Số liệu thống kê từ Ban Chính sách Thương mại-Hội nhập quốc tế - Truyền thông thuộc Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) cho thấy, cơ cấu xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường TPP chiếm 66,8% trong tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may sau 5 tháng đầu năm 2015.
TPP gồm 12 nước thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Newzealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Trong số các thị trường TPP, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt giá trị lớn nhất, với 4,050 tỷ USD, chiếm gần 50% trong khối thị trường TPP, tăng 53% so với cùng kỳ; tiếp đến là Nhật Bản với giá trị 1,005 tỷ USD, chiếm 12,3%; Canada 207 triệu USD, tăng nhẹ 6%; Australia 55 triệu USD; Chile 43 triệu USD; Mexico 33,7 triệu USD; Malaysia 25,8 triệu USD…
Đáng lưu ý, trong số 11 thị trường xuất khẩu trong TPP, xuất khẩu hàng dệt may từ đầu năm 2015 đến nay đều đạt mức tăng trưởng dương tại 10 thị trường, ngoại trừ Mexico giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ.
Khi TPP được ký kết và có hiệu lực, khoảng 1.000 dòng thuế nhập khẩu dệt may sẽ cắt giảm dần về 0%, thay vì 17-20% như hiện nay.
Theo đó, các doanh nghiệp đã tính toán, khả năng tăng trưởng xuất khẩu của hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng lên mức 15%/năm, gần gấp đôi so với mức 7-8%/năm hiện tại.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tiếp tục duy trì tăng trưởng mức 2 con số, đạt 12,18 tỷ USD, tăng 10,26% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 5,1 tỷ USD, tăng 11%, chiếm 42% trong tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường thứ 2 là EU, đạt 1,45 tỷ USD, tăng 8,2%; Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 7,3%; Hàn Quốc đạt 950 triệu USD, tăng 8,3%...
Theo Vitas, với tốc độ xuất khẩu như hiện tại, năm 2015, ngành dệt may tự tin đạt kim ngạch xuất khẩu 27,5 – 28 tỷ USD.