Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2014 đạt 8.670 tỷ đồng, tăng 6,7 % so với năm 2013, đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Tuy nông nghiệp phát triển, nhưng đời sống của nông dân vẫn còn nghèo, thu nhập bấp bênh. Việc xây dựng cánh đồng lớn trong lĩnh vực trồng trọt là một trong những nhiệm vụ trọng tâm tỉnh thực hiện nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh...

Hiệu quả từ những mô hình cánh đồng lớn

Bà Mai Thị Thu Ga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Trà Vinh cho biết, mô hình cánh đồng lớn được thực hiện trên cây lúa từ vụ Hè Thu 2011. Đến nay, toàn tỉnh đã có 27 mô hình cánh đồng lớn cây lúa, tổng diện tích 4.327 ha, với 4.236 hộ trên địa bàn các huyện Châu Thành, Cầu Ngang, Trà Cú, Tiểu Cần, Cầu Kè và Càng Long tham gia.

Các hộ tham gia cánh đồng lớn cây lúa được hỗ trợ 40% chi phí giống lúa cấp nguyên chủng hoặc cấp xác nhận, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật sản xuất... Nhờ đó, các hộ giảm được chi phí sản xuất từ 1,3- 2,5 triệu đồng/ha, năng suất tăng từ 0,8-1 tấn/ha, chất lượng lúa tăng, giá tiêu thụ ổn định...

Ngoài ra, các hộ nông dân tham gia cánh đồng lớn còn có cơ hội được doanh nghiệp đầu tư chi phí sản xuất và bao tiêu đầu ra. Vụ Đông Xuân 2014-2015, Công ty Lương thực Trà Vinh đã bao tiêu 2.000 ha lúa tham gia cánh đồng lớn trong tỉnh và đầu tư hơn 1,7 tỷ đồng giống, vật tư đầu vào cho nông dân ở những cánh đồng lớn được bao tiêu. Vụ Hè Thu, Công ty Lương thực Trà Vinh tiếp tục bao tiêu 1.437 ha lúa tham gia cánh đồng lớn và đầu tư hơn 500 triệu đồng giống, vật tư đầu vào cho nông dân.

Ông Trần Văn Quân, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần cho biết, gia đình ông đang thu hoạch 0,7 ha lúa vụ Hè Thu, năng suất ước đạt trên 7,5 tấn/ha. Ngay từ đầu vụ, Công ty Lương thực Trà Vinh ký kết hợp đồng mua với giá 4.600 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông lãi trên 20 triệu đồng/ha.

Trong niên vụ 2015-2016 này, tỉnh Trà Vinh đã xây dựng 2 cánh đồng lớn cây mía đầu tiên có tổng diện tích 46,5 ha, với 67 hộ trên địa bàn xã Lưu Nghiệp Anh và Kim Sơn, huyện Trà Cú tham gia.

Để khuyến khích các hộ trồng mía tham gia cánh đồng lớn, Công ty Mía đường Trà Vinh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ như mía giống, phân bón và cho vay bằng tiền mặt tối đa 12 triệu đồng/ha. Lãi suất các khoản đầu tư được áp dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo từng thời điểm. Đến kỳ thu hoạch, Công ty thu hồi lại vốn và cam kết mua hết mía nguyên liệu theo giá thị trường, đảm bảo không thấp hơn giá mua của các nhà máy đường trong khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, Công ty Mía đường Trà Vinh còn cử cán bộ kỹ tuật hướng dẫn nông dân cách trồng, chăm sóc và bón phân cụ thể tùy thổ nhưỡng của từng cánh đồng mía lớn và thời vụ sản xuất của Công ty.

Theo ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, qua kiểm tra thực tế của ngành nông nghiệp huyện, diện tích mía trong cánh đồng lớn phát triển rất tốt, ít sâu bệnh hơn so với ngoài mô hình, khả năng cho năng suất cao… Từ đó, tạo được tâm lý phấn khởi cho nông dân trồng mía. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển các diện tích mía còn lại theo mô hình cánh đồng lớn.

Nhiều giải pháp phát triển

Đến năm 2020, tỉnh Trà Vinh phấn đấu có 9.281 ha đất sản xuất nông nghiệp sản xuất theo cánh đồng lớn. Bên cạnh đó, 100% nông dân trong cánh đồng lớn được hướng dẫn sản xuất theo hướng VietGAP; 50% cánh đồng lớn có tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động từ khá trở lên theo chuẩn nông thôn mới; 70% diện tích và sản lượng trong cánh đồng lớn được doanh nghiệp đầu tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm.

Theo đó, giai đoạn 2015-2020, tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào 8 dự án: phát triển vùng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; phát triển vùng sản xuất màu (bắp, khoai lang, màu thực phẩm); phát triển vùng sản xuất mía; phát triển sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái đặc sản; sản xuất giống cây ăn trái; sản xuất giống màu (bắp, màu thực phẩm); sản xuất giống mía; sản xuất giống đậu phộng.

Cùng với đó, tỉnh thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ cho các tổ chức đại diện của nông dân và nông dân khi tham gia vào kinh tế tập thể, xây dựng cánh đồng lớn. Giai đoạn này,UBND tỉnh Trà Vinh dành nguồn ngân sách gần 62 tỷ đồng để hỗ trợ khuyến khích các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản với quy mô trang trại, cánh đồng lớn, cơ sở chế biến lớn.

Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, hiện nay một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có nhu cầu đầu tư xây dựng cánh đồng lớn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm xây dựng vùng nguyên liệu ổn định để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh thời gian qua còn nhiều bất cập do tổ chức kinh tế hợp tác chưa phát triển, nông dân không tuân thủ đúng hợp đồng khi giá thị trường cao hơn, từ đó doanh nghiệp lo ngại khi ký hợp đồng trực tiếp với nông dân.

Đơn cử như vụ Đông Xuân 2014-2015, Công ty Lương thực Trà Vinh có kế hoạch bao tiêu 2.000 ha lúa tham gia cánh đồng lớn, nhưng thực tế, Công ty chỉ mua được 70% diện tích, khoảng 600 ha lúa còn lại, nông dân tự ý bán cho thương lái bên ngoài với giá cao hơn. Vì vậy, để thắt chặt mối liên kết "4 nhà" nhằm đảm bảo tính ổn định và hiệu quả trong sản xuất cánh đồng lớn, nông dân Trà Vinh cần thay đổi về nhận thức, nên xem trọng chữ tín của mình.

Theo ông Nguyễn Phú Sĩ, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Trà Vinh, Liên minh hợp tác xã và ngành nông nghiệp tỉnh cần hỗ trợ nông dân thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng phương thức sản xuất lúa hàng hóa tập trung, tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, có như vậy doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư hỗ trợ nông dân./.

Theo Thanh Hòa
TTXVN

Nguồn: TTXVN