Thuốc lá điện tử có 15.000 loại hương vị, có nguy cơ trộn cả chất ma túy vì vậy người hút dễ nhiễm các chất độc gây bệnh ung thư, tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến phát triển trí não. Các chất độc được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử và trong khói. Vì vậy, thuốc lá điện tử có hại cho cả người dùng và người xung quanh.
Các sản phẩm thuốc lá mới có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, trên toàn cầu ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13-15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á.
Khảo sát ở hầu hết các quốc gia đều cho thấy tỷ lệ trẻ em từ 13-15 tuổi đang sử dụng các sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cao.
Tại Việt Nam, những thành tựu về phòng chống tác hại thuốc lá có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Công an, từ năm 2020 đến Quý I/2024, Công an cả nước phát hiện, xử lý 728 vụ/883 đối tượng liên quan đến thuốc lá thế hệ mới (trong đó khởi tố do phạm tội về ma túy 162 vụ/ 299 đối tượng; khởi tố về tội buôn lậu 2 vụ/2 đối tượng; còn lại xử lý hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ.
Trước tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo cần ngăn chặn sự bắt đầu của những người không hút thuốc, trẻ vị thành niên và các nhóm dễ bị tổn thương. Giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho người dùng thuốc lá điện tử (ENDS) và bảo vệ người không hút thuốc khỏi tiếp xúc với khói thụ động của ENDS.
Đồng thời, ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này; áp dụng các biện pháp cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ cho các sản phẩm thuốc lá này theo Điều 13 của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Kiểm soát thành phần và tỏa khói của các sản phẩm này theo theo Điều 9 và 10 của WHO FCTC. Bảo vệ các chính sách và hoạt động kiểm soát thuốc lá nung nóng khỏi tác động của các lợi ích thương mại và các lợi ích khác liên quan tới các sản phẩm thuốc lá nung nóng và ngành công nghiệp thuốc lá, theo Điều 5.3 của WHO FCTC;
Quản lý, bao gồm hạn chế hoặc cấm, khi thích hợp, việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối, trưng bày, bán và sử dụng các sản phẩm thuốc lá nung nóng, phù hợp với luật pháp quốc gia, tính đến mức độ bảo vệ cao cho sức khỏe con người.
Hiện 100% sản phẩm thuốc lá thế hệ mới tại Việt Nam xuất hiện trên thị trường và tiếp cận người dùng phần lớn là hàng nhập lậu. Do đó, WHO khuyến cáo, cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng nhằm mục đích để người không hút thuốc hạn chế cơ hội tiếp cận với thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá thế hệ mới, từ đó giúp giảm tình trạng sử dụng thuốc lá đáng báo động như hiện nay. 

Nguồn: VITIC tổng hợp