Giá dầu tăng mạnh nhất trong vòng một năm
Giá dầu thế giới tháng 1/1021 tăng mạnh nhất trong vòng một năm do nguồn cung thiếu hụt và căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông.
Phiên cuối cùng của tháng, ngày 31/1, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 4 tăng 74 US cent, tương đương 0,8%, đạt 89,26 USD/thùng; dầu Brent kỳ hạn tháng 3 tăng 1,18 USD, tương đương 1,3%, lên 91,21 USD.
Dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) phiên này cũng tăng 1,33 USD, tương đương 1,5%, đóng cửa ở mức 88,15 USD/thùng, gần sát mức cao nhất kể từ 2014.
Mặc dù vậy, tính chung cả tháng 1, giá cả hai loại dầu đều tăng gần 20%, theo đó dầu Brent tăng 17% còn WTI tăng 18%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2021.
Căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu và Trung Đông đang làm dấy lên lo ngại về gián đoạn nguồn cung và dự trữ dầu và nhiên liệu thương mại ở các nước OECD, vốn đang ở mức thấp nhất trong 7 năm, theo IEA.
Các nhà phân tích và các thương gia đều dự đoán OPEC + (tổ chức gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu) sẽ giữ nguyên chính sách tăng dần sản lượng khi nhóm họp vào thứ Tư (3/2). Nhóm này hàng đã tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8/2021. Tuy nhiên, gần đây, OPEC+ đã không đạt mục tiêu tăng sản lượng do một số thành viên của nhóm chật vật với tình trạng công suất bị hạn chế.
Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ cấp cao của Rystad Energy cho biết: “Nguồn cung tăng 400.000 thùng/ngày mỗi tháng là vô cùng quan trọng đối với thị trường, nhưng nhóm đã không thực hiện đầy đủ mức tăng đó”, "Do đó, giải pháp ngắn hạn duy nhất để cân bằng cho thị trường dầu đang mất cân đối cung – cầu là thị trường sẽ cần thêm dầu đến từ OPEC + - được chỉ đạo bởi Saudi Arabia, nhà sản xuất có công suất dự phòng lớn nhất trong khối."
Tuy nhiên, kết quả thăm dò của Reuters cho thấy sản lượng dầu của OPEC trong tháng 1 đã một lần nữa cho thấy kế hoạch các thành viên thực hiện thỏa thuận tăng sản lượng dầu thêm 400.000 thùng/tháng khó đạt được đầy đủ do một số nhà sản xuất trong nhóm chật vật để bơm thêm dầu, mặc dù giá dầu đang cao nhất trong vòng 7 năm.
Căng thẳng địa chính trị, liên quan đến các nhà sản xuất dầu lớn là Nga và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã gia tăng trong tháng qua.
Người đứng đầu NATO hôm Chủ nhật (30/1) cho biết châu Âu cần đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng vì Anh cảnh báo "rất có khả năng” Nga đang tìm cách tấn công Ukraine.
Thị trường cũng đang cảnh giác với tình hình ở Trung Đông sau khi UAE cho biết họ đã đánh chặn một tên lửa đạn đạo do phiến quân Houthi của Yemen bắn khi quốc gia vùng Vịnh tiếp đón Tổng thống Israel, Isaac Herzog, trong chuyến thăm đầu tiên.
Kim loại quý: Giá vàng tháng 1 giảm, giá palladium tăng mạnh nhất 14 năm
Giá vàng giảm 1,7% trong tháng 1, trong khi bạc giảm 3,6% bởi dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp tăng lãi suất. Trái lại, giá palladium tăng mạnh nhất kể từ tháng 2/2008.
Phiên cuối tuần, giá vàng tăng. Cụ thể, vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.797,79 USD/ounce, nhưng tính chung cả tháng giảm 1,7%; vàng kỳ hạn tháng 4/2022 tăng 0,6% lên 1.796,40 USD.
Chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, Bob Haberkorn, cho biết: “Đồng USD đã tăng so với các đồng tiền khác do kỳ vọng Fed tăng lãi suất trong khi các ngân hàng trung ương khác vẫn chưa thực sự bắt đầu một động thái tương tự đã tạo ra vấn đề đối với vàng”.
