Giá quặng sắt kỳ hạn tại Đại Liên và Singapore ngày 22/7/2022đồng loạt đi xuống.

Nguyên nhân là do các nhà đầu tư chuyển hướng tập trung trở lại với triển vọng nhu cầu ảm đạm của Trung Quốc, sau một đợt tăng trong thời gian ngắn từ tuyên bố mới nhất của chính phủ về kích thích kinh tế.
Trên sàn hàng hóa Đại Liên, giá quặng sắt của Trung Quốc giảm 0,3% xuống 657 CNY (tương đương 97,15 USD)/tấn, sau khi chạm mức 646,50 CNY/tấn.
Trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 8 của nguyên liệu sản xuất thép giảm 0,6% xuống mức 98,85 USD/tấn.
Thị trường tiếp tục lo ngại về việc Trung Quốc phong tỏa chống Covid-19 và tác động của động thái đó đối với nhu cầu sản phẩm thép và nguyên liệu thô mặc dù chính phủ nước này đã nhiều lần cam kết hỗ trợ về mặt chính sách cho nền kinh tế đang gặp khó khăn.
Siêu đô thị phía Nam Thâm Quyến cam kết sẽ hạn chế sự bùng phát đang từ từ lan rộng, khi các nhà chức trách tuân thủ chính sách Zero COVID một cách nghiêm ngặt.
Rủi ro từ việc đóng cửa đã khiến Ngân hàng Phát triển Châu Á hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay 1 điểm phần trăm xuống 4,0%.
Các nhà phân tích của Zhongzhou Futures cho biết, trong bối cảnh nhu cầu tiếp tục suy yếu, thị trường quặng sắt của Trung Quốc có thể sẽ bị "dư cung" trong nửa cuối năm nay.
Dữ liệu tư vấn của SteelHome cho thấy, tồn kho quặng sắt bên bờ cảng ở Trung Quốc tăng đều đặn trong ba tuần qua, đạt mức cao nhất trong bảy tuần là 130,6 triệu tấn.
Các nhà máy thép đã giảm sản lượng trong những tuần gần đây, đưa các cơ sở của họ đi bảo trì sớm hơn bình thường do biên lợi nhuận giảm.
Trên sàn Đại Liên giá than luyện cốc giảm 4,7% và giá than cốc giảm 2,2%.
Các nhà sản xuất than cốc, dạng than đã qua chế biến của luyện cốc hoặc luyện kim được sử dụng trong luyện quặng sắt, cũng đã đồng ý hạn chế sản lượng để tránh thiệt hại lớn hơn.
Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,7% và thép cuộn cán nóng tăng 0,5%, phục hồi nhẹ so với mức giảm đầu phiên. Giá thép không gỉ giảm 1,1%.

Nguồn: VINANET/VITIC/Reuters