Hiện tại nguồn cung Việt Nam, lượng cà phê trong dân không còn nhiều, chỉ khoảng 15%. Người dân chủ yếu bán ra một cách dè dặt, không ồ ạt. Theo các chuyên gia, về cơ bản, nguồn cung cà phê năm nay không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, do tình hình địa chính trị toàn cầu vẫn còn phức tạp, các khách hàng nhập khẩu hiện không còn xu hướng mua tích trữ như trước mà chuyển sang chiến lược mua vừa đủ theo nhu cầu thực tế, nhằm giảm thiểu rủi ro.
Chuyên gia thị trường cà phê Nguyễn Quang Bình nhận định các tín hiệu gần đây cho thấy chu kỳ tăng nóng của giá cà phê có thể đã kết thúc. Ông Bình cảnh báo: “Nếu không thay đổi mô hình sản xuất, nông dân cà phê Việt Nam sẽ gặp khó. Đã đến lúc cần liên kết để mở rộng quy mô, giảm chi phí, tăng tiếng nói trên thị trường quốc tế".
Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, chương trình “Tôn vinh cà phê – trà Việt lần 3” do Báo Người Lao Động tổ chức sẽ diễn ra tại Trung tâm thương mại Gigamall (TP Thủ Đức, TP HCM) vào hai ngày 17 và 18/5/2025 với nhiều hoạt động hấp dẫn như trình diễn pha chế, trải nghiệm sản phẩm vùng miền, kết nối doanh nghiệp, tọa đàm chuyên đề… Sự kiện là cơ hội để các nhà sản xuất, nông hộ và người tiêu dùng cùng nhìn lại hành trình phát triển của ngành cà phê – trà Việt, đồng thời mở ra hướng đi bền vững hơn trong tương lai.
Trên hai sàn giao dịch thế giới, giá cà phê arabica và cà phê robusta có diễn biến trái chiều, với arabica tăng giá trong khi robusta giảm xuống mức thấp nhất một tháng, bởi nguồn cung được hỗ trợ khi vào vụ thu hoạch mới từ Indonesia và Brazil, cùng tồn kho tăng. Giá arabica KCc2 trên sàn New York tăng 10,2 cent, tương đương 2,8% lên mức 375 US cent/lb. Giá robusta LRCc2 trên sàn London giảm 39 USD, tương đương 0,8% xuống ở 4.971 USD/tấn, sau khi chạm mức thấp nhất 1 tháng ở 4.886 USD/tấn.
Tồn kho trên sàn giao dịch đã đạt mức cao nhất 7,5 tháng với 47.550 tấn tính đến ngày 14/5/2025, so với mức 42.250 tấn hồi cuối tháng 4/2025 và mức 41.130 tấn trong cùng kỳ năm trước.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters, Báo Người Lao Động