Giá vàng trong nước giảm
Vào lúc 14h30 giá vàng SJC của Công ty vàng bạc đá quý Sài gòn SJC tại Hà Nội mua vào 60,95 triệu đồng/lượng lượng (giảm 50.000 đồng/lượng so với cuối tuần qua) - bán ra 61,57 triệu đồng/lượng (giảm 200.000 đồng/lượng).
Giá vàng Doji niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 60,90 triệu đồng/lượng (không đổi) - bán ra 61,55 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng).
Tập đoàn PNJ - SJC niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức mua vào 61 triệu đồng/lượng (tăng 30.000 đồng/lượng) - bán ra 61,55 triệu đồng/lượng (giẩm 100.000 đồng/lượng).
Giá vàng Phú Quý - SJC niêm yết tại Hà Nội ở mức mua vào 60,95 triệu đồng/lượng (giảm 50.000 đồng/lượng) - bán ra 61,45 triệu đồng/lượng (giảm 130.000 đồng/lượng).
Giá vàng thế giới 1.791 – 1.797 USD/ounce
Giá vàng thế giới ngày 10/1 giao dịch quanh ngưỡng 1.791 - 1.797 USD/ounce, tương đương với hôm qua.
Giá vàng tuần này chịu nhiều áp lực khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng liên tục trong gần 1 tháng qua và tăng mạnh hơn trong tuần vừa qua. Giới phân tích cho rằng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng là báo hiệu trước của nguy cơ lạm phát.
Trong báo cáo việc làm cuối tuần qua của Mỹ tháng 12, lương nhân công tăng cũng gây áp lực cho lạm phát nước này trong bối cảnh nguy cơ lạm phát tại đây đã tăng nóng và tạo áp lực khiến Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra lộ trình tăng lãi suất ba lần trong năm 2022. Nhiều ý kiến dự đoán, Fed sẽ sớm đưa ra quyết định tăng lãi suất lần đầu năm 2022 vào tháng 3 tới. Do đó, thị trường sẽ phải tập trung hơn vào các yếu tố như rủi ro lạm phát để tìm manh mối trước cuộc họp Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cuối tháng này.
Vẫn còn khá nhiều ý kiến khác nhau về xu hướng giá vàng trong thời gian tới, bởi thị trường kim loại quý còn phụ thuộc nhiều vào các động thái chính sách từ các ngân hàng trung ương lớn, cũng như tình hình nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp diễn. Tuần này, một trong những bản báo cáo vĩ mô cần chú ý sẽ là tình hình lạm phát mới nhất của Mỹ, dự kiến được công bố vào ngày 12/1. Các nhà kinh tế dự đoán, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng lên 7%/năm vào tháng 12/2021. Các số liệu thống kê của tuần tới đều ủng hộ khả năng CPI bứt phá trên 7% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh chóng tiến tới mức cao nhất trong 40 năm. Nếu trường hợp này xảy ra, áp lực đối với Fed trong việc thay đổi chính sách sẽ còn gia tăng. Ngoài ra, báo cáo PPI và dữ liệu thất nghiệp cùng với doanh số bán lẻ Mỹ cũng được công bố lần lượt vào ngày 13/1 và ngày 14/1 cũng là những yếu tố có thể gây biến động đối với giá vàng.
Theo Bart Melek, Giám đốc chiến lược toàn cầu của TD Securities, đã có dấu hiệu cho thấy Omicron tác động đến thị trường việc làm. Biên chế phi nông nghiệp của Mỹ chỉ tăng 199.000 trong tháng 12 năm ngoái, thấp hơn nhiều so với ước tính trước đó là 400.000 mặc dù tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,9%. Chuyên gia Melek cũng lưu ý giá vàng có khả năng phục hồi nhẹ trong quý I/2022 với mức tăng thêm từ 40 đến 50 USD, nhưng sau đó kim loại quý này có thể trượt giá xuống thấp hơn.
Giám đốc chiến lược thị trường Phillip Streible của Blue Line Futures lại cho rằng, vàng sẽ phục hồi sau đợt bán tháo mới đây trên thị trường và đó sẽ là thời điểm thích hợp để mua vào kim loại quý này. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa tìm thấy yếu tố xúc tác đủ mạnh để thúc đẩy giá vàng bật tăng.
Cuối tuần qua, giá vàng thế giới đã chốt tuần tại 1.798 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 1,7%, là tuần giảm mạnh nhất kể từ tuần kết thúc ngày 26/11/2021.
Nhận định xu hướng: Về mặt kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá vàng kỳ hạn tháng 2 đã mất đi lợi thế kỹ thuật tổng thể trong ngắn hạn do xu hướng tăng giá kéo dài 3 tuần trên biểu đồ ngày đã bị phủ nhận. Mục tiêu tăng giá tiếp theo là tạo ra giá đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc ở mức cao nhất trong tuần này là 1.833 USD/ounce. Mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo đẩy giá vàng xuống dưới hỗ trợ kỹ thuật vững chắc cùng là mức thấp nhất trong tháng 12 là 1.753 USD/ounce.
Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của OANDA, cho biết thị trường vàng đã có một tuần tồi tệ, nhưng xu hướng khó có thể được cải thiện khi xem xét đến việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm từ tăng từ 1,53% lên 1,75%. Ông Moya nhận xét mức 1.770 USD/ounce là điểm hỗ trợ tốt cho vàng trong tuần này. Trong khi đó, Everett Millman, chuyên gia về kim loại quý của Gainesville Coins, cho rằng các động lực dài hạn vẫn đang hỗ trợ giá vàng cao hơn. Ông Millman nhận định ngay cả khi lãi suất tăng, lạm phát cao vẫn có nghĩa lãi suất thực là âm và điều đó là điểm tích cực đối với vàng. Ngoài ra, trong hai chu kỳ nâng lãi suất gần đây nhất, thị trường vàng đã hoạt động rất tốt vào thời điểm lãi suất bắt đầu tăng, do đó động thái này có thể được tái hiện khi Fed bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay và giá vàng nhiều khả năng đạt được mốc 1.900 USD. Về triển vọng của vàng, nhiều dự báo lạc quan hơn. Mới đây, quỹ Goehring & Rozencwajg Associates (Mỹ) dự báo vàng sẽ đạt 10.000 USD/ounce vào cuối thập kỷ này.