Theo một nghiên cứu của Tổ chức Sức khỏe Thế giới cho biết, có đến 40 - 70 % nam giới và 2 - 10 % nữ giới tại các nước đang phát triển hút thuốc (con số này là 30 - 40% nam giới và 20 - 40 % nữ giới ở các nước phát triển). Như vậy, số lượng người phải tiếp xúc chủ động hoặc thụ động với thuốc lá lậu là không hề nhỏ. Nhưng điều đáng nói là phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa ý thức rõ các thành phần nguy hiểm có trong những điếu thuốc lá lậu.
Việc lưu hành và buôn bán thuốc lá lậu trái phép tạo nên một hệ lụy xấu và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững tại mỗi quốc gia. Ở Việt Nam mỗi năm, thuốc lá lậu làm thất thoát ngân sách 6.500 tỷ đồng, làm mất việc làm của 5 triệu lao động nông nghiệp và lấy mất 600.000 công lao động công nghiệp.
Tình trạng buôn lậu thuốc lá tập trung ở các tỉnh phía Tây Nam Bộ như An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An. Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, buôn lậu thuốc lá ngày càng gia tăng vì thuốc lá có sức hấp dẫn do lợi nhuận cao, gọn nhẹ, dễ vận chuyển. Buôn lậu thuốc lá trốn được tất cả các loại thuế gồm: Thuế tiêu thụ đặc biệt 70%; đóng góp Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá 1,5%; thuế giá trị gia tăng 10%; và thuế nhập khẩu 135%. Trong khi đó, đối tượng buôn lậu chủ yếu là nhóm cư dân biên giới không có việc làm ổn định nếu họ không buôn lậu thì không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập; địa bàn để tham gia vận chuyển thuê hàng lậu…
Cũng theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, ngành sản xuất thuốc lá trong nước vẫn còn đóng góp ngân sách cho nền kinh tế ở mức cao, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Cụ thể hằng năm, ngành thuốc lá nộp ngân sách khoảng 20.000 tỷ đồng (xấp xỉ 1 tỷ USD/năm). Trong khi đó, buôn lậu thuốc lá không chỉ gây thất thu ngân sách gần 10.000 tỷ đồng/năm mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự an ninh xã hội, tác động xấu đến sức khỏe cho nhiều người…
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực từ các cơ quan chức năng nhưng tình trạng buôn lậu thuốc lá tại biên giới các tỉnh Tây Nam vẫn “nóng”. Trong khi đó, những vướng mắc giữa các văn bản pháp luật về chế tài xử lý đã gây ách tắc ở nhiều khâu, khiến cơ quan chức năng chưa thể tiến hành xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu.
Hiệp hội cũng phối hợp với Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) thực hiện chương trình tuyên truyền chống buôn lậu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá điếu nhập lậu, triển khai đến Chi cục Quản lý Thị trường 18 tỉnh, thành phố dán áp phích tuyên truyền. Phối hợp với cơ quan truyền thông thực hiện các phóng sự thực trạng buôn lậu tại Long An, An Giang và các điểm bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh.
Vì những tác hại ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế, môi trường sống nên mỗi cá nhân trong cộng đồng cần phải tích cực chống hút thuốc lá. Không chỉ bằng lời nói, khẩu hiệu suông mà phải bằng hành động. Tất cả cùng đồng tâm hợp lực không hút – không mua – không bán thuốc lá góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và ổn định kinh tế.
Nguồn: TH