Năng lượng: Giá dầu giảm chuỗi dài nhất trong gần 20 tháng
Giá dầu phiên cuối tuần tiếp tục đà giảm. Kết thúc phiên 16/11, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2,35 USD tương đương 2,9% xuống 78,89 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 30/9; dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 2,91 USD tương đương 3,6% xuống 76,01 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 1/10; dầu WTI kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2,65 USD tương đương 3,4% xuống 75,78 USD/thùng.
Tính chung cả tuần này, giá dầu WTI giảm 5,8%, trong khi giá dầu Brent giảm 4%. Đây là tuần thứ tư liên tiếp cả hai loại dầu này giảm xuống, chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 3/2020.
Cả hai loại dầu đều có tuần giảm thứ 4 liên tiếp, chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 3/2020.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay giá dầu Brent tăng gần 60%, do các nền kinh tế hồi phục trở lại từ đại dịch và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, được gọi là OPEC+ chỉ tăng dần sản lượng.
Giá dầu giảm trong phiên cuối tuần do phản ứng tiêu cực với lệnh phong tỏa mới ở Áo, và số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Âu. Tình hình này có thể làm giảm nhu cầu dầu nếu nhiều nước hơn tái áp đặt các biện pháp phòng dịch.
Chính phủ Áo ngày 19/11 thông báo nước này bước vào thời kỳ phong tỏa toàn quốc kéo dài 10 ngày vào tuần tới. Đầu tuần này, Áo đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm phòng COVID-19, song số ca mắc COVID-19 mới vẫn liên tục tăng thậm chí vượt mức đỉnh cách đây một năm, khi nước này thực thi biện pháp phong tỏa. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết có khả năng Đức phải áp đặt lệnh phong tỏa tại một buổi họp báo ngày 19/11. Chính phủ nước này cũng đã ban hành các quy định hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Louise Dickson của công ty kinh doanh và nghiên cứu năng lượng độc lập Rystad Energy (Na Uy) cho biết thị trường hiện dường như ít lo ngại hơn về vấn đề khan hiếm nguồn cung, vì đa phần đều nhận định tình trạng này chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo khả năng sớm xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung, trong khi số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Âu phủ bóng liên triển vọng phục hồi của nhu cầu. Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Suhail al-Mazrouei mới đây đã đánh giá có nhiều dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu sẽ thặng dư trong quý I/2022. Còn Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo dự kiến nguồn cung dư thừa có thể xảy ra sớm nhất là vào tháng 12/2021 và thị trường sẽ vẫn dư cung trong năm tới.
OPEC mới đây đã hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý IV/2021 khoảng 330.000 thùng/ngày so với dự báo của tháng trước, trong bối cảnh giá năng lượng cao cản trở sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
IEA dự báo giá dầu Brent trung bình ở mức khoảng 71,5 USD/thùng trong năm 2021 và 79,4 USD/thùng trong năm 2022. Trong khi theo hãng thông tấn TASS (Nga), tập đoàn dầu khí Rosneft của Nga dự đoán loại dầu này có thể chạm mức 120 USD/thùng trong nửa cuối năm 2022.
Kim loại quý: Giá vàng giảm nhẹ
Giá vàng thế giới chốt phiên cuối tuần ở mức thấp nhất trong hơn một tuần qua, trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh và đồng USD tăng lên mức cao nhất trong khoảng 16 tháng qua. Kết thúc phiên 19/11, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.848,05 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 0,5% xuống 1.851,6 USD/ounce.
Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới OANDA, cho biết: “Giá vàng đang giảm sau khi một số lãnh đạo của Fed nói về việc tăng tốc độ giảm kích thích kinh tế, thúc đẩy USD mạnh lên.