Chỉ số đồng USD cao hơn khiến vàng, vốn được định giá bằng đồng tiền này, trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác. Dự báo về 5 đợt tăng lãi suất của Fed có thể diễn ra trong năm nay đã khiến thị trường vàng “hoảng sợ” một chút, và vàng đang cạnh tranh với trái phiếu khi nó là loại tài sản không có lãi suất.
Fed có kế hoạch tăng lãi suất vào tháng 3/2022, với giả định nền kinh tế sẽ “rũ bỏ” được những tác động đáng kể từ biến thể mới Omicron gây đại dịch COVID-19 và tiếp tục tăng trưởng ở mức ổn định.
Trong khi đó, giá palladium giao ngay lại giảm 0,8% trong phiên 31/1, xuống 2.357,69 USD/ounce, nhưng tính chung cả tháng 1 tăng khoảng 24,6%, mức tăng tốt nhất kể từ tháng 2/2008.
Nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS (Thụy Sỹ) cho biết: “Những lo ngại về việc nguồn cung palladium từ Nga gián đoạn nếu cuộc khủng hoảng Ukraine leo thang đã hỗ trợ giá kim loại quý này đi lên trong những tuần gần đây”. Tuy nhiên, hiện vẫn không chưa có sự gián đoạn nào đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu kim loại này từ Nga.
Giá bạc phiên 31/1 cũng tăng 0,1%, lên 22,43 USD/ounce và ước giảm khoảng 3,6% trong tháng 1/2022; giá bạch kim tăng 1,2% trong phiên này, lên 1.019,94 USD/ounce, hướng tới tháng tăng tốt nhất kể từ tháng 10/2021.
Kim loại công nghiệp: Giá đồng tháng 1 giảm mạnh nhất 5 tháng
Giá đồng tăng trong phiên 31/1 do đồng USD giảm, nhưng khối lượng giao dịch không nhiều do thị trường tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – Trung Quốc – đống cửa nghỉ Tết một tuần. Đồng USD yếu đi trong khi thị trường chứng khoán tăng điểm thúc đẩy nhà đầu tư có nhu cầu đối với các tài sản rủi ro cao.
Theo đó, đồng hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,3% lên 9.536 USD/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 1, giá đồng giảm mạnh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái do thị trường chuẩn bị tinh thần cho việc Fed nâng lãi suất.
Nhà phân tích hàng hóa Daniel Briesemann của Commerzbank cho biết: “Giao dịch sẽ tương đối trầm lắng trong suốt cả tuần do Tết Nguyên đán.
Đối với những kim loại cơ bản khác, giá nhôm phiên 31/8 giảm 1,8% xuống 3.027 USD/tấn, song tính chung cả tháng 1 giá tăng hơn 9%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020 do sản lượng giảm, nhu cầu ổn định và lo ngại rằng xung đột liên quan đén Ukraine leo thang có thể làm gián đoạn xuất khẩu của nhà sản xuất nhôm lớn - Nga.
Giá kẽm phiên này giảm 0,6% xuống 3.589 USD/tấn, chì giảm 0,9% xuống 2.242 USD, thiếc tăng 3% lên 42.900 USD và nickel ổn định ở mức 22.350 USD. Tính chung trong tháng 1, giá kim loại cơ bản hầu hết tưng.
Nông sản: Giá đậu tương và ngô tăng mạnh
Phiên 31/1, giá lúa mì Mỹ kỳ hạn tương lai giảm hơn 3% xuống mức thấp nhất trong gần hai tuần do dự báo các khu vực trồng lúa mì ở đồng bằng nước Mỹ sẽ có mưa và xung đột có thể xảy ra giữa Nga và Ukraine. Theo đó, lúa mì kỳ hạn tháng 3 trên sàn Chicago giảm 25 US cent xuống 7,61-1/4 USD/bushel, tính chung cả tháng 1, giá lúa mì ít thay đổi.
