2 quốc gia nắm giữ ảnh hưởng mạnh nhất tới triển vọng nguồn cung đậu tương toàn cầu là Brazil và Argentina. Công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp Agroconsult cho biết, Brazil dự kiến sẽ thu hoạch vụ đậu tương kỷ lục 155 triệu tấn trong niên vụ hiện tại, từ mức 152 triệu tấn trước trong ước tính trước, ngay cả khi hạn hán làm giảm sản lượng tại bang sản xuất lớn là Rio Grande do Sul. Theo dữ liệu của Agroconsult Brazil sẽ thu hoạch đến 160 triệu tấn nếu không có thời tiết khô hạn ở miền nam Brazil, đặc biệt là Rio Grande do Sul, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi La Nina. Các nhà phân tích của Agroconsult cho biết năng suất đậu tương trung bình tại các cánh đồng ở mức 59.1 bao/héc-ta, thấp hơn mức kỷ lục mọi thời đại là 59.4 bao/héc-ta trong niên vụ 2020/21. Xuất khẩu đậu tương trong năm nay dự báo sẽ đạt mức 96 triệu tấn.
Trong khi đó, hiện tượng La Nina đang dần biến mất và chuyển đổi sáng hiện tượng El Nino. Chuỗi 3 năm liên tiếp của La Nina đã gây ra tình trạng khô hạn nghiêm trọng nhất tại Argentina trong nhiều năm qua và mô hình thời tiết thay đổi là thông tin đáng mừng với nông dân. Độ ẩm gia tăng trong giai đoạn này mặc dù không còn nhiều ý nghĩa trong việc thay đổi triển vọng sản lượng cây trồng nhưng cũng sẽ giúp cải thiện phần nào đối với đậu tương trồng muộn. Đối với cả 2 nước sản xuất lớn hiện nay, nguồn cung chính là yếu tố bearish đối với giá.

Giá cà phê khả năng cao sẽ vẫn tiếp tục biến động do thông tin cơ bản đang diễn biến trái chiều
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/03, hai mặt hàng cà phê tiếp tục khởi sắc khi những lo ngại trên thị trường tài chính dịu bớt và tồn kho trên Sở ICE suy yếu. Cụ thể, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE New York giảm phiên thứ 2 liên tiếp về mức 775,785 bao và tồn kho Robusta trên Sở ICE London giảm 100 tấn, về mức 75,860 tấn, đã thúc đẩy giá Arabica tăng 1% và Robusta tăng 2% so với mức tham chiếu.
Giá cà phê giao ngay tại Brazil tiếp tục ghi nhận sự suy yếu so với truần trước đó với mức giá cao nhất đạt 1,001.5 Real, giảm khá nhiều so với mức 1,140 Real trong tuần trước đó. Sự suy yếu trong giá hàng thực rất có thể tác động lại giá giao dịch trên Sở ICE, khiến mặt hàng này tiếp tục chịu sức ép giảm.
Vấn đề nguồn cung trên thị trường, đặc biệt tại Brazil, đang cho thấy sự hồi phục nhưng chưa thực sự ổn định. Theo đó, xuất khẩu Arabica trong 21 ngày đầu tháng 3 tại quốc gia này đạt 1.9 triệu bao, tăng mạnh so với 1.3 triệu bao của cùng kỳ tháng trước, cũng như những dự báo nguồn cung nới lỏng trong niên vụ 2023/24 so với 2 niên vụ trước đang là nhân tố gây áp lực lên giá. Tuy vậy, số liệu xuất khẩu hiện tại vẫn kém xa mức 3.3 triệu bao trong tháng 3 năm ngoái, đồng thời mứ bán trung bình hàng ngày tính đến 08/03 chỉ đạt 6,067 tấn, giảm mạnh 35% so với cùng kỳ 2022, tạo nên bức tranh trái chiều về nguồn cung.

Giá đồng có thể giằng co trong biên độ hẹp chờ đợi quyết định lãi suất của FED
Giá đồng suy yếu phiên sáng nay 22/03 khi nhà đầu tư thận trọng hơn trước thềm công bố quyết định lãi suất quan trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Hiện những lo ngại xoay quanh thị trường tài chính và lĩnh vực ngân hàng sau sự sụp đổ liên tiếp của Silicon Valley Bank và Signature Bank đã tạm thời lắng xuống. Tâm lý thị trường dần được củng cố và tin tức này không còn gây sức ép mạnh, dòng tiền dần quay trở lại thị trường hàng hóa.
Do đó, tin tức được thị trường quan tâm nhiều nhất hôm nay sẽ tập trung vào nội dung cuộc họp lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed). Công cụ theo dõi lãi suất FedWatch của CME Group hiện cho thấy có 85% số ý kiến cho rằng Fed sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản. Do vậy, nếu Fed tiếp tục ban hành một mức tăng 25 điểm cơ bản nữa, điều này có thể sẽ không gây bất ngờ quá mạnh do phần lớn thị trường đã có chuẩn bị trước cho kịch bản này, mà thay vào đó, điều mà thị trường quan tâm hơn hiện nay là sau đợt tăng lần này, liệu Fed đã kết thúc chu kỳ thắt chặt và hướng tới nới lỏng chính sách tiền tệ hay chưa. Đã có nhiều dự đoán được đưa ra cho rằng Fed có thể sớm cắt giảm lãi suất sau sự hỗn loạn trên thị trường tài chính và lo ngại khủng hoảng ngân hàng thời gian gần đây.
Vì thế, nếu Fed tiếp tục cho thấy quan điểm “diều hâu” và chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục được thắt chặt mạnh mẽ, điều này có thể sẽ gây sức ép mạnh tới nền kinh tế và làm suy yếu triển vọng tiêu thụ kim loại công nghiệp hàng đầu là đồng. Đồng thời, lãi suất tiếp tục tăng kéo theo đồng USD mạnh lên và gây sức ép tới giá.
Tuy vậy, giá đồng có thể được hỗ trợ phần nào trong bối cảnh nguồn cung đang rất hạn chế. Tồn kho đồng tại các Sở Giao dịch lớn trên thế giới đều đang ở mức thấp báo động. Hiện lượng tồn kho đồng trên Sở COMEX tiếp tục trên đà giảm xuống còn 14,627 tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2014. Trên Sở LME, mức tồn kho cũng đạt mức thấp kể từ tháng 3/2022, chỉ đạt 76,400 tấn.

Giá dầu có thể gặp áp lực khi thị trường chờ đợi tâm điểm cuộc họp lãi suất của Fed
Thị trường dầu trong ngày hôm nay sẽ phản ứng mạnh mẽ nhất với báo cáo tuần từ phía Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) và đặc biệt là tâm điểm cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Chiều nay, dữ liệu lạm phát của nước Anh đã gây bất ngờ với thị trường khi chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 2 tăng 10.4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn tháng trước ở mức 10.1% và bất ngờ trái với kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt của thị trường. Trước đó, kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt tại Anh khiến nhiều nhà đầu tư cho rằng Ngân hàng Trung ương quốc gia này có thể tạm dừng tăng lãi suất. Tuy nhiên, với mức lạm phát tiếp tục tăng cao hơn dự kiến, khả năng BOE vẫn sẽ bổ sung thêm ít nhất 25 điểm cơ bản vào lãi suất. BOE cũng có cuộc họp lãi suất vào tối mai, và nhiều khả năng tin tức lạm phát này sẽ gây áp lực đối với giá dầu bởi lo ngại lãi suất còn tăng và gây sức ép tới nền kinh tế.
Trong khi đó, thị trường sẽ hướng tâm điểm sự chú ý vào quyết định lãi suất của Fed được công bố vào đêm nay, và quyết định đang trở nên khó khăn hơn khi các cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng gần đây đang làm gia tăng lo ngại suy thoái. Tuy nhiên, sẽ khó có thể khiến Fed tạm dừng tăng lãi suất khi lạm phát lõi tháng 2 vẫn tăng cao hơn tháng đầu năm, và thị trường lao động tại Mỹ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thị trường tài chính đã tạm ổn định trở lại trước các động thái hỗ trợ từ phía Chính phủ và các Ngân hàng Trung ương, do đó, 25 điểm cơ bản có thể sẽ là mức hợp lý. Điều này nhiều khả năng vẫn sẽ gây sức ép tới giá dầu.
Bên cạnh đó, dữ liệu tồn kho dầu thô thương mại Mỹ cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ, trong trường hợp số liệu đồng thuận với báo cáo từ Viện dầu khí Mỹ (API) vào rạng sáng nay cho thấy tồn kho dầu Mỹ tiếp tục gia tăng, giá có thể sẽ đối diện với áp lực bán.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)