Trên thị trường năng lượng, giá dầu tiếp tục tăng mạnh lên những mức cao mới. Theo đó, dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kết thúc phiên tăng 1,31 USD (1,7%) lên 78,93 USD/thùng, trong phiên có lúc giá twang hơn 2% lên 79,48 USD/thùng, cao nhất trong gần 7 năm; giá dầu Brent Biển Bắc kết thúc phiên cũng tăng 1,3 USD (1,6%) lên 82,56 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 83,13 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng 3 năm.
Hai phiên liền trước, giá cả 2 loại dầu đều tăng từ 1,5 – 2% mỗi phiên sau khi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu đồng minh, hay còn gọi là OPEC+ tuân thủ thỏa thuận tăng sản lượng hiện có thay vì tăng thêm lượng dầu đưa ra thị trường.
Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu đã tăng hơn 50%, thêm vào đó là áp lực lạm phát khiến các quốc gia tiêu thụ dầu như Mỹ và Ấn Độ lo ngại nền kinh tế sẽ khó phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Ngày 4/10, OPEC+ đã nhất trí tuân thủ thỏa thuận đạt được hồi tháng 7/2021, trong đó tăng sản lượng khoảng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng cho đến ít nhất tháng 4/2021, để bù đắp dần lượng cắt giảm 5,8 triệu thùng/ngày trong kế hoạch hạn chế sản lượng hiện có.
Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty tư vấn và môi giới đầu tư Price Futures Group ở Chicago (Mỹ) cho biết thị trường nhận thấy nguồn cung có thể thắt chặt trong vài tháng tới, trong khi OPEC có vẻ hài lòng với tình hình đó.
Cuối tháng trước, Ủy ban kỹ thuật hỗn hợp của OPEC+ (JTC) dự báo việc nguồn cung sẽ thiếu hụt 1,1 triệu thùng/ngày trong năm nay, có thể chuyển thành dư thừa 1,4 triệu thùng/ngày trong năm 2022.
Bất chấp sức ép tăng sản lượng, OPEC+ lo ngại rằng làn sóng lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu lần thứ tư có thể ảnh hưởng đến sự phục hồi nhu cầu.
Gary Cunningham, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy, cho biết giá khí đốt tự nhiên toàn cầu đang tăng vọt, có thể khuyến khích một số nhà máy phát điện chuyển từ khí đốt sang dầu, có nghĩa là giá dầu thô có khả năng vẫn được hỗ trợ mặc dù có thể có một đợt giảm giá ngắn hạn.
Theo ông Gary, giá dầu Brent dự kiến sẽ tìm thấy ngưỡng hỗ trợ 80 USD/thùng, còn dầu WTI trong khoảng giữa 70 USD/thùng.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi số liệu về kho dự trữ dầu thô của Mỹ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, công bố ngày 6/10 để có hướng giao dịch. Một cuộc thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô và sản phẩm chưng cất của Mỹ có thể đã giảm vào tuần trước.
Trên thị trường kim loại quý, giá vàng giảm do USD và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,5% xuống 1.760,3 USD/ounce, giảm phiên đầu tiên trong 4 phiên, vàng giao sau giảm 0,4% xuống 1.760,9 USD/ounce.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất gần 1 năm so với rổ 6 tiền tệ chủ chốt khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác. Đồng thời, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 6/2021, đạt 1,5670%.
Các nhà đầu tư đang chờ báo cáo về số việc làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ, sẽ được công bố vào ngày 8/10, dự kiến sẽ tiếp tục cải thiện - điều có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ bắt đầu giảm bớt kích thích tiền tệ trước cuối năm nay.
Về những kim loại cơ bản khác, giá bạc giao tháng 12/2021 giảm 3,6 US cent, hay 0,16%, xuống 22,608 USD/ounce; bạch kim giao tháng 1/2022 giảm 1,8 USD, hay 0,19%, xuống 959,8 USD/ounce.
Trên thị trường kim loại công nghiệp, giá đồng giảm do đồng USD tăng mạnh trước khi Mỹ công bố số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp và mối lo ngại kéo dài về vụ Evergrande của Trung Quốc. Theo đó, giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 1,2% xuống 9.144 USD/tấn. Lượng đồng lưu kho trên àn LME đã giảm hơn một nửa kể từ giữa tháng 8, xuống 100.250 tấn, trong khi lượng đồng ở sàn Thượng Hải thấp nhất kể từ 2009, là 43.525 tấn.
Các kim loại cơ bản khác trên sàn London phiên này biến động thất thường. Theo đó, giá nhôm giảm 0,5% xuống 2.901 USD/tấn, kẽm tăng 1% lên 3.046 USD, chì tăng 0,8% lên 2.164 USD, thiếc tăng 1,6% lên 35.000 USD trong khi nickel giảm 0,9% xuống 18.080 USD.
Trên thị trường nông sản, giá đậu tương Mỹ tăng 1,3%, do thị trường năng lượng tăng thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu sinh học - sản xuất từ đậu tương. Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 tăng 15-3/4 US cent lên 12,51-1/2 USD/bushel, giá dầu đậu tương kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 2,31 US cent lên 61,14 US cent/lb. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 3-1/4 US cent xuống 5,37-1/2 USD/bushel. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 11-3/4 US cent xuống 7,44-3/4 USD/bushel.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 0,16 US cent tương đương 0,8% lên 19,85 US cent/l; đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn London tăng 4,9 USD tương đương 1% lên 507,5 USD/tấn.
Nhà môi giới StoneX cho biết, nguồn cung đường toàn cầu dự kiến sẽ được cải thiện trong niên vụ 2021/22, do sản lượng tăng cao tại châu Á và châu Âu.
Giá cà phê arabica giảm hơn 4%, do mưa thúc đẩy năng suất cây trồng cà phê tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil; cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London giảm 37 USD tương đương 1,7% xuống 2.111 USD/tấn; cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn ICE giảm 8,45 US cent tương đương 4,2% xuống 1,919 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 2 tháng (2,0685 USD/lb) trong phiên trước đó.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng, sau khi chính phủ mới của Nhật Bản cam kết thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế.
Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Osaka tăng 3,2 JPY tương đương 1,5% lên 211 JPY/kg.
Bộ trưởng Kinh tế mới Daishiro Yamagiwa cho biết, chính phủ Nhật Bản sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi đại dịch.