Trong khi đó, giá ngô kết thúc phiên cuối tháng giảm khỏi mức cao lúc đầu phiên, với ngô giao cùng kỳ hạn giảm 10 cent xuống 6,26 USD/bushel. Tính chung tháng 1, giá ngô tăng hơn 6%.
Giá đậu tương phiên cuối tháng tăng lên mức cao nhất trong vòng 7 tháng bởi dự đoán hạn hán ở Nam Mỹ có thể khiến nhu cầu trên thế giới chuyển hướng sang đậu tương Mỹ. Đậu tương trên sàn Chicago tăng 20-1/2 cent lên 14,90-1/2 USD/bushel vào lúc đóng cửa, trong phiên có lúc giá đạt mức cao nhất kể từ ngày 14/6. Tính chung cả tháng 1, giá đậu tương tăng hơn 10%.
Các cơ quan tư vấn kinh doanh nông nghiệp AgRural và AgResource đã cắt giảm dự báo về vụ đậu tương 2021/22 của Brazil do thời tiết xấu, ước tính sản lượng dự kiến dưới ngưỡng 130 triệu tấn. AgRural dự kiến thu hoạch của Brazil đạt 128,5 triệu tấn, giảm so với 133,4 triệu trước đó.
Giá đường phiên cuối tháng tăng nhẹ khỏi mức thấp nhất 3 tuần và kết thúc chuỗi 7 phiên giảm liên tiếp.
Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,02 cent hay 0,1%, lên 18,22 US cent/lb. Giá đường trắng giao tháng 3 phiên này cũng giảm 2,70 USD, tương đương 0,5% xuống 492,50 USD/tấn. Tính chung cả tháng 1, giá đường giảm nhẹ.
Giao dịch đường gần đây thưa thứt và mưa lớn ở Brazil cuối tuần qua giúp cải thiện triển vọng sản lượng đường nước này là những yếu tô gây áp lực lên giá đường trong thời gian qua.
Triển vọng sản lượng ở Ấn Độ cải thiện cũng ảnh hưởng đến giá. Theo đó, Ấn Độ có khả năng sản xuất 31,45 triệu tấn đường trong niên vụ tiếp thị 2021/22, nhiều hơn gần 3,1% so với ước tính trước đó, với sản lượng dự kiến sẽ tăng vọt ở bang trọng điểm phía tây, Maharashtra.
Nhà phân tích Green Pool dự kiến thị trường đường toàn cầu trong niên vụ 2022/23 sẽ thiếu hụt chút ít.
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 giảm 18 USD, tương đương 0,8% xuống 2.175 USD/tấn vào lúc kết thúc phiên, sau khi có thời điểm chạm mức thấp nhất trong ba tháng, là 2.161 USD; cà phê arabica phiên này cũng giảm 0,8%, tương đương 0,3%, xuống 2,351 USD/lb. Tính chung cả tháng 1 giá tăng nhẹ.
Các đại lý cho biết đà tăng xuất khẩu từ nhà sản xuất robusta hàng đầu thế giới, Việt Nam, đã làm giảm bớt lo ngại về tình trạng khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn và giúp thị trường hạ nhiệt.
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản đạt mức cao nhất một tuần do kỳ vọng giá dầu tăng sẽ khuyến khích việc chuyển từ cao su tổng hợp sang cao su thiên nhiên. Thị trường chứng khoán Tokyo tăng cũng góp phần đẩy giá cao su đi lên.
Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 7 trên sàn Osaka tăng 5,4 yên, tương đương 2,3%, lên 244,8 yên (2,1 USD)/kg, cao nhất kể từ ngày 21 tháng 1. Tính chung trong tháng 1, giá cao su tăng 2,9%, đảo chiều mức giảm trong tháng liền trước đó.
Giá dầu tăng lên mức cao nhất 7 năm đã đẩy giá cao su tăng lên.
Thị trường cao su Trung Quốc và Singapore đóng cửa nghỉ Tết.

Giá hàng hóa thế giới

Nguồn: Vinanet/VITIC (Theo Reuters, Bloomberg)