Giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London - tham chiếu cho thị trường nhôm toàn cầu phiên 22/3/2021, đạt 2.289,5 USD/tấn, cao nhất kể từ cuối năm 2018. Tại Trung Quốc, giá nhôm tăng sớm hơn do nước này hồi phục trước các nước khác sau đại dịch Covid-19. Theo đó, giá nhôm trên sàn Thượng Hải cuối tháng 2 - đầu tháng 3/2021 ở mức cao nhất gần 10 năm.

Xuất khẩu hàng hóa Canada sang Mỹ đang hạn chế, cước phí vận tải nội địa Mỹ cao, việc hậu cần bị tắc nghẽn bởi bão tuyết khiến giá nhôm ở Mỹ tăng mạnh.

Chính sách chống ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc, nơi chiếm khoảng 60% sản lượng nhôm toàn cầu, khiến nguồn cung nhôm có nguy cơ bị siết chặt.
Theo dự đoán của các nhà phân tích của RBC, nhu cầu nhôm trên toàn cầu sẽ vượt 0,3% so với cung cấp trong năm 2021, và vượt 2,9% vào năm 2022. Do đó, lượng nhôm dự trữ sẽ bắt đầu giảm. Lượng nhôm lưu kho trên sàn LME đã tăng từ 1,1 triệu tấn lên mức cao nhất 5 năm là ,7 triệu tấn vào đầu tháng 3/2021, nhưng sau đó nhanh chóng giảm xuống, hiện chỉ còn khoảng 1,2 triệu tấn.
Số liệu của Viện Nhôm Quốc tế chỉ ra, sản lượng nhôm thế giới tháng 2/2021 giảm xuống 5,203 triệu tấn, từ mức 5,727 triệu tấn của tháng 1/2021. Trong đó, sản lượng của Trung Quốc giảm từ 3,32 triệu tấn xuống 3,017 triệu tấn.
Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu nhôm của nước này trong hai tháng đầu năm 2021 đã tăng 150,7% so với một năm trước đó, do giá nhôm tại Trung Quốc tăng lên cao hơn giá nhôm thế giới. Nhập khẩu nhôm chưa gia công và các sản phẩm nhôm vào Trung Quốc trong tháng 1 và 2/2021 đạt 455.128 tấn, so với khoảng 181.500 tấn một năm trước đó.
Việc giá nhôm tăng cao bất thường khiến Trung Quốc phải xem xét bán nhôm dự trữ ra để bình ổn giá. Ngày 23/3/2021, giá nhôm trên sàn Thượng Hải đã đột ngột lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng, là 16.480 CNY (2.531,33 USD)/tấn, giảm tới 6% so với phiên liền trước, sau khi có thông tin Chính phủ có thể bán phôi thép dự trữ ra.
Sản lượng nhôm của Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm nay tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, khi các nhà máy luyện nhôm mở rộng công suất để tranh thủ thu lợi nhuận khi giá nhôm cao.
Xu hướng tăng giá dự báo sẽ còn tiếp diễn, sẽ có lợi cho những nhà cung cấp bauxite, trong đó có Việt Nam.

Nguồn: VITIC/Reuters