Năm 2024, WHO chọn thông điệp “Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Trên toàn cầu, ước tính có khoảng 19 triệu thanh thiếu niên từ 13–15 tuổi (13 triệu bé trai và 6 triệu bé gái) hiện đang hút thuốc lá, trong đó có khoảng 5 triệu thanh thiếu niên hút thuốc lá sống ở khu vực Đông Nam Á.
Thực tế cho thấy tại các quốc gia cho phép các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, mặc dù có quy định quản lý chặt nhưng đã không có kết quả trong việc ngăn chặn giới trẻ sử dụng các sản phẩm này, cụ thể:Tại Mỹ, trong giai đoạn 2017-2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh trung học cơ sở, và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh trung học phổ thông. Tương tự, tại Anh, sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021.
Trong khi đó, tại Việt Nam, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử năm 2023 là 7,0%. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 3,5% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Năm 2023, đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá mới. Mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống.

Ảnh minh họa

Từ số liệu trên, WHO cho rằng có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, tiếp thị, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số và thông qua việc sử dụng lao động trẻ em trong việc mua bán, trồng cây thuốc lá.
WHO yêu cầu Chính phủ các nước nên tăng cường các biện pháp thực thi cấm toàn diện các hoạt động quảng cáo thuốc lá và nicotine trên các nền tảng số, mạng xã hội và trên các phương tiện giải trí; hướng tới cấm hoàn toàn các hoạt động trách nhiệm xã hội của công ty thuốc lá. Tăng cường bảo vệ trẻ em; nâng cao nhận thức trẻ em, thanh thiếu niên và cộng đồng về tác hại của thuốc lá và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác. Thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá hiệu quả bao gồm: thực hiện môi trường không thuốc lá; cấm quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm thuốc lá bao gồm quảng cáo trực tiếp và trên nền tảng kỹ thuật số, mạng internet; tăng thuế thuốc lá ở mức cao để khuyến khích người hút thuốc cai thuốc lá và ngăn ngừa thanh niên bắt đầu hút thuốc.
Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá ở mức 70-75% giá bán lẻ. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ hoạt động bán buôn, bán lẻ các sản phẩm thuốc lá; tăng diện tích in cảnh báo sức khoẻ; lồng ghép và tăng cường các chương trình cai nghiện thuốc lá vào các chương trình y tế quốc gia và các chương trình khác. Thuốc lá và các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe vì có chất gây ung thư/thành phần gây ung thư và có nicotine là chất gây nghiện.
Chính phủ các nước cần hành động mạnh mẽ để ngăn chặn khả năng tiếp cận sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong thanh thiếu niên, để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi tác hại của các sản phẩm độc hại này, đồng thời bảo vệ sức khoẻ cho người dân.
WHO cũng kêu gọi các nước sớm xây dựng các chính sách và chiến lược phù hợp, thực hiện các lệnh cấm tiếp thị trong nước và xuyên biên giới đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá và nicotine, đồng thời tăng cường thực thi Luật phòng chống tác hại thuốc lá và các quy định hiện có, bao gồm việc hợp tác với các chính phủ khác để xác định và loại bỏ hoạt động tiếp thị bất hợp pháp xâm nhập vào lãnh thổ mỗi nước.
 

Nguồn: VITIC tổng hợp