Chỉ số đồng USD phiên này tăng 0,5% so với giỏ các đồng tiền chủ chốt sau khi Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang, Christopher Waller kêu gọi sớm cắt giảm hỗ trợ kinh tế, nhằm thiết lập chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, khiến vàng trở nên đắt hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Lạm phát và những bài phát biểu của các quan chức Fed là chất xúc tác chính cho vàng, và ngay bây giờ các nhà giao dịch sẽ cần xem điều gì xảy ra trong vài tuần tới trước khi có niềm tin mạnh mẽ vào việc đánh giá những gì Fed sẽ làm liên quan đến lãi suất.
Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Hoa Kỳ, vì lãi suất tăng khiến cho vàng trở nên kém hấp dẫn.
Nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho biết trong một lưu ý rằng việc Châu Âu phong tỏa chống Covid giúp cho vàng có thêm động lực mới. Ông nói: “Các dữ liệu về lạm phát tăng mạnh gần đây, đặc biệt là việc lạm phát ở Mỹ tháng 10 lên đến 6,2%, có thể sẽ tiếp tục hỗ trợ vàng trong việc bảo vệ nhà đầu tư chống lại việc tài sản bị mất giá”.
Về những kim loại quý khác, giá bạc giảm 0,6% xuống 24,63 USD, bạch kim giảm 1,8% xuống 1.028,74 USD, trong khi palladium giảm 3,4% xuống 2.060,24 USD, đều giảm tuần đầu tiên trong vòng 3 tuần.
Kim loại công nghiệp: Giá giảm trong tuần qua
Giá đồng trên sàn London phiên cuối tuần tăng 2,4% lên 9.670 USD/tấn. Mặc dù vậy, tính chung cả tuần, đồng cũng như phần lớn các kim loại cơ bản khác đều giảm giá.
Lượng đồng lưu trữ trên sàn London hiện ở mức 89.875 tấn, giảm mạnh so với mức trên 250.000 tấn hồi tháng 8 và 27.300 tấn trong kho sắp được chuyển tới tay khách hàng.
Trong khi đó, giá nhôm trên sàn London phiên này tăng 2,5% lên 2.682 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt mức cao 2.697,5 USD/tấn.
Giá nhôm tăng sau một vụ nổ tại 1 nhà máy luyện ở Trung Quốc, làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung thắt chặt, cùng với đó là mối lo ngại thiếu hụt nguồn cung và tồn trữ ở mức thấp cũng thúc đẩy giá đồng tăng. Một nhà máy nhôm tại tỉnh Vân Nam Trung Quốc với công suất hàng năm đạt 300.000 tấn, đã ngừng sản xuất sau 1 vụ nổ, Thị trường Kim loại Thượng Hải cho biết.
Về những kim loại cơ bản khác, giá kẽm phiên cuối tuần tăng 2,7% lên 3,246 USD/tấn, chì tăng 0,3% lên 2,222 USD, nickel tăng 2% lên 20,030 USD và thiếc tăng 0,1% lên 38,505 USD.
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng trở lại sau 1 số thông tin tích cực từ lĩnh vực bất động sản của nước này. Tuy nhiên, các thương nhân vẫn thận trọng về triển vọng nhu cầu nguyên liệu tại nước sản xuất thép lớn nhất thế giới.
Phiên 19/11, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên kết thúc phiên tăng 2,5% lên 536 CNY (84 USD)/tấn. Lúc đầu phiên giao dịch, giá quặng sắt chạm 509,5 CNY/tấn – thấp nhất kể từ ngày 6/11/2020. Tính chung cả tuần, giá giảm tuần thứ 6 liên tiếp.
Trong khi đó, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Singapore phiên cuối tuần tăng 5,1% lên 90,6 USD/tấn; quặng sắt 62% Fe giao ngay tại cảng biển Trung Quốc phiên 18/11 chạm 90 USD/tấn – thấp nhất 18 tháng, theo dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Nông sản: Giá ngũ cốc và đường tăng nhẹ, cà phê tăng mạnh
Trong phiên giao dịch cuối tuần 19/11, giá các mặt hàng nông sản tại sàn giao dịch nông sản Chicago (Mỹ) CBOT biến động trái chiều. Trong khi giá ngô và đậu tương đều giảm, giá lúa mỳ tăng do hoạt động mua vào mạnh đẩy giá lúa mì lên mức cao nhất gần nhiều năm đạt được trong đầu tuần này.
Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 3/2022 tăng 3-1/2 US cent lên 8,34-1/4 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 1/2022 giảm 2 US cent xuống 12,63-1/4 USD/bushel; ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 2-1/4 US cent xuống 5,7-3/4 USD/bushel.
Giá lúa mỳ kỳ hạn tương lai tăng do dự báo có thêm những trận mưa lớn ở miền Đông Australia. Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago (Mỹ) lưu ý rằng, thị trường vẫn lạc quan bởi sự điều chỉnh giá ngũ cốc có thể mở ra dòng tiền hỗ trợ và các tổ chức đầu tư sẽ xem xét thêm mặt hàng này vào danh mục đầu tư của họ.
Các thương nhân châu Âu cho biết, Trung Quốc đã đặt 200.000-250.000 tấn lúa mì làm thức ăn chăn nuôi của Pháp trong 36 giờ qua. Tuần trước, Trung Quốc đã đặt mua 700.000-900.000 tấn ngô của Ukraine, với tổng lượng ngô nhập khẩu từ Ukraine của Trung Quốc trong giai đoạn 2021-2022 ước tính lên tới 7-10 triệu tấn.
Dự kiến, một đợt mưa với lượng nước vừa phải hoặc thậm chí lớn sẽ kéo dài trên khắp miền Bắc Brazil đến ngày 29/11 tới. Tuy vậy, nông dân Brazil đang trông mong thời tiết sẽ nắng và khô ráo hơn để làm chậm lại sự lây lan dịch bệnh mới xuất hiện trên đậu tương.
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 0,9% xuống 19,99 US cent/lb, trong phiên trước đó đạt 20,69 US cent/lb – cao nhất kể từ tháng 2/2017; đường trắng kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn London giảm 0,8% xuống 512,6 USD/tấn.
Giá cà phê arabica đạt mức cao nhất gần 10 năm trước khi giảm nhẹ vào cuối phiên, do nguồn cung tại các nước sản xuất hàng đầu thắt chặt và lo ngại thời tiết bất lợi.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE tăng 1,9% lên 2,334 USD/lb, trong phiên có lúc đạt 2,3955 USD/lb – cao nhất kể từ tháng 1/2012; cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn London tăng 1,5% lên 2.245 USD/tấn.
Đồng real của Brazil giảm 0,73%, đưa tỷ giá xuống mức 5,6100 real/USD, thiết lập mức thấp mới, do thị trường chứng khoán Brazil đã có sự hồi phục trong ngày hết hạn quyền chọn mua.
Nhưng nỗi lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và bùng phát dịch COVID-19 ở châu Âu đã khiến đồng USD bật tăng và đẩy hầu hết các đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi vào thế bất lợi.
Trong khi đó, báo cáo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS), trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cho thấy nguồn cung cà phê toàn cầu trong niên vụ cà phê mới 2021/2022 sẽ không như dự kiến.
Giá cao su tại Nhật Bản tăng sau khi chính phủ nước này đưa ra gói chi tiêu gần nửa nghìn tỉ USD, nhằm xoa dịu tổn thất từ đại dịch và giúp tăng trưởng kinh tế cùng với nhu cầu hàng hóa công nghiệp.
Giá cao su kỳ hạn tháng 4/2022 trên sàn Osaka tăng 4,4 JPY tương đương 2% lên 229,8 JPY/kg. Tính chung cả tuần, giá cao su tăng 1,2% - tuần tăng thứ 2 liên tiếp; cao su kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 3,4% lên 14.935 CNY/tấn.
Giá hàng hóa thế giới

 

Nguồn: Vinanet / VITIC / Reuters, Bloomberg