Theo đó,Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại các đường bay quốc tế từ 15/9 tới. Cụ thể, với Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại đường bay Tp. Hồ Chí Minh - Quảng Châu tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên; trong đó, phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác linh hoạt bằng tàu B787 (343 ghế).
Phía Trung Quốc chỉ định 1 hãng hàng không khai thác bằng tàu A320 tối đa 200 ghế. Với phương này số lượng khách cách ly tại Tp. Hồ Chí Minh tối đa 540 khách/tuần.
Với Nhật Bản, Cục Hàng không Việt Nam cho hay: Trong điều kiện nhu cầu kết nối Nhật Bản với 2 đầu Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là tương đồng, Cục đề xuất nối lại đường bay Hà Nội - Tokyo với với tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên và Tp. Hồ Chí Minh - Tokyo với tần suất 1 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.
Phía Việt Nam chỉ định Vietnam Airlines/Pacific Airlines phối hợp khai thác linh hoạt đường bay Hà Nội - Tokyo bằng tàu bay B787 (343 ghế) vào ngày thứ 3 hàng tuần. Vietjet Air khai thác đường bay Tp. Hồ Chí Minh - Tokyo bằng tàu bay A321 (240 ghế) vào ngày thứ 3 hàng tuần.
Như vậy, số lượng cách ly tối đa tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là 560 khách/tuần.
Đường bay đến Hàn Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác đường bay Hà Nội - Seoul với với tần suất 1 chuyến/tuần bằng tàu bay B787. Vietjet Air khai thác đường bay Tp. Hồ Chí Minh - Seoul bằng tàu bay A321. Số lượng cách ly tối đa tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là 650 khách/tuần.
Đường bay đến Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) cũng sẽ do Vietnam Airlines/Pacific Airlines khai thác đầu Tp. Hồ Chí Minh bằng tàu bay B787 và Vietjet Air khai thác đầu Hà Nội bằng tàu bay A320. Dự kiến số lượng khách cách ly tối đa tại Hà Nội là 620 khách/tuần; tại Tp. Hồ Chí Minh là 700 khách/tuần.
Đường bay đến Lào và Campuchia cũng được Cục Hàng không Việt Nam đề xuất nối lại với tần suất 1 tuần/chuyến, do Vietnam Airlines khai thác.
Với kế hoạch khai thác được xây dựng như trên, dự kiến số lượng hành khách nhập cảnh hàng tuần vào khoảng gần 5.000 khách, san cho Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh.
Vietjet Air khai thác đường bay Tp. Hồ Chí Minh - Seoul bằng tàu bay A321. Ảnh: Vietjet Air
Để có thể triển khai kế hoạch khai thác thường lệ nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Bộ Y tế công bố các yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc đối với hành khách khi nhập cảnh và công bố danh sách phòng xét nghiệm real-time PCR do Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thông báo các đối tác, hành khách.
Hành khách trước khi lên máy bay đến Trung Quốc phải có Giấy xác nhận âm tính với COVID-19 theo phương pháp xét nghiệm real time PCR tại cơ sở do Chính phủ nơi hành khách xuất phát đầu tiên chỉ định trong vòng 5 ngày trước khi khởi hành.
Giấy chứng nhận này được gửi đến Đại sứ quán đề xác nhận và gửi lại hành khách trước khi lên máy bay. Ngoài ra, hành khách nhập cảnh Trung Quốc phải cài đặt ứng dụng di động để giám sát đồng thời phải cách ly tập trung 14 ngày có thu phí.
Với Hàn Quốc, khách nhập cảnh nước này phải đeo khẩu trang, nhiệt độ không vượt quá 37,5 độ C, tự cách ly tại nhà hoặc cơ sở được chỉ định và phải cài đặt ứng dụng di động để giám sát.
Trong khi đó, chính sách của Đài Loan (Trung Quốc) về khách nhập cảnh chỉ phải cách ly 5 ngày.
Trước đó, kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 27/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các địa phương phải bố trí các cơ sở cách ly đáp ứng yêu cầu của người nhập cảnh, không phân biệt người nước ngoài và người Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý mở rộng thực hiện việc cách ly tại cơ sở lưu trú có thu phí đồng thời giao Bộ Công an, chính quyền các địa phương, nhất là ngành y tế thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại cơ sở lưu trú, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
Bộ Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn gấp để thực hiện việc thu phí đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả các nơi cách ly. Chi phí khám chữa bệnh tiếp tục do ngân sách nhà nước chi trả theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.