sau khi Fed thông báo về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ.
Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay giảm 2%, xuống 1.776,10 USD/ounce, sau khi có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 3/5 là 1.766,29 USD/ounce; giá vàng giao sau giảm 4,7%, xuống 1.774,80 USD/ounce.
Trong phiên này, giá palladium giảm 10% xuống 2.517,18 USD/ounce và bạch kim giảm 6,6% xuống 1.048,44 USD/ounce.
Đa phần trong số 11 quan chức Fed ngày 16/6 dự đoán lãi suất của ngân hàng này sẽ tăng ít nhất 0,5 điểm phần trăm vào năm 2023, mặc dù các quan chức Fed vẫn cam kết giữ chính sách hỗ trợ cho đến thời điểm hiện tại để khuyến khích sự phục hồi việc làm.
Đồng USD lên mức cao nhất trong hơn hai tháng làm mất đi sức hấp dẫn của vàng đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, đồng thời đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng vọt, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng, tài sản không sinh lời.
Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali của TD Securities cho biết nhu cầu vàng vật chất suy yếu và dòng đầu cơ vào vàng chậm lại, hai xu hướng đều bắt đầu trước cuộc họp của Fed, cũng có thể giúp thúc đẩy một đợt giảm giá tiếp theo.
Fed cũng cho biết họ sẽ xem xét liệu có nên giảm bớt việc mua tài sản của mình tại cuộc họp chính sách tiếp theo hay không, qua đó càng tạo thêm sức ép giảm cho vàng.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá quặng sắt tăng bởi sản lượng thép thô tháng qua của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục và nhu cầu tăng mạnh.
Trên sàn Đại Liên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2021 tăng 1% lên 1.224 CNY (190,31 USD)/tấn. Trên sàn Thượng Hải giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2021 tăng 0,3% lên 5.101 CNY/tấn, giá thép cuộn cán nóng tăng 0,3% lên 5.371 CNY/tấn. Giá thép không gỉ kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 0,7% xuống 16.160 CNY/tấn.
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng do USD mạnh lên và thông tin Trung Quốc xuất bán đồng dự trữ.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 4% xuống 9.285 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 20/4/2021 (9.276 USD/tấn).
Fed cho biết những thay đổi đối với chính sách bao gồm việc tăng lãi suất và kết thúc việc mua trái phiếu, có thể xảy ra sớm hơn so với dự kiến. Điều này đẩy đồng USD lên mức cao nhất 2 tháng, khiến hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh đắt và ít hấp dẫn hơn tiền tệ khác.
Ngoài ra, giá đồng chịu áp lực giảm bởi nước tiêu thụ hàng đầu – Trung Quốc – có kế hoạch giải phóng kim loại công nghiệp từ kho dự trữ quốc gia để kiềm chế giá hàng hóa tăng cao.
Trên thị trường nông sản, giá ngô và đậu tương Mỹ giảm trong bối cảnh thời tiết thuận lợi tại khu vực Trung tây Mỹ thúc đẩy năng suất cây trồng. Giá ngô kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 40 US cent xuống 6,33 USD/bushel, giá đậu tương kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 18-3/4 US cent xuống 13,29-3/4 USD/bushel và giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 giảm 90-1/2 US cent xuống 12,52-3/4 USD/bushel – dưới ngưỡng 13 USD/bushel – lần đầu tiên kể từ tháng 4/2021. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 7/2021 giảm 23-3/4 US cent xuống 6,39 USD/bushel, sau khi giảm xuống 6,37-1/4 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 14/4/2021.
Giá đường thô chạm mức thấp nhất gần 2 tháng, do đồng USD tăng, thị trường chứng khoán và thị trường hàng hóa khác giảm, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết có thể tăng lãi suất sớm hơn so với dự kiến.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7/2021 trên sàn ICE giảm 0,49 US cent tương đương 2,9% xuống 16,55 US cent/lb, trong đầu phiên giao dịch chạm mức thấp nhất kể từ ngày 20/4/2021 (16,52 US cent/lb); đường trắng kỳ hạn tháng 8/2021 trên sàn London giảm 12 USD tương đương 2,7% xuống 425 USD/tấn, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất hơn 2 tháng (422 USD/tấn).
Giá cà phê cũng giảm mạnh trong phiên này. Theo đó, cà phê Arabica kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 3,85 US cent tương 2,5% xuống 1,516 USD/lb, trước đó trong phiên chạm mức thấp nhất kể từ ngày 24/5/2021 (1,58 USD/lb); robusta kỳ hạn tháng 9/2021 giảm 31 USD tương đương 1,9% xuống 1.598 USD/tấn.
Nguồn cung thắt chặt và nhu cầu suy yếu đã hạn chế doanh số bán cà phê tại Việt Nam, trong khi hoạt động giao dịch tại Indonesia gia tăng khi vụ thu hoạch bắt đầu.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng trong phiên giao dịch trầm lắng, do đồng JPY suy yếu so với đồng USD. Tuy nhiên, mối lo ngại động thái ổn định giá hàng hóa của Trung Quốc và nguồn cung gia tăng sau mùa đông đã hạn chế đà tăng giá.
Giá cao su kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn Osaka tăng 0,3 JPY lên 235,5 JPY (2,1 USD)/kg.
Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2021 trên sàn Thượng Hải tăng 25 CNY lên 12.780 CNY
Giá hàng hóa thế giới sáng 18/6/2021
gia hang hoa the gioi

 

Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg