Bàng quang là một cơ quan rỗng, có thể giãn rộng, nằm trong khung chậu với chức năng lưu trữ nước tiểu trước khi được thải ra qua niệu đạo. Chức năng này giúp bàng quang trở thành một phần vô cùng quan trọng của hệ tiết niệu. Ung thư bàng quang là sự phát triển của lớp mô bất thường, hay còn gọi là u, tại bàng quang.
Ung thư bàng quang được phân loại dựa trên hình thái u dưới kính hiển vi, bao gồm 3 loại chính là:
- Ung thư biểu mô niệu (urothelial cell carcinoma – UCC) chiếm khoảng 90% các loại ung thư bàng quang, đồng thời cũng chiếm khoảng 10-15% các trường hợp ung thư thận niệu ở người lớn. Ung thư biểu mô niệu còn được gọi là ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp (transitional cell carcinoma – TCC).
- Ung thư biểu mô tế bào vảy (squamous cell carcinoma), bắt nguồn từ các tế bào vảy phát triển trong lớp niêm mạc bàng quang để phản ứng với kích thích và viêm. Ung thư biểu mô tế bào vảy chiếm khoảng 4% các loại ung thư bàng quang.
- Ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma) là ung thư biểu mô phát triển từ các tế bào tuyến, chiếm khoảng 2% các loại ung thư bàng quang.
Ngoài ra, còn có các loại ung thư bàng quang khác, ít phổ biến hơn, bao gồm ung thư mô liên kết (sarcoma) và ung thư tế bào nhỏ. Sarcoma thường bắt đầu trong lớp mỡ hoặc cơ của bàng quang. Ung thư bàng quang tế bào nhỏ là loại ung thư bàng quang hiếm gặp, có khả năng di căn sang các cơ quan khác.
Tại sao hút thuốc lá lại gây ung thư bàng quang?
Thuốc lá được làm từ quá trình phơi khô lá thuốc, có bổ sung thêm một số thành phần phụ gia để tăng hương vị. Khói thuốc từ thuốc lá là sự pha trộn của nhiều hóa chất phức tạp khi đốt cháy thuốc lá và phụ gia. Theo công bố từ Hiệp hội ung thư Mỹ, thuốc lá làm từ hàng ngàn các loại chất hóa học, trong số đó có tổi thiểu 70 hoạt chất được biết đến với khả năng gây ung thư. Một số hoạt chất gây ung thư có trong thuốc lá là:
- Nicotine (là hoạt chất nổi tiếng nhất và được coi là nguyên nhân sử dụng thuốc lá của hầu hết người hút thuốc)
- Hydrogen cyanide
- Formaldehyde
- Chì
- Chất Asen (thạch tín)
- Amoniac
- Các hoạt chất phóng xạ, ví dụ như Uranium
- Benzen
- Carbon monoxide
- Nitrosamines
- Các loại hydrocarbons thơm đa vòng
Trong số các hoạt chất gây ung thư trên thì chất phóng xạ (như uranium) là hoạt chất gây hoang mang và khó hiểu nhất. Các thành phần hóa học tồn tại trong lá thuốc lá được sử dụng để làm thuốc lá đến từ phân bón và đất trong quá trình trồng cây thuốc lá, do đó lượng chất phóng xạ trong thuốc lá phụ thuộc phần lớn vào điều kiện đất và loại phân bón được sử dụng trong quá trình trồng. Các chất phóng xạ sẽ phát tán trong không khí khi đốt thuốc lá, sau đó được hít vào, gây ra các loại ung thư, bao gồm ung thư bàng quang.
Theo Viện sức khỏe quốc gia Anh, hút thuốc lá là nguy cơ lớn nhất gây ung thư bàng quang. Khi hút thuốc qua nhiều năm, khói thuốc sẽ đi dần vào trong máu và đến cơ quan chuyên phụ trách lọc máu và nước tiểu trong cơ thể là thận. Khi các thành phần hóa học gây ung thư được lọc qua thận và đi vào nước tiểu sẽ di chuyển theo dòng nước tiểu qua niệu quản, bàng quang và được thải ra ngoài. Tuy nhiên, việc bàng quang phải phơi nhiễm với các chất hóa học độc hại lặp đi lặp lại trong suốt thời gian dài do chức năng giữ nước tiểu sẽ gây ra thay đổi trong lớp tế bào lót lòng bàng quang (tế bào biểu mô) và dẫn tới ung thư bàng quang.
Hút thuốc lá có liên quan đến kết quả tồi tệ hơn đối với bệnh nhân ung thư bàng quang sau phẫu thuật
Theo một nghiên cứu của Viện Keck Medicine (Mỹ), những bệnh nhân có hút thuốc được điều trị ung thư bàng quang bằng cách phẫu thuật cắt bỏ u nang triệt để có kết quả tồi tệ hơn các bệnh nhân chưa từng hút thuốc. Phát hiện này rất quan trọng vì trong khi chúng ta biết rằng hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư bàng quang thì đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy hút thuốc lá khiến bệnh nhân ung thư bàng quang gặp nguy hiểm hơn sau khi được phẫu thuật.
Mỗi năm trên toàn thế giới, hơn 500.000 trường hợp ung thư bàng quang được chẩn đoán. Khi ung thư lớn hoặc đã lan ra ngoài bàng quang, bệnh nhân thường được điều trị bằng hóa trị sau đó là phẫu thuật cắt bỏ triệt để các u nang, các hạch bạch huyết và một số cơ quan xung quanh được phẫu thuật cắt bỏ.
Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Keck Medicine đã xem xét về tác động của việc hút thuốc lá đối với phản ứng hóa trị và kết quả sống sót của 13.777 bệnh nhân sau phẫu thuật cắt u nang tận gốc. Trong số những bệnh nhân này, 40,8% là người hút nhiều thuốc lá trước thời điểm phẫu thuật, 14,1% là người từng hút thuốc và 45,1% chưa bao giờ hút thuốc. Kết quả cho thấy những người hút nhiều thuốc lá trước thời điểm phẩu thuật phản ứng kém hơn với hóa trị và có tỷ lệ tử vong cao hơn và tỷ lệ tái phát ung thư bàng quang cao hơn so với những bệnh nhân không bao giờ hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc lá. Những người từng hút thuốc lá cũng có kết quả kém hơn so với những người chưa bao giờ hút thuốc, mặc dù sự khác biệt ít hơn đáng kể. Một lý do khiến việc hút thuốc lá ảnh hưởng đến các kết quả này là chất nicotine trong khói thuốc lá đã cản trở hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch, dẫn đến nhiều biến chứng hơn. Ngoài ra, những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc có xu hướng mắc các dạng ung thư mạnh hơn và nếu họ sống sót sau ung thư bàng quang, sẽ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh ung thư có khả năng gây tử vong khác, chẳng hạn như ung thư phổi.
Nên bỏ hút thuốc lá càng sớm càng tốt
Việc ý thức về sức khỏe và lên kế hoạch ngừng hút thuốc là điều vô cùng cần thiết để giảm thiểu bệnh tật nói chung cũng như sự xuất hiện và tiến triển của ung thư bàng quang nói riêng. Khi lựa chọn ngưng thuốc lá thì chúng ta cũng đang lựa chọn một lối sống lành mạnh hơn.
Trong thời gian một vài tuần đầu khi ngưng hút thuốc lá, các triệu chứng cai thuốc sẽ xuất hiện và dần trở nên mạnh mẽ hơn khiến bạn dễ dàng gục ngã. Đó là khi cơ thể đòi hỏi cung cấp nicotin để có thể trở về trạng thái bình thường. Nhiều người đã không thể vượt qua giai đoạn này và bắt đầu hút thuốc trở lại chỉ sau một thời gian ngắn ngừng hút thuốc. Tuy nhiên, khi đã vượt qua được thời gian khó khăn này, lợi ích về lâu dài cho sức khỏe người hút thuốc và người thân xung quanh là vô cùng to lớn.
Theo Hiệp hội ung thư Mỹ, trong 10 năm sau khi cai thuốc lá, nguy cơ ung thư bàng quang giảm đến 25% và tiếp tục giảm tiếp trong những năm tiếp theo. Một nghiên cứu tổng quan và phân tích hệ thống cũng cho thấy, ngừng hút thuốc còn giảm những tác động có hại gây tiến triển ung thư bàng quang không xâm lấn cơ và xâm lấn cơ.
Do đó, vì lợi ích sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh, điều quan trọng nhất là không nên tập hút thuốc vì bất kỳ lý do gì và nếu đang là người nghiện thuốc thì nên ngưng hút thuốc lá càng sớm càng tốt.
Tham khảo: ruybangtim.com, news-medical